Doanh nghiệp khởi nghiệp và những nút thắt chính sách
Làn sóng khởi nghiệp được duy trì và tăng tốc mạnh mẽ trong những năm gần đây là điểm sáng trong bức tranh kinh tế Việt Nam. Một hệ sinh thái khởi nghiệp, tuy còn non trẻ, nhưng bước đầu đã dần thành hình, trong đó động lực chính đến từ khối tư nhân. Tuy nhiên, đáng tiếc là chính sách, thay vì trở thành động lực, vẫn đang còn là những điểm nghẽn.
Mảnh ghép ‘Coworking Space’ cho hệ sinh thái khởi nghiệp
Với những người quan tâm đến lĩnh vực khởi nghiệp, câu chuyện những người sáng lập Trần Anh – thương hiệu khá đình đám trong lĩnh vực điện máy ở Hà Nội, sau khi chuyển nhượng chuỗi siêu thị bán lẻ cho Thế giới Di động, chia sẻ ý tưởng chuyển sang đầu tư vào Không gian làm việc chung (Coo-Working Space) là rất đáng chú ý trong những ngày cuối năm 2017, đầu 2018.
Thị trường Co-working space đã thực sự nóng lên trong thời gian gần đây – dấu hiệu cho sự khởi sắc của hệ sinh thái khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ. Thống kê sơ bộ cho thấy, riêng tại Hà Nội, hiện đã có khoảng hơn 15 Coworking Space đang hoạt động. Thị trường này, một mặt đón nhận thêm các doanh nghiệp mới như Kiko, The Vuon… một mặt khác, các doanh nghiệp đã hoạt động như Toong, Up cũng phát triển thêm các địa điểm mới.
Điểm nổi bật của Không gian làm việc chung không chỉ là chỗ làm việc với chi phí hợp lý cho những công ty hay cá nhân khởi nghiệp. Đi cùng với không gian làm việc chung là các dịch vụ khác hỗ trợ cho khởi nghiệp, như dịch vụ đào tạo, hướng dẫn, dẫn dắt (coaching, mentoring); và các hoạt động kết nối kinh doanh, chia sẻ ý tưởng …
Trong bối cảnh các start-up đa phần thiếu hụt kỹ năng gọi vốn; kỹ năng làm truyền thông và quản trị doanh nghiệp – sự tham gia của doanh nghiệp chuyên về tư vấn pháp lý; tư vấn tài chính; tư vấn truyền thông … nhằm cung cấp các hoạt động hỗ trợ – kết nối là sự bổ sung quan trọng cho doanh nghiệp khởi nghiệp – vốn mới chỉ mạnh về công nghệ; về ý tưởng kinh doanh.
Vì vậy, một loạt các hình thức không gian làm việc mở ra, không chỉ Hà Nội mà còn ở nhiều thành phố khác trên khắp cả nước cho thấy hai tín hiệu tích cực.
Thứ nhất, làn sóng khởi nghiệp vẫn duy trì được xu thế hứng khởi trong vài năm gần đây.
Và thứ hai, với các không gian làm việc chung và các dịch vụ hỗ trợ đi kèm, một hệ sinh thái khởi nghiệp trên quy mô toàn quốc đã dần hình thành rõ nét, với động lực và nhân tố cốt lõi là khối doanh nghiệp tư nhân và các quỹ đầu tư từ nước ngoài.
Với vai trò chủ đạo và sự năng động từ khu vực tư nhân, tính bền vững và tiềm năng gia tăng mạnh mẽ trong làn sóng khởi nghiệp là đáng kỳ vọng.
Đến những điểm nghẽn chính sách
Tuy nhiên, ngược chiều những chuyển động tích cực của khối tư nhân trong hoạt động khởi nghiệp, tốc độ chuyển động của Chính sách, đặc biệt là cải thiện môi trường pháp lý lại không đồng tốc với nhịp độ phát triển sôi động của làn sóng khởi nghiệp trong thời gian qua.
Những hạn chế vẫn tồn tại trên hai mặt căn bản: một mặt, những hành lang pháp lý còn trống vẫn chưa được hoàn thiện; một mặt khác, những rào cản kinh doanh – những quy định bất hợp lý vẫn không được gỡ bỏ, gây phiền toái và khó khăn cho doanh nghiệp.
Ở khía cạnh thứ nhất, một trong những vấn đề pháp lý được kỳ vọng hoàn thiện, đó là quy định cụ thể cho hoạt động của các quỹ đầu tư mạo hiểm vẫn chưa được hoàn thành.
