“Cá mập” Trần Anh Vương: “Thời của khởi nghiệp sáng tạo”
Chưa bao giờ vấn đề khởi nghiệp được cả xã hội quan tâm như hiện nay, có thể thấy điều này qua việc chương trình truyền hình thực tế “SharkTank Việt Nam – Thương Vụ Bạc Tỷ” đã và đang thu hút sự quan tâm lớn từ cộng đồng startup hơn bao giờ hết. Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn với “cá mập” (Shark) Trần Anh Vương, một trong số những nhân vật nổi bật của chương trình xung quanh vấn đề này.
Ông được coi là “cá mập săn mồi” thành công nhất trong Sharktank VN. Vậy điều gì làm ông khác với Shark còn lại?
Trong Sharktank, mỗi người có khẩu vị đầu tư riêng nhưng sự khác biệt lại do cá tính của mỗi Shark. Xem SharkTank, có người nói có ông khó tính, có ông vui tính, có ông thì lọc lõi. Sharktank là truyền hình thực tế, dù không có sự phân vai nhưng mỗi tính cách lại hình thành nên một vai diễn. Người ta thường gọi tôi là “Shark vui tính”. Khi nói về đầu tư là thường nói đến tiền bạc nên đôi khi cũng căng thẳng. Với startup có khi ở ngoài tự tin nhưng khi vào gặp các Shark thì mất tinh thần, vì vậy tôi hay lấy lại tinh thần cho các bạn, để lên truyền hình đẹp hơn, trình bày mạch lạc, chuẩn xác hơn về những thứ các bạn đã chuẩn bị. Thời gian đầu, mọi người bảo tôi là phiên dịch và đúng như thế, tôi bảo các bạn, các em là cứ bình tĩnh nói việc này việc kia hoặc theo anh hiểu thì như thế này có đúng không? Đó là một phần tính cách của tôi, cũng là trách nhiệm cá nhân đối với chương trình. Các Shark phối hợp với nhau khá tốt và cá tính của mỗi Shark tạo nên nét khác biệt mà ngay cả ở chương trình SharkTank của Mỹ cũng không có.
Vậy, đối với một dự án khởi nghiệp, các Shark lựa chọn đầu tư hay không đầu tư có phải do tính cách của mỗi Shark?
Đó là khẩu vị đầu tư, thí dụ như có quỹ chỉ đầu tư về công nghệ, có quỹ chỉ đầu tư về nông nghiệp. Khẩu vị đầu tư mang tính quyết định nhất. Sau đó, còn tuỳ thuộc vào các startup. Tại Sharktank mùa 1, các startup VN “máu me”, tự tin, trung thực là hầu hết sẽ được đầu tư. Nói thẳng ra là chất lượng startup mùa 1 không cao, hy vọng mùa 2 số lượng sẽ tăng lên, chất lượng sẽ khá hơn. Do chất lượng không cao nên sự lựa chọn của các Shark theo đó cũng sẽ khó hơn.
Tuy nhiên, do SharkTank là truyền hình thực tế nên các Shark đều không biết gì về các startup sắp bước vào phòng kêu gọi đầu tư hoặc sẽ có những startup nào, lĩnh vực gì nên chương trình cũng có sức ép phải có lựa chọn nhất định đối với các Shark.
Khẩu vị đầu tư của ông là gì và vì sao ông lại chọn các dự án đó?
