Vớ của doanh nhân 22 tuổi bị Down được cựu tổng thống Mỹ tin dùng
John Cronin năm nay 22 tuổi, dù mắc hội chứng Down nhưng hiện là chủ doanh nghiệp sản xuất vớ trị giá hàng triệu USD. Vớ của anh bán chạy và từng được cựu Tổng thống Mỹ George H.W. Bush tin dùng.
Tại một nhà kho nhỏ ở Melville, New York, hàng chục cái kệ chứa nhiều thùng đựng vớ (tất) đầy màu sắc. Đôi này in hình quả bơ, đôi khác thì có mặt Thủ tướng Canada Justin Trudeau hoặc có hình con lười. Đây là doanh nghiệp sản xuất vớ hàng triệu USD của John Cronin, chàng trai 22 tuổi sống cùng hội chứng Down (bệnh do đột biến số lượng nhiễm sắc thể, khiến người bệnh có vấn đề bất thường về ngoại hình, hành vi, sức khỏe và nhận thức).
Duyên kinh doanh đến với Cronin vào mùa thu năm 2016, khi anh đang học phổ thông năm cuối. Ý tưởng về hãng John’s Crazy Socks bắt đầu nhen nhóm. Cũng như nhiều bạn trẻ, thời đó là lúc Cronin quyết định mình muốn làm gì sau khi tốt nghiệp. Song không như các bạn đồng trang lứa, lựa chọn tương lai của anh có phần hạn chế vì bị hội chứng Down.
“Không có nhiều lựa chọn mở ra cho người khuyết tật. Tất cả chương trình đào tạo nghề đều có danh sách dài những người ứng tuyển, và không nhiều nhà tuyển dụng tạo việc làm cho những người như John. John không thích những lựa chọn mà nó thấy khi đó”, ông Mark Cronin, bố của John, nói với hãng tin CNBC.
“Tôi muốn hợp tác làm ăn với bố tôi, vì tôi yêu bố rất nhiều”, John chia sẻ. Ban đầu, hai bố con được truyền cảm hứng từ phim ‘Chef’ nên có ý tưởng kinh doanh xe tải thức ăn, song chẳng ai biết nấu ăn cả. Vì thế, họ nghĩ cách khác. Ngày Hội chứng Down Thế giới 21.3 đến, đem tới cho họ ý tưởng tuyệt vời. Theo truyền thống, mọi người kỷ niệm ngày này bằng cách mang vớ “điên” nhiều màu, nhiều kiểu.
Ông Mark kể rằng hai bố con đã cố tìm đôi vớ đặc biệt họ có thể bán nhưng không tìm được. Và rồi John có ý tưởng sản xuất vớ. Anh phác thảo thiết kế vớ của mình: Đôi vớ màu tím có hình trái tim và con số “3-21”. Ngày Hội chứng Down Thế giới là ngày 21.3 vì nó tượng trưng cho ba lần nhiễm sắc thể thứ 21, vốn là nguyên nhân gây ra hội chứng Down.
“John mang vớ điên cả đời nó. Nó ra ngoài và mang những đôi vớ trông điên rồ và đầy màu sắc. Chúng tôi từng chạy lòng vòng để kiếm vớ cho nó. Tôi còn nhớ có nhiều hơn một lần, một trong những người anh của John đến chỗ tôi và nói rằng tôi không thể để con mình đến trường mà mang những chiếc vớ như thế”, người bố năm nay 60 tuổi, kể lại.
Sau khi phác thảo đôi vớ, John nảy ra ý tưởng bán vớ. “John đến bên tôi và nói rằng chúng tôi nên bán vớ. Nghe có vẻ như một ý tưởng đáng để thử, và chúng tôi đã thử. Chúng tôi không có kế hoạch kinh doanh, không nghiên cứu nhiều, chỉ là cố gắng làm và đợi phản ứng của mọi người”, ông Mark nói.
Ban đầu, chỉ có hai bố con hợp tác trên trang web John’s Crazy Socks. Họ chọn ra vài đôi vớ, từ từ mở rộng kho hàng. Bố con nhà Cronin làm mọi thứ mà một doanh nghiệp nhỏ vẫn hay làm, từ đăng ký kinh doanh ở tiểu bang cho đến mở tài khoản ngân hàng. Con đường tiếp thị duy nhất của họ là trang Facebook với video low-fi mà John nói về vớ anh bán. Khoản đầu tư ban đầu để dựng doanh nghiệp chỉ có vài ngàn USD.
