Với chiếc máy bán đồ ăn tự động này, người ta sẽ mua được rau tươi, salad, hay bánh mì kẹp mới làm, chứ không phải những thực phẩm đóng gói như những máy bán hàng tự động thông thường.

Đây là mô hình kinh doanh mới mẻ của Farmer’s Fridge, một startup ở Chicago, Mỹ. Nhà sáng lập Luke Saunders nhận ra rằng mình luôn luôn bận rộn, không có thời gian để mua đồ ăn uống một cách lành mạnh. Trong khi đó, đồ đóng hộp mua được dễ dàng từ máy tự động thì lại không ổn lắm cho sức khỏe. Ý tưởng về một chiếc máy bán thực phẩm tươi ra đời từ đó.

Công ty đã cải tiến chiếc máy bán hàng tự động thành một tủ lạnh kết nối internet, có giao diện đồ họa thuận tiện cho người dùng. Công ty có bộ phận bếp đảm nhiệm việc nấu ăn. Món ăn được nấu và đóng gói, rồi đưa đến các máy bán hàng trong khoảng thời gian từ nửa đêm đến 8 giờ sáng. Các đầu bếp cũng nhận phản hồi từ khách hàng và liên tục điều chỉnh thực đơn và thức ăn.

Công nghệ IoT giúp cho các máy bán hàng có thể báo cáo hoạt động và các thông tin như doanh số bán hàng, thực đơn tinh chỉnh, nhiệt độ của máy,… Ví dụ, nếu tủ lạnh vượt quá 40 độ trong một khoảng thời gian nhất định, cảm biến nhiệt độ sẽ gửi cảnh báo đến trung tâm xử lý và tắt các chức năng của tủ lạnh để ngăn chặn việc bán các sản phẩm có khả năng đã bị hỏng.

Hệ thống quản lí có thể xác định xác suất bán ra của từng sản phẩm tại một máy bán cụ thể. Thuật toán sẽ quyết định lượng thức ăn từng loại cần được phân bổ ở mỗi máy bán hàng.

“Chúng tôi nhận được báo cáo hàng ngày để biết chính xác những gì nên làm với mỗi tủ lạnh của Farmer’s Fridge”, Saunders nói. “Chúng tôi làm điều đó để có thể đặt hàng một cách phù hợp”.

Thông qua trang web hoặc ứng dụng của Farmer’s Fridge, khách hàng có thể xem menu và thành phần của từng món ăn. Khách hàng có thể đặt hàng qua ứng dụng rồi nhập mã vào máy để nhận được sản phẩm theo ý thích. Ngoài ra, trên máy còn có một cửa để khách hàng gửi lại hộp đựng thực phẩm đã qua sử dụng để tái chế.

Hiện tại, Farmer’s Fridge đã có trên 200 máy bán hàng tự động, đặt bên cạnh các trung tâm giao thông, bệnh viện và các khu ăn uống.

Theo Saunders, Farmer’s Fridge không chỉ là một hệ thống bán hàng tự động. “Đó là một sự đổi mới trong chuỗi cung ứng để mang lại những bữa ăn tươi cho mọi người với chất lượng nhà hàng. Chúng tôi nghĩ mình là một nhà hàng trên góc độ chất lượng thực phẩm”, anh nói.

Sự kết hợp của thực phẩm tươi và công nghệ tự phục vụ IoT đã giúp Farmer’s Fridge thành công trở thành mô hình thay thế cho các nhà hàng thức ăn nhanh và hình thức bán hàng tự động truyền thống. Mới đây, startup này đã huy động được 30 triệu USD trong vòng gọi vốn Series C từ quỹ đầu tư Innovation Endeavors.

Linh Nguyễn Lê (theo Fast Casual)