– Trong Sharktank mùa 1, chủ yếu tôi lựa chọn con người chứ không tuân theo nguyên tắc cơ bản (ngành hàng) khi dự án đầu tư đó không quá lớn. Ví dụ emwear – khởi nghiệp về thời trang đồ lót, ai cũng nói bạn này may mắn, tuy nhiên lại không phải thế, ngành này không phải ngành chúng tôi đầu tư nhưng tố chất nghiệp chủ của startup này khiến không chỉ tôi mà hầu hết các shark đều nhìn thấy cơ hội. Thẩm quyền của tôi tại Sam Holdings được đầu tư đến hàng trăm tỉ đồng. Nhưng riêng đầu tư vào startup là đầu tư mạo hiểm , đầu tư rủi ro cao và cơ hội lớn, cho nên trước khi tham gia SharkTank hội đồng quản trị công ty đã phải ra một nghị quyết cho phép quỹ sharktank được đầu tư đến 10 tỉ đồng, đây là 1 con số khá lớn và mang trọng trách đối với cá nhân tôi bởi ai cũng biết đầu tư cho hởi nghiệp khó như thế nào…
Theo luật chơi của chương trình, sau khi cam kết đầu tư trên truyền hình, chúng tôi sẽ phải ngồi lại với nhau để làm việc về thị trường, tài chính.v.v.. trường hợp nếu phát sinh vấn đề không phù hợp thì thậm chí hai bên vẫn có thể thay đổi phương án đầu tư hoặc thậm chí dừng không đầu tư. Vì vậy mà tỉ lệ đầu tư những mùa đầu tại SharkTank Mỹ cũng chỉ đạt trên 20%, tôi không chắc liệu Việt nam có đạt tỉ lệ cao hơn như vậy hay không nữa.
Thủ tướng mong muốn có thêm nhiều quỹ hỗ trợ khởi nghiệp và quỹ đầu tư mạo hiểm hơn nữa hoạt động ở Việt Nam để cùng hòa vào làn sóng khởi nghiệp đang rất hứng khởi ở Việt Nam, ông nhìn nhận thế nào về vấn đề này?
– Lời hiệu triệu của Thủ tướng đã tạo ra hiệu ứng mạnh mẽ. Nhất là với tuổi trẻ, chăm chỉ và muốn kiếm tiền, nhiều bạn đã bùng lên khát vọng khởi nghiệp làm giàu thay vì đi làm thuê, làm thuê lương 50 triệu cũng không làm mà muốn làm chủ. Điều này đã tạo ra lối suy nghĩ mà trước đây không có. Thời bọn tôi khởi nghiệp những năm 1998 – 2000 thì “máu lắm” mới đi làm doanh nhân, nhưng bây giờ khác, nay giám đốc mai không làm giám đốc nữa thì cũng không lo gì cả. Ngày trước, khi một Cty sinh ra rất ít khi lụi đi và thất bại vì công ty thời đó không nhiều và những người khi thành lập công ty họ cũng suy nghĩ “vật vã”, nghĩ kỹ lắm rồi. Giờ có khi chỉ cần 2 triệu đi ra làm giấy đăng ký kinh doanh là đã thành thành lập được công ty của mình, quá dễ dàng. Do đó, khởi nghiệp đã thúc đẩy số lượng doanh nghiệp ra đời và đưa tinh thần làm giàu lên cao. Tôi cho rằng mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp hoạt động vào năm 2020 sẽ đạt được dễ dàng.
Về phía Chính phủ, khi người đứng đầu đã thể hiện rõ quyết tâm cũng như suy nghĩ của mình hỗ trợ khởi nghiệp thì các cấp các ngành bên dưới thấy như thế cũng phải suy nghĩ làm sao đáp ứng được mong muốn đó. Các bộ ngành sẽ có những văn bản pháp luật, các cấp chính quyền, các tỉnh thành cũng có hỗ trợ cho khởi nghiệp, cho nên đây là sự tương tác của chính quyền với những người khởi nghiệp, tốt hơn trước đây.
Quan trọng nhất đó trách nhiệm của lớp doanh nhân đi trước, những doanh nhân lớn như Trần Bá Dương, Phương Hữu Việt,… dìu dắt lớp chúng tôi còn chúng tôi tiếp theo thấy rằng Sharktank mùa 1 chưa rõ sẽ thu về được điều gì nhưng các Shark như chúng tôi đã tâm huyết, bỏ thời gian, bỏ công bỏ sức, tiền bạc đầu tư cho startup dù rủi ro và khó khăn rất lớn, chúng tôi mong rằng sẽ có lớp doanh nhân kế cận tiếp bước các thế hệ doanh nhân đàn anh.
