Câu hỏi được đặt ra là: nếu không còn giữ liệu, facebook sẽ làm gì để kiếm tiền?

Mới đây CFO của Facebook, ông Dave Wehner một lần nữa hứa rằng mạng xã hội lớn nhất Thế Giới sẽ cho ra mắt tính năng ‘Clear History’ trong năm nay.

Lần đầu tiên Facebook hứa hẹn về tính năng này là vào tháng 5 năm ngoái, khi họ phải đối diện trước sức ép của Quốc hội và trào lưu #deletefacebook về vấn đề bảo mật dữ liệu người dùng. Mark Zuckerberg hứa rằng họ sẽ cho ra mắt tính năng trong năm 2018, nhưng rồi họ dời lịch ra mắt vào mùa xuân 2019, và một lần nữa họ lại hứa hẹn trì hoãn thời gian.

Rõ ràng tính năng này đang rất làm khó đội ngũ phát triển của Facebook. Cũng rất ít người tin vào khả năng Facebook sẽ chịu từ bỏ dữ liệu người dùng – yếu tố quan trọng nhất trong mô hình kinh doanh của Facebook: Nếu không còn giữ liệu, facebook sẽ làm gì để có doanh thu?

Clear History sẽ hoạt động như nào?

Dữ liệu người dùng mà Facebook đang nắm dữ có thể chia làm 2 loại:

  1. Những thông tin cơ bản mà bạn cung cấp cho ứng dụng. Như tên tuổi, số điện thoại, nghề nghiệp, nơi ở, v.v..
  2. Những thông tin từ hành vi của bạn trên Internet mà Facebook thu thập được. Đó không chỉ là những page, những lượt like, bình luận bạn thao tác trên Facebook. Mà còn là những website, những từ khoá bạn tìm kiếm, và những món đồ bạn mua ở trang khác, khi bạn đang mở 1 tab Facebook hoặc ở website đó có tích hợp bình luận/like/share Facebook.

Loại dữ liệu thứ 2 là thứ giúp Facebook vận hành mô hình quảng cáo hướng đối tượng (hướng người dùng), có khả năng quảng cáo đúng sản phẩm, đúng người, đúng thời điểm một cách thần thánh như hiện nay.

Nhưng loại dữ liệu này cũng là nguồn cơn của mọi bê bối, từ vụ án Cambridge Analytica, đến việc người dùng tố cáo Facebook đang theo dõi mọi mặt đời sống của họ một cách quá đáng. Không ít người dùng cảm thấy bất an khi họ nhận được quảng cáo về đôi giày họ mới bàn luận với bạn bè cách đó ít phút.

Theo phát ngôn của Facebook, tính năng ‘Clear History’ sẽ nhắm đến loại dữ liệu thứ 2, cho phép người dùng biết được lịch sử dữ liệu của mình và có thể ‘clear’ những dữ liệu đó.

Có 1 số lý do Facebook và nhiều phần mềm khác sử dụng chữ ‘clear’ thay cho ‘delete’. Những thông tin của bạn sẽ không biến mất hoàn toàn như cái nghĩa của ‘delete’, chúng chỉ được ‘clear’ – tách ra khỏi danh tính của bạn, và được lưu trữ theo 1 cách nào đó trên máy chủ của Facebook. Một ví dụ để dễ hình dung: thông tin dạng “Nguyễn Văn A truy cập trang ABC vào thời gian XYZ” sau khi ‘clear’ sẽ thành “Có 1 người truy cập trang ABC vào thời gian XYZ”

Với ‘Clear History’, dữ liệu vẫn còn nguyên trên máy chủ của Facebook, nhưng không ai sẽ biết chúng là của bạn, và sẽ không ai biết bạn làm gì trên Internet thông qua Facebook. Đó là những gì chúng ta biết thông qua phát ngôn của Facebook.

Nhưng khi loại bỏ danh tính của người dùng ra khỏi dữ liệu, cũng sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới tính năng quảng cáo hướng người dùng đang chiếm 80% doanh thu của Facebook hiện giờ. Nếu thật sự làm vậy, không khác gì Facebook tự đưa mình vào khủng hoảng.