Trong khi nguồn vốn, đặc biệt là từ các quỹ đầu tư là yếu tố sống còn với doanh nghiệp khởi nghiệp, việc chậm hoàn thiện hành lang pháp lý cho quỹ khiến thị trường khởi nghiệp càng mất thêm lợi thế cạnh tranh với các nước trong khu vực, đặc biệt là Singapore.
Nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp đang lựa chọn thành lập pháp nhân ở Singapore thay vì Việt Nam, chính là bởi các quỹ đầu tư ở đây hoạt động thuận lợi hơn, quy trình thành lập và rót vốn nhanh hơn, với khung pháp lý rõ ràng, ổn định hơn Việt Nam.
Đó là chưa nói đến tính linh hoạt và cởi mở trong việc tạo ra các ‘ưu đãi’ về mặt pháp lý nhằm thu hút start-up của các quốc gia trong khu vực. Chẳng hạn, Singapore sẵn sàng giúp doanh nghiệp khởi nghiệp giảm thiểu rủi ro pháp lý trong quá trình thử nghiệm các sản phẩm, dịch vụ mới nằm ngoài khuôn khổ quy định hiện hành – tức không phải là ‘phá luật’ mà là thử nghiệm các sản phẩm, dịch vụ mà pháp luật chưa điều chỉnh đến do sản phẩm, dịch vụ đặt ra là chưa có tiền lệ.
Ví dụ, chính phủ nước này cho phép các start-up trong lĩnh vực công nghệ tài chính (Fintech) được thử nghiệm hoạt động trong một vùng quy định riêng – gọi là ‘regulatory sandbox’ – để thai nghén và phát triển các sản phẩm mới – vốn chưa tương thích, chưa có các quy định có sẵn.
So sánh với Việt Nam, trong khi môi trường pháp lý không những kém cạnh tranh hơn, một số quy định còn có thể tạo ra gánh nặng chi phí lớn hơn cho doanh nghiệp khởi nghiệp. Điển hình là việc áp dụng quy định về đóng bảo hiểm xã hội trên toàn bộ thu nhập của người lao động ngay từ năm 2018. Với các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, chi phí nhân sự chiếm hầu như toàn bộ chi phí chính của doanh nghiệp.
Khác với các lĩnh vực sản xuất khác – nơi tỷ trọng chi phí cho con người là thấp hơn, các ngành liên quan đến công nghệ sẽ bị ảnh hưởng lớn khi quy định về đóng bảo hiểm đi vào thực thi. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực phần mềm, nội dung số sử dụng nhiều lao động đã phải tính đến việc lách luật bằng cách ký hợp đồng thuê lao động từ một bên thứ ba.
Thực chất, bên thứ ba này có thể là một pháp nhân do chính họ lập ra, tuy nhiên, bằng hợp đồng thuê nhân công theo thời vụ, họ giảm bớt được chi phí đóng bảo hiểm cho nhân viên.
Trong khi đó, những chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp công nghệ vốn được đề cập đến từ lâu vẫn còn nằm trên giấy. Điển hình là chính sách giảm thuế thu nhập cho nhân sự trong lĩnh vực phần mềm. Cho đến nay, hầu như chưa doanh nghiệp nào thực hiện được việc giảm thuế thu nhập cho nhân viên, kể cả đó là những doanh nghiệp lớn trong ngành.
Năm 2016 từng được Chính phủ chọn là năm Quốc gia khởi nghiệp với mong muốn thúc đẩy tinh thần dân chủ, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo cho kinh tế nước nhà. Những chuyển động mạnh mẽ từ khu vực tư nhân, đặc biệt trong lĩnh vực khởi nghiệp công nghệ – phản ánh một phần xu hướng đó.
Tuy vậy, trong khi những tuyên bố và cam kết mạnh mẽ đến từ cấp cao nhất là Chính phủ, một trong những rào cản đáng kể cho hoạt động khởi nghiệp, lại nằm ở khâu hoàn thiện môi trường pháp lý hoặc thực thi những chính sách vốn đã được xây dựng từ cách đây nhiều năm – nằm trong phạm vi trách nhiệm của các bộ ngành.
Trong khi khu vực tư nhân đang làm tốt phần việc của mình, vai trò chính sách rõ ràng là chưa tương xứng. Và hỗ trợ khởi nghiệp tốt nhất, không phải là trợ cấp vốn, tín dụng hay ưu đãi nào khác; điều quan trọng nhất vẫn là tiếp tục gỡ bỏ những giấy phép con, những quy định và thủ tục hành chính bất hợp lý tạo ra rào cản và gánh nặng kinh doanh cho doanh nghiệp.
Nguyễn Quang Đồng – Báo Tia sáng