Giới công nghệ vừa chứng kiến một câu chuyện cổ tích thời hiện đại khi một công ty do các sinh viên tuổi 20 khởi nghiệp từ phòng ký túc xá đã được “ông lớn” công nghệ Oracle mua lại với giá khoảng 600 triệu USD.

Hãng phần mềm và điện toán đám mây Mỹ Oracle tuyên bố đạt được thỏa thuận mua lại Dyn – công ty cung cấp tên miền và máy chủ (DNS) nổi tiếng tại Mỹ.

Thông cáo báo chí của Oracle không tiết lộ giá trị thương vụ này, nhưng tạp chí Fortune và một số trang tin công nghệ khác cho rằng, chi phí mua lại Dyn không dưới 600 triệu USD.

Dịch vụ DNS mà Dyn cung cấp cũng giống như sổ danh bạ trực tuyến dành cho người dùng truy cập Internet. Khi người dùng truy cập vào một địa chỉ website, nhờ có DNS mà họ sẽ được kết nối với máy chủ của trang web này.

Nếu không có DNS, người dùng không thể gõ các tên miền đơn giản, dễ nhớ mà phải gõ một dãy số IP phức tạp mới có thể truy cập được vào trang web. Thông cáo của Oracle cho biết Dyn có hơn 3.500 khách hàng, trong đó có nhiều tên tuổi lớn như Netflix, Twitter, CNBC…

Ngoài những vấn đề chuyên môn đằng sau thương vụ này, như vì sao Oracle lại chi “khủng” để mua một công ty DNS, có một câu chuyện khác khiến truyền thông quốc tế chú ý không kém: Dyn trở thành ví dụ mới nhất cho câu chuyện thần kỳ trong giới công nghệ, rằng một công ty có văn phòng khi xuất phát điểm là nhà để xe hay ký túc xá của sinh viên hoàn toàn có thể vươn mình thành công ty triệu đô với tầm ảnh hưởng toàn cầu.

Công ty Dyn vừa tròn 15 tuổi, trong khi nhà đồng sáng lập và cựu giám đốc điều hành của họ, ông Jeremy Hitchcock, chỉ mới 35 tuổi. Và chuyện thần kỳ của ông không được viết ở Thung lũng Silicon (Silicon Valley) – trung tâm công nghệ của thế giới, mà là ở thành phố Manchester (bang New Hampshire).

Jeremy Hitchcock bắt đầu sự nghiệp tại chính phòng ngủ ở ký túc xá khi ông còn là sinh viên ở bang Massachusetts (Mỹ). Năm 2001, khi đang là sinh viên năm thứ hai, Jeremy Hitchcock cùng ba người bạn bắt đầu gầy dựng Dyn (Dynamic Network Service – dịch vụ kết nối năng động) chỉ với một máy chủ đặt ở phòng ký túc xá, cung cấp dịch vụ giúp sinh viên truy cập vào phòng máy tính của trường và in tài liệu từ xa. Vào thời điểm đó các máy tính và máy in ở trường học của Jeremy Hitchcock không được kết nối với nhau.

Dịch vụ kết nối này được cung cấp miễn phí, và Jeremy Hitchcock chỉ đặt một nút “Donate” (đóng góp tùy tâm) trên trang của dịch vụ để người dùng đóng góp một cách tự nguyện.

Lúc đầu rất ít người tự nguyện đóng góp. Sau đó, Jeremy Hitchcock phải thông báo với người dùng rằng, nếu họ không ủng hộ đủ 25.000 USD trong vòng 1 tuần, thì dịch vụ phải đóng cửa vì không đủ chi phí hoạt động. Kết quả là Jeremy Hitchcock đã nhận được con số ngoài mong đợi: 40.000 USD. Số tiền này giúp Jeremy Hitchcock biến Dyn thành một doanh nghiệp thật sự.

Jeremy Hitchcock gọi số tiền 40.000 USD là tiền “đóng góp hỗ trợ” của người dùng chứ không phải là “phí dịch vụ”.

Jeremy Hitchcock nhanh chóng trở thành một doanh nhân công nghệ thực thụ. Ông và người đồng sáng lập Tom Daly sau này đã rủ một người quen cũ hồi học phổ thông tên Kyle York tham gia phụ trách marketing cho Dyn.

