Tiềm năng của các startup nằm ở chính đội ngũ sáng lập, sau đó mới là công nghệ và cuối cùng là nguồn vốn phù hợp.

Gala chung kết Startup Việt 2019 với chủ đề “Hành trình kỳ lân – Unicorn to be” được tổ chức ngày 2/12 với sự góp mặt của các startup, chuyên gia khởi nghiệp và “kỳ lân” châu Á. Sự kiện nhằm tiếp thêm động lực cho các doanh nghiệp khởi nghiệp hướng đến sân chơi nước ngoài.

Chuyển mình từ “sa mạc” thành “rừng nguyên sinh”

Nhận xét về toàn cảnh hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam, ông Eddie Thái – Giám đốc 500 Startups Việt Nam (quỹ đầu tư mạo hiểm), nhận xét năm 2013, hệ sinh thái Việt Nam vẫn còn như sa mạc khi công nghệ đã hiện diện nhưng chưa sôi động, các khoản đầu tư hạn chế với tổng cộng giá trị chưa đến 50 triệu USD. Thời điểm này, Chính phủ cũng chưa có nhiều động thái hỗ trợ nên hệ sinh thái mới chỉ ở giai đoạn phôi thai, chưa thu hút được nhà đầu tư để mắt đến thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, năm 2016 được xem là thời kỳ “nảy mầm” của hệ sinh thái startup, nhất là khi thị trường tiêu dùng bùng nổ, thương mại điện tử có giá trị lên đến 5 tỉ USD.

“Nhà đầu tư tăng rót vốn, Chính phủ bắt đầu tham gia “cuộc chơi” mạnh mẽ hơn với định hướng trở thành quốc gia khởi nghiệp. Đây cũng là thời điểm startup Việt khởi động hành trình đầu tiên. Số người dùng internet ngày càng tăng, thúc đẩy nhiều startup tham gia cuộc chơi, thu hút các nhà đầu tư đồng hành. Nhìn lại 6 năm qua thì chúng tôi có thể dự báo 5 năm tới thị trường sẽ tiếp tục sôi động. Trong khu vực, Việt Nam vẫn còn là thị trường tiềm năng khi tổng lượng vốn huy động được tại đây còn thấp so với Singapore hay Malaysia. Từ “sa mạc”, Việt Nam có thể trở thành một “rừng nguyên sinh” với cây cối sinh sôi nảy nở đa dạng, tăng dần cả về chất lẫn về lượng” – ông Eddie Thai nhận xét.

CEO 500 Startups Việt Nam gợi ý với nền kinh tế internet có thể vượt 40 tỉ USD vào năm 2025, sẽ có rất nhiều lĩnh vực phù hợp để startup Việt khai thác như thương mại điện tử, công nghệ tài chính…

Mặt khác, để tiếp tục lớn mạnh, startup nên tận dụng nguồn lực của hệ sinh thái với mỗi nhân tố mang đến một thế mạnh, cùng nhau để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam mạnh mẽ hơn. Đặc biệt, ngoài việc chạy đua vào các game show, các giải thưởng…, startup cần tập trung hoạt động thực chất, làm sao để thúc đẩy đội ngũ, tạo ra sản phẩm, chinh phục người dùng; đồng thời tạo sự đột phá, hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư.

Nâng tầm giá trị startup Việt

Với chủ đề nâng tầm giá trị startup Việt, bà Quỳnh Anh Nguyễn, Giám đốc Đầu tư và Tăng tốc WISE, cho rằng dù đang kỳ vọng trở thành kỳ lân nhưng đa số startup hiện đều chỉ ở giai đoạn sơ khai. Do đó, bà khuyến nghị tiềm năng của các startup nằm ở chính đội ngũ sáng lập, sau đó mới là công nghệ và cuối cùng là nguồn vốn phù hợp.

 

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thành Nam, Chủ tịch Endeavor Việt Nam, cũng nhấn mạnh yếu tố nguồn nhân lực bởi nếu không có con người thì sẽ không làm được bất cứ việc gì. “Điều quan trọng là cần xây một đội ngũ đủ lớn. Cần trả lời câu hỏi “chúng ta cần một đội ngũ lớn cỡ nào?”. Đội ngũ nhân sự, đặc biệt là nhà sáng lập, có năng lực hay không, có truyền cảm hứng hay không và có tạo ra tác động tích cực cho xã hội hay không?” – ông Nam nêu hàng loạt câu hỏi và nhấn mạnh thêm việc tìm nhân tài rất quan trọng.