Facebook có thật sự loại bỏ danh tính ra khỏi dữ liệu không?

Facebook không thể từ bỏ mô hình quảng cáo. Vì nếu không quảng cáo, họ chỉ còn cách thu phí người dùng để có doanh thu. Bối cảnh cạnh tranh hiện nay lại không cho phép họ làm vậy, khi người dùng có rất nhiều lựa chọn thay thế Facebook như Twitter, WhatApp, LINE ở Nhật, và Zalo ở Việt Nam – tất cả đều miễn phí là không kém phần tiện dụng. Và doanh thu đến từ phí người dùng cũng sẽ không bao giờ so được với doanh thu từ quảng cáo.

Vì không từ bỏ mô hình quảng cáo, Facebook cũng không thể từ bỏ mô hình quảng cáo hướng người dùng. Ngoài mô hình quảng cáo hướng người dùng, trên Internet cũng nổi bật dạng quảng cáo hướng nội dung, cho phép doanh nghiệp đặt quảng cáo của mình vào các website hoặc từ khoá tìm kiếm có nội dung liên quan đến sản phẩm.

Những dữ liệu không danh tính vẫn có thể được sử dụng cho hình thức quảng cáo này, nhưng nếu theo mô hình này, họ sẽ không bao giờ cạnh tranh được với Google Adsense, Google Adwords, thậm chí là Amazon.

Vì khi muốn mua 1 món đồ, người dùng sẽ vào Google hoặc vào thẳng Amazon (cũn như các trang thương mại điện tử quen dùng khác) để tìm kiếm, chứ hiếm khi lại vào Facebook để tìm kiếm món đồ ấy.

Facebook nếu từ bỏ danh tính của dữ liệu, nhảy vào cạnh tranh trong mô hình này, họ là tay mơ và không thể nào cạnh tranh được. Chưa kể hững công cụ của Google và Amazon cũng có kết hợp dữ liệu có danh tính để tối ưu công cụ quảng cáo hướng nội dung của họ.

Facebook chỉ có 1 thị trường mà họ mạnh nhất – quảng cáo hướng người dùng, và họ sẽ khó có thể từ bỏ trận địa của mình được. Cũng có nghĩa rằng họ khó có thể từ bỏ dữ liệu có danh tính.

Xét về mặt kinh doanh, Facebook không thể ra mắt công cụ ‘Clear History’ với đầy đủ 100% ngữ nghĩa của nó được. Nhưng xét về mặt quản lý khủng hoảng truyền thông, Facebook cũng không thể không giữ lời hứa, và bỏ mặc làn sóng không hề nhỏ đang phản đối mình. Bài toán lần này dành cho Mark Zuckerberg đang hết sức phức tạp.

Có cách nào vừa thực hiện lời hứa, vừa duy trì được công cụ quảng cáo hướng người dùng không?

Có, khả năng đang được suy đoán nhiều nhất là Facebook sẽ dùng cách nào đó thực hiện đúng như những gì họ đã thông báo, nhưng vẫn để lại khả năng truy vết danh tính bằng thuật toán – khả năng truy vết mà ngoài thuật toán thì không một ai khác, bao gồm người dùng, bên thứ 3, hay thậm chí nhân viên Facebook có thể kiểm soát được.

Nếu làm được vậy thì đây thật sự là 1 nước cờ cao tay, khi Facebook vừa có thể giữ được lời hứa, làm dịu dư luận trước những bê bối bảo mật, vừa có thể tổ chức dữ liệu theo cách mới an toàn hơn, mà hoàn toàn không làm ảnh hưởng gì tới công cụ quảng cáo hái ra tiền hiện nay. Rất có thể đây là giải pháp Facebook đang theo đuổi.

Tuy nhiên, có thể thấy rõ đội ngũ phát triển của Facebook đang bối rối như thế nào với nhiệm vụ lần này, khi Facebook phải liên tục dời hẹn ngày ra mắt tính năng mới. Nếu không thể giải quyết vấn đề kỹ thuật, có lẽ Facebook sẽ còn phải trễ hẹn dài dài.

Surphi10