Startup chế tạo thành công ô tô điện biết… bơi
Hideo Tsurumaki đã đặt quyết tâm phải chế tạo cho bằng được một chiếc xe hơi có thể đi trên mặt nước, sau khi chứng kiến hàng loạt người dân Nhật Bản mắc kẹt trong ô tô và bị nhấn chìm bởi trận sóng thần dữ dội hồi năm 2011.
Ý tưởng phát sinh từ thực tế
Cảnh tượng từng chiếc, từng chiếc xe hơi bị cơn sóng dữ dội nuốt chửng đã khiến Hideo Tsurumaki nghĩ ngay đến người mẹ cao tuổi của mình. Lúc đó, bà lão đang sống ở mé biển, ngay trong một khu vực khác, nơi vốn cũng dễ bị ảnh hưởng của động đất và sóng thần. Vì tuổi đã cao nên mẹ của Tsurumaki đi lại khá khó khăn, rất giống với tình trạng của những người đã chọn chạy trốn sóng thần bằng ô tô để rồi bị nước lụt nhấn chìm vậy.
Thế cho nên, Tsurumaki đã nghĩ rằng nếu xe hơi có thể nổi trên mặt nước thì sẽ cứu sống được rất nhiều người. Nghĩ là làm! Hai năm sau, vị kỹ sư 55 tuổi này đã từ bỏ công việc tại Tập đoàn Toyota để chuyên tâm chế tạo mẫu xe điện có thể nổi được trên mặt nước khi gặp lũ lụt và thậm chí là có thể lướt đi từ từ.
Tsurumaki đã sáng lập Fomm Corp. với số vốn ban đầu chỉ 200.000 yen (khoảng 1.800 USD). Được biết, vị kỹ sư đã tự tay chế tạo mẫu chạy thử và vận hành nó ngay tại phòng ký túc của mình.
Hiện tại, startup của Tsurumaki đã thu hút được một số nhà tài trợ cũng như chế tạo thành công các mẫu xe chạy thử và đang lên kế hoạch sản xuất khoảng 10.000 chiếc mỗi năm tại một phân xưởng gần thủ đô Bangkok, Thái Lan. Tsurumaki hy vọng, đến năm 2020, startup của mình sẽ có thể phát hành cổ phiếu trước công chúng.
Từ năm 2016, Fomm đã hợp tác với Trinex Assets Co. để cùng chế tạo chiếc xe và hiện startup của Tsurumaki đã cho ra đời mẫu thử thứ 4. Dự kiến, sản xuất đại trà sẽ bắt đầu vào tháng 12/2018 và chiếc xe độc đáo này sẽ được bán ra thị trường cũng vào thời điểm đó.
Hideo Tsurumaki nói: “Tôi định sẽ đặt một chiếc xe có thể nổi trên nước ở trước nhà. Nhiều người khác chắc cũng sẽ suy nghĩ như vậy”.
Thực ra, phương tiện có thể di chuyển trên cạn lẫn dưới nước là một ý tưởng không mới, mà đã xuất hiện ít nhất vào khoảng đầu thế kỷ 19. Và, mặc dù ý tưởng của Tsurumaki được dựa trên mong muốn chống chọi với sóng thần, song, chiếc xe của ông vẫn chưa đủ khả năng để có thể đương đầu trực diện với dòng lũ chảy xiết hay những con sóng cao hàng chục mét khi có động đất ngoài khơi Nhật Bản. Trước mắt, viễn cảnh tốt nhất mà Tsurumaki tưởng tượng được là “đứa con tinh thần” của mình sẽ đóng vai trò như một chiếc xe thứ hai trong các gia đình tương đối khá giả, dùng để đi dạo phố.
Hiện tại, chiếc xe chỉ mới có thể nổi trên mặt nước và lướt đi từ từ trong điều kiện bình thường mà thôi. Tuy nhiên, thành quả đó vẫn là một bước tiến lớn đối với một ý tưởng bộc phát. Vị kỹ sư nói rằng phần lớn khách hàng sẽ chỉ sử dụng chức năng nổi trên mặt nước trong tình huống khẩn cấp, có thể là chỉ duy nhất một lần trong đời.
Cùng với các nhà nghiên cứu thuộc trường đại học Tokyo, Tsurumaki đã phải mất 3 năm để có thể tìm ra cơ chế giúp chiếc xe điện của mình di chuyển trên mặt nước. Sau nhiều thử nghiệm, Tsurumaki đã sử dụng bánh xe có hình dạng giống như tua-bin để đạp nước và lắp đặt thêm một bộ phận trước xe để giúp tạo lực đẩy. Đồng thời, bộ phận này cũng cho phép người lái sử dụng vô lăng để rẽ trái, phải.
Hứa hẹn thành công, song cần cắt giảm chi phí
Xe điện của Fomm có kích thước bằng cỡ một chiếc xe điện ở sân golf, với trọng lượng thân xe khá nhẹ. Pin năng lượng nằm dưới 4 ghế xe có thể được tháo ra lắp vào, nên người dùng sẽ không cần phải chờ đủ 6 tiếng cắm sạc. Chiếc xe có thể di chuyển với cự ly khoảng 160km cho mỗi lần sạc và có tốc độ tối đa vào khoảng 80 km/h.
Ken Miyao – chuyên viên phân tích tại Carnorama Inc. ở Tokyo – cho biết: “Chiếc xe của Fomm sẽ trở thành phiên bản cải tiến của những chiếc tuk-tuk 3 bánh ở Bangkok, khi mà Chính phủ Thái Lan đang đẩy mạnh việc phát triển phương tiện thân thiện với môi trường. Tôi có thể thấy được cơ hội thành công của nó”.
Tuy nhiên, không thể không kể đến những khó khăn còn tồn tại, bất chấp sự phát triển của Fomm. Trong đó, giá bán của xe điện là trở ngại số một, mà nguyên nhân chủ yếu đến từ chi phí sản xuất pin. Ngoài ra, vì có thêm chức năng nổi trên nước, nên giá bán một chiếc xe điện của Fomm chắc chắn sẽ tăng lên.
Bên cạnh đó, mục tiêu sản xuất hàng năm tương đối thấp (10.000 chiếc/năm) sẽ khiến cho chuyện thương thảo giữa Fomm với các nhà cung cấp thêm phần khó khăn. Được biết, chiếc xe điện nổi trên nước sẽ có giá khoảng 580.000 baht (18.153 USD), tương đương với giá bán của một chiếc xe lớn hơn.
Tsurumaki cho biết đang tìm cách cắt giảm chi phí để giảm giá chiếc xe xuống còn dưới 5.000 USD. Miyao cũng đồng ý rằng giá bán là chìa khoá then chốt cho sự thành công của Fomm. Ông nói: “Họ cần phải sản xuất chiếc xe sao cho có giá bán rẻ như những chiếc xe không nổi được. Tôi không nghĩ là có ai lại muốn trả gấp đôi cho một chiếc xe điện chỉ vì nó có chức năng này – chức năng mà thậm chí cả đời họ chắc chỉ sử dụng được đúng 1 lần”.
Lê Duy – Doanh nhân Sài Gòn