Kể từ đổi mới tới nay, tôi cho rằng chúng ta có 4 thế hệ doanh nhân, trong đó những người khởi nghiệp vào những năm 1986 từ một số Cty TNHH, sau thế hệ đó đến lứa chúng tôi thành lập Cty vào khoảng 1996 (1996 – 2000 ra đời luật Doanh nghiệp mới), và bây giờ đến thế hệ 8X. Còn lớp doanh nhân thứ 4 hiện nay bắt đầu xuất hiện rất trẻ trung chủ yếu là khởi nghiệp công nghệ, tôi được biết ở VN hiện có tới 100 doanh nhân rất trẻ có tài sản trên 10 triệu đô la.
Ở ta có những thứ chạy theo trào lưu, vụt lên rồi loãng dần và không ai quan tâm nữa, vậy theo ông làm sao duy trì hứng khởi để khởi nghiệp luôn giữ được độ “nóng” và luôn khuyến khích được những người muốn khởi nghiệp?
– Khởi nghiệp cũng xuất phát từ danh và lợi, danh là về sau còn lợi là trước mắt, là tiền. Thế nên muốn duy trì phong trào thì khởi nghiệp phải thành công. Tôi cho rằng thành công cần nhiều yếu tố nhưng khởi nghiệp giờ không còn mang tính phong trào theo nghĩa tiêu cực nữa mà thực tế là bỏ tiền vào kinh doanh và để sinh ra tiền.
Với cảm nhận của tôi khởi nghiệp sẽ đưa đất nước đi lên bởi phải thẳng thắn rằng, 2 năm vừa qua khi chưa có được chính sách hỗ trợ nhưng giới khởi nghiệp vẫn bùng lên rất mạnh mẽ. Không cần hô hào, khởi nghiệp cũng tự có đà đi lên.
Mặt khác dù chưa có quỹ hỗ trợ khởi nghiệp nhưng một số doanh nhân đi trước đã đầu tư cho các startup và Sharktank là một minh chứng rõ ràng nhất đã và đang mang lại không chỉ mơ ước làm giàu cho các bạn trẻ khởi nghiệp mà là sự đầu tư tiền và công sức thật sự.
Có những nhóm khởi nghiệp họ không muốn “dây” vào “cá mập” vì khi thành công họ thường cảm thấy rất thiệt thòi do mình đã “bán lúa non” hoang phí, thậm chí bị “giật ghế” từ vai trò làm chủ thành người làm thuê cho “cá mập”. Nên hiểu sao về điều này, thưa ông?
Ở đây không có gì gọi là thiệt thòi, không ai bắt các bạn phải bán một phần dự án cho các Shark. Tất cả ở đây là sự đánh đổi, sự đánh đổi nào cũng có giá của nó. Việc làm chủ hay làm thuê cũng cần phải nói rõ rằng trong thời đại hiện nay rất khó định nghĩa chuẩn, nếu thích làm trong một công ty lớn 1.000 tỉ thì đương nhiên phần của các bạn phải bé đi. Còn nếu thích làm công ty một tỉ thì các bạn có thể tự mình làm cả.
Có ý kiến cho rằng, khởi nghiệp để làm “ông chủ”, trong khi thực tế tỉ lệ khởi nghiệp thành công rất thấp. Và khi đang làm chủ rồi thì khó có thể trở lại làm thuê. Ông có lời khuyên nào trong trường hợp này?
– Không xác định cái nào làm thuê, cái nào làm chủ. Khi khởi nghiệp mãi không thành công có thể tố chất của mình có vấn đề hoặc những định hướng của mình chọn sai. Tôi nghĩ điều này đúng ở tất cả các ngành nghề. Có những người khởi nghiệp quy trình thuộc làu làu nhưng năng lực thật không có thì vẫn thua trên thương trường.
Khi không thể làm chủ thì phải làm thuê nhưng làm thuê đâu có phải là tồi. Có những người làm thuê còn hơn làm chủ và đó là những “người làm thuê vĩ đại”, ví dụ ông Võ Quang Huệ làm thuê cho Vinfast. Tôi cho rằng Vinfast thành công hay không phụ thuộc rất lớn vào “người làm thuê” như ông Huệ.