Là tên tuổi nổi tiếng với khả năng truyền cảm hứng trong nhiều năm, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT, thành viên Hội đồng giám khảo Startup Việt 2019, bày tỏ mong muốn chứng kiến startup Việt trở thành “kỳ lân” cũng như mong muốn truyền cảm hứng cho startup nuôi dưỡng ngọn lửa động lực và đam mê.

“Startup cần lắng nghe khách hàng. Không chỉ một người sáng lập cần lắng nghe mà toàn thể đội ngũ, trong lĩnh vực tài chính, công nghệ… đều cần lắng nghe khách hàng. Tôi mong muốn bạn trẻ trong quá trình vươn lên, thực sự phải đặt khách hàng ở vị trí trung tâm. Bên cạnh đó, startup muốn tồn tại lâu dài cần tôn trọng sự khác biệt để đáp ứng được những nhu cầu thầm kín, nhỏ nhặt nhất của khách hàng” – ông Bình chia sẻ.

Ông Bình cũng góp ý các startup cần biết tận dụng cơ hội từ thời đại cách mạng công nghệ 4.0 bởi nếu bỏ qua yếu tố công nghệ, các nhà đầu tư sẽ không tin tưởng, bởi nhà đầu tư đặt niềm tin lớn vào những người làm chủ được công nghệ.

Ở góc nhìn khác, bà Bùi Kim Thùy, đại diện USABC cho rằng startup cần nắm vững pháp luật, không chỉ dẫn dắt và truyền cảm hứng bằng trái tim, sự đam mê, mà còn bằng lý trí.

Ông Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch HĐQT GIBC, thì nhấn mạnh ba thông điệp có thể giúp startup Việt thành công là niềm tin, tận dụng công nghệ và am hiểu quản trị. “Tình cờ, các startup lần này đã nhận ra vấn đề thực và gắn mô hình sản phẩm của mình với phát triển bền vững của xã hội. Đặc biệt, trong giáo dục, du lịch… các bạn đã có những giải pháp tốt, hướng đến sự phát triển bền vững” – ông Trai nói.

Gala Startup Việt 2019 là sự kiện bình chọn khởi nghiệp thường niên do Báo VnExpress tổ chức. Chương trình đã trải qua 8 tháng từ giai đoạn đăng ký, nộp hồ sơ trực tuyến, vòng huấn luyện đến vòng bình chọn để tìm ra top 25 và top 15 startup xuất sắc nhất 2019.

Gala Startup Việt 2019 đã diễn ra vào ngày 2/12 tại Gem Center (quận 1, TP HCM), chứng kiến màn so tài giữa top 5 gồm TripHunter, Liberzy, Viec.CO, Tez và Sphacy vào thuyết trình và phản biện trực tiếp trước ban giám khảo để tìm ra quán quân cuộc thi. Kết quả chung cuộc, Viec.Co đã trở thành quán quân Startup Việt 2019 với số điểm 29,75 – cao nhất trong Top 5.

Startup Viec.Co tập trung hoạt động trong lĩnh vực thương mại việc làm cho các lao động tự do. Nền tảng này mang đến trải nghiệm chỉ cần chạm là có người, có nguồn lực để làm việc cho bạn. Qua đó nhà tuyển dụng có công cụ đánh giá, tuyển chọn người với chi phí thấp nhất, thủ tục đơn giản nhất. Viec.Co hiện đã gắn API vào hệ sinh thái Momo để cung cấp giải pháp trả thù lao qua ví điện tử thuận tiện, đơn giản. Startup hướng đến nguyên tắc hoạt động đơn giản – thuận tiện – tức thời. Sau một năm vận hành, doanh nghiệp tăng trưởng 30% một tháng, trên 40.000 người đăng ký, 10.000 người sẵn sàng làm việc, 30 khách hàng trả tiền.

Thi Phương