Trang John’s Crazy Socks chính thức khởi động tháng 12.2016. Phản hồi từ những khách hàng đầu tiên rất hứa hẹn. Bố con nhà Cronin nhận được 42 đơn hàng trong ngày đầu, tất cả đơn hàng đều ở địa phương và phần lớn đến từ Huntington, New York. Khi ấy, John vẫn là học sinh tại trường trung học Huntington.
Song ý tưởng kinh doanh chưa dừng lại ở đó. Mỗi đơn hàng đặt mua vớ đều được gói trong giấy lụa, đặt vào hộp màu đỏ với lời cảm ơn và kẹo. Chính John là người giao hàng. “Tôi đi ra ngoài, gõ cửa và thấy cả gia đình đang đợi mình. Họ nói với tôi rằng họ yêu những đôi vớ. Họ thậm chí còn chụp ảnh với tôi, quay video với tôi. Thật tuyệt”, John nhớ lại.
Lòng nhiệt thành kinh doanh của John gây chú ý. Video và hình ảnh John giao hàng tận nhà lan truyền trên mạng xã hội. John’s Crazy Socks giao đến 452 đơn hàng trong tháng đầu, thu về khoảng 13.000 USD. Hãng sau đó tung 31 thiết kế vớ khác nhau với giá từ 5 USD đến 12 USD mỗi đôi.
Khi vớ tự sản xuất “cháy hàng”, John mua thêm vớ Giáng sinh về để bán. Mục tiêu của John’s Crazy Socks là trở thành nơi để mọi người tậu vớ. Vì thế, hãng nhập hơn 2.000 mẫu sản phẩm từ hơn 20 nhà cung ứng. Dù vậy, vớ do chính John thiết kế vẫn bán chạy nhất. John’s Crazy Socks tặng 5% doanh thu từ doanh nghiệp đến Thế vận hội đặc biệt dành cho người khuyết tật.
Không những thế, John’s Crazy Socks còn là doanh nghiệp xã hội khi tuyển dụng nhiều người khuyết tật. Đến nay, hãng tạo ra nhiều việc làm cho người lao động, 18 trong số này là những người khuyết tật.
Năm 2017, hãng giao tổng cộng khoảng 42.000 đơn hàng, đạt doanh thu 1,7 triệu USD. Năm nay, công ty đặt mục tiêu giao từ 160.000 đến 180.000 đơn hàng để có doanh thu hơn 6 triệu USD. Khách hàng của John’s Crazy Socks có cả chính trị gia, những người nổi tiếng, chẳng hạn như cựu Tổng thống Mỹ George H.W. Bush và diễn viên Eva Longoria.
“Khi bà Barbara Bush qua đời, văn phòng gọi đến chúng tôi và nói rằng tổng thống cùng gia đình muốn mang vớ để tưởng niệm bà Bush. Vì thế chúng tôi chọn ra một số đôi vớ và gửi đến cho gia đình. Ông ấy mang vớ trong ngày tang lễ bà, và được truyền thông chú ý”, ông Mark kể. Đôi vớ mà cựu Tổng thống Mỹ mang là Bibliophile, đến từ nhà cung ứng Modsocks. John’s Crazy Socks đổi tên vớ thành Library Socks for Literacy. Toàn bộ lợi nhuận bán vớ này được chuyển đến Quỹ Đọc viết Barbara Bush.
Là chủ doanh nghiệp nhưng thực tế tại Library Socks for Literacy John’s Crazy Socks, John chỉ nhận anh là “chief happiness officer” hay giám đốc hạnh phúc. Anh ấy trẻ, vui vẻ và chia sẻ rằng mình thực sự thích làm việc cùng bố. Hết ngày làm việc, John thường đeo tai nghe, hát và nhảy trong bãi đậu xe trước khi về nhà.
“Tôi mắc chứng Down, nhưng chứng Down không kìm chân tôi”, John khẳng định.
Thu Thảo – Báo Thanh niên