Tất nhiên không thể phủ nhận có thể bạn làm 7 lần thất bại nhưng 10 lần thì thành công, chuyện đó rất bình thường. Nhưng đến lúc không đủ tất cả các điều kiện để bạn khởi nghiệp thêm một lần nào nữa thì tốt nhất là dừng lại.
Những người khởi nghiệp của Việt Nam thường yếu về điều gì, thưa ông?
– Startup VN yếu nhất hai vấn đề. Thứ nhất là về kiến thức tài chính. Các bạn bị lẫn lộn nhiều thứ, lẫn lộn tài sản – nguồn vốn, đầu tư – chi phí. Nhiều deal đầu tư rồi mà các bạn không phân biệt đâu là cá nhân các bạn đâu là công ty. Doanh thu có cái về tài khoản cá nhân, có cái về tài khoản công ty. Có bạn bán hàng, báo cáo doanh thu được 1,8 tỉ đồng/tháng nhưng sổ sách, sao kê ngân hàng chỉ có 1 tỉ, kiểm tra thì hoá ra 800 triệu đồng chuyển vào tài khoản cá nhân.
Thứ hai là lựa chọn ngành hàng. Có những người chủ động khởi nghiệp khi đã xác định rõ năng lực của mình, chọn ngành hàng tốt, nhưng có bạn khởi nghiệp bị động. Có khi cầm tấm bằng ra khỏi cổng trường khi đó gia đình không nuôi nữa còn xã hội thì chưa thừa nhận năng lực thế là khởi nghiệp. Tiện gì thì làm cái đó, họ bị tác động chứ không phải nhìn ra vấn đề.
Khởi nghiệp thì phải đổi mới, sáng tạo nhưng có những thứ ta chỉ cần sao chép Tây vẫn có đất sống thậm chí sống tốt. Ông có ý kiến thế nào về điều này?
Ta nói chuyện tại sao đa phần lớp doanh nhân ở Nga về thành công, ở đây có 2 yếu tố. Thứ nhất, những người được đi nước ngoài thời đó cũng là nhóm tài năng. Khi học ở nước ngoài thì cũng có làm thêm và kiếm được vốn. Khi về nước thì họ có tận dụng được lợi thế để nhân bản những gì đã học, vì đất nước mình đi sau. Có thể nhân bản mô hình, cách thức công nghệ, quản trị từ A tới B đến C và chắc chắn thành công. Tất nhiên có sáng tạo trong điều kiện Việt Nam nhưng đến giai đoạn hiện nay, việc hưởng lợi từ nhân bản ngày càng ít đi, bởi thế giới ngày càng phẳng và nhiều điều ai cũng biết.
Hiện nay, khởi nghiệp đòi hỏi sáng tạo. Ngay cả giữa kỹ sư của ta với kỹ sư của Mỹ, ai sáng tạo hơn thì người đó sẽ được chọn.
Nếu được khởi nghiệp lại như tuổi 20, ông sẽ bắt đầu như thế nào?
Tôi sẽ chọn cách như các bạn trẻ làm là sẽ cắn một miếng nhỏ trong một cái bánh lớn. Tôi chỉ chiếm một phần trong công ty của mình và phải dựa vào người đi trước có vốn, có kinh nghiệm, như vậy bước đi sẽ nhanh hơn.
Trước đây, khởi nghiệp thường là 2 ông chơi với nhau, chung nhau làm cả và khi có một chút vốn thì tiến triển bỗng trở nên rất chậm. Thời của tôi, phải mất 7 năm mới có được công ty trăm tỉ, giờ chỉ cần 1 năm là đã có thể đạt được quy mô như vậy. Quan trọng nhất là chọn được ngành hàng, thứ 2 là người đi cùng mình, những người vừa mang cho mình vốn vừa mang cho mình kinh nghiệm và tiếp lửa thì chả còn gì quý hơn!
Xin cảm ơn ông!
Huy Minh – Thanh Hải (Báo Lao động)