Bộ ba này đã dẫn dắt Dyn phát triển trong suốt hơn chục năm sau đó mà không nhận một đồng đầu tư nào từ bên ngoài.

Năm 2011, họ chính thức dời trụ sở công ty về thành phố Manchester. Năm 2012, Dyn gọi vốn thành công 38 triệu USD từ các nhà đầu tư, và mới đây lại nhận được thêm 50 triệu USD. Nhân sự chủ chốt của Dyn hiện cũng đã có nhiều thay đổi so với thời khởi nghiệp.

Hiện số nhân viên của Dyn lên tới vài trăm người. Và ông chủ Jeremy Hitchcock đã tích cực góp phần xây dựng cộng đồng khởi nghiệp ở thành phố Manchester và là “nhà đầu tư thiên thần” của nhiều dự án khởi nghiệp./.

Đào vàng ảo, trúng vàng thật: Ý tưởng khởi nghiệp tỷ đô

Doanh nhân Mel Morris từng đầu tư 170.000 USD vào King Digital Entertainment – công ty tạo ra game Candy Crush vào năm 2003, và đã thu về 530 triệu USD khi công ty này được định giá 7 tỉ USD trên thị trường chứng khoán Mỹ vào năm 2014. Kể từ đó, các nhà khởi nghiệp và các nhà đầu tư bắt đầu tập trung vào ngành công nghiệp game trên điện thoại.

Báo cáo mới nhất của Newzoo cho thấy, lần đầu tiên có một game trên điện thoại di động đã vượt mặt game trên máy tính về thị phần. Theo báo cáo này, trong tổng doanh thu 99,6 tỉ USD vào năm 2016 của thị trường game thế giới, thì đã có 36,9 tỉ USD là đến từ thị trường game di động.

Dưới tốc độ phát triển nhanh của thị trường này, nhà khởi nghiệp người Anh Sean McNicholas, nhà sáng lập của studio thiết kế game Project M, đã lên kế hoạch sẽ làm rung chuyển thị trường với game Dig That Gold (đào vàng). Trò chơi này cho phép người chơi có thể trúng được vàng miếng 24k thật.

Trước kia, Sean McNicholas hoạt động trong lĩnh vực tài chính trước khi dấn thân vào công nghệ. Doanh nhân này chia sẻ: Nhìn vào sự thành công toàn cầu của các trò chơi như Angry Birds vào năm 2012, ông đã bắt đầu nghiên cứu thị trường và bị cuốn hút khi nghĩ đến có bao nhiêu người sẽ chơi những game đó.

Theo Sean McNicholas, thị trường game di động sẽ phát triển nhanh chóng do các thiết bị di động ngày càng được tối tân, cũng như sự kết nối chất lượng đồ họa và cách chơi. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, để có cơ hội thâm nhập vào thị trường game di động, cần phải tạo ra sự đột phá.

Lấy bối cảnh California vào năm 1849 trong cơn sốt vàng, Dig That Gold cho phép người chơi có thể đào vàng ảo. Sau khi đào đủ số vàng, người chơi có thể lưu lại và gửi vào ngân hàng. Khi đã tích trữ đủ số vàng ảo trong ngân hàng, người chơi sẽ nhận được miếng vàng 24k thật được gửi về tận nhà. Vàng thật do công ty Baird & Co, đối tác của Project M tài trợ.

Nhà khởi nghiệp Sean McNicholas tạo một một mô hình vốn mới để phát triển game. Ông tạo ra cơ hội đầu tư nhượng quyền dựa trên nền tảng game. Các nhà đầu tư sẽ mua một tài sản ảo là các mỏ vàng với nhiều hình dáng và kích thước khác nhau được dàn trải trên các đảo trong game, và các mỏ vàng này sẽ có giá trị từ khoảng 30.000 USD đến 200.000USD.

Sean McNicholas cũng đã làm việc với các chuyên gia pháp luật về nhượng quyền để tạo ra các khung pháp lý, nhằm đảm bảo mô hình kinh doanh độc đáo này không trái pháp luật hoặc các quy tắc và quy định của Cơ quan Kiểm soát Tài chính (FCA).