Mặc dù thị trường vẫn còn đang phát sốt với những công bố thu hút vốn đầu tư vào các ứng dụng gọi xe, nhưng đích đến của các nhà đầu tư lớn lại tỏ ra đầy tham vọng với cuộc chạy đưa ngày càng phá vỡ các giới hạn, nhằm rót vốn vào các… siêu ứng dụng

Kinh tế chia sẻ, không bó hẹp lĩnh vực đầu tư

Nếu nhìn rộng ra thị trường, mặc cho những ồn ào của thị trường gọi xe công nghệ, đích đến của các nhà đầu tư lớn dường như còn tham vọng hơn thế. Theo nghiên cứu của Công ty Kiểm toán PricewaterhouseCoopers (PwC), ước tính doanh thu toàn cầu từ các công ty cung cấp ứng dụng nền tảng kinh doanh chia sẻ sẽ đạt tới 335 tỷ USD vào năm 2025 so với doanh thu năm 2014 mới khoảng 15 tỷ USD.

Không chỉ gói gọn cuộc chơi trong lĩnh vực di chuyển với các ứng dụng gọi xe, mô hình kinh doanh chia sẻ cũng dần phổ biến ở nhiều lĩnh vực khác như dịch vụ du lịch, chia sẻ văn phòng, giúp việc nhà, vay mượn tài chính, sử dụng chung thiết bị điện tử…

Kinh tế chia sẻ đã thúc đẩy phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, sản sinh ra các quan hệ thị trường mới, thúc đẩy cạnh tranh, thu hút các nhà đầu tư tham gia vào các nền tảng kết nối có tầm nhìn và bắt đầu suy nghĩ về các… siêu ứng dụng.

Siêu ứng dụng – nam châm hút vốn đầu tư

Những nền tảng kết nối công nghệ ưu việt, có khả năng đáp ứng nhu cầu đa dạng của cuộc sống hàng ngày mới chính thực trở thành thỏi nam châm đầy tính hấp dẫn với các “ông lớn” vốn không thiếu tiền, chỉ thiếu…siêu ứng dụng.

Điển hình cho giá trị của một siêu ứng dụng đối với các nhà đầu tư có thể nhìn thấy rất qua danh sách các nhà đầu tư chiến lược của Grab. Trung tuần tháng 6/2018, Toyota Motor Corporation (Toyota), quyết định đầu tư 1 tỉ USD vào Grab với thỏa thuận: Đôi bên sẽ củng cố và mở rộng quan hệ hợp tác hiện tại trên lĩnh vực xe kết nối công nghệ (connected cars) để thúc đẩy việc ứng dụng các giải pháp di động khắp Đông Nam Á. Khoản đầu tư của Toyota là khoản đầu tư lớn nhất từ trước đến nay trên quy mô toàn cầu từ một doanh nghiệp sản xuất ôtô vào lĩnh vực đặt xe công nghệ, và đưa Grab tiến gần hơn đến tầm nhìn trở thành nền tảng di động một điểm đến (one-stop) tại Đông Nam Á.

Không lâu sau đó, vào đầu tháng 8/2018, cùng với Toyota Motor Corporation (Toyota), các công ty tài chính hàng đầu thế giới, bao gồm OppenheimerFunds, Ping An Capital, Mirae Asset – Naver Asia Growth Fund, Cinda Sino-Rock Investment Management Company, All-Stars Investment, Vulcan Capital, Lightspeed Venture Partners, Macquarie Capital và các nhà đầu tư khác đã tham gia vào vòng gọi vốn của Grab với số tiền đầu tư lên đến 2 tỷ đô la, củng cố thêm mục tiêu của Grab trong việc trở thành công ty công nghệ hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á. Khoản đầu tư từ các công ty tài chính hàng đầu thế giới khẳng định niềm tin của họ vào cơ hội phát triển dài hạn và vào năng lực độc đáo của “siêu ứng dụng” trong việc mở ra tiềm năng tăng trưởng của khu vực thông qua nền tảng O2O và kết nối di chuyển.

Với những nhà đầu tư chiến lược tên tuổi và dòng vốn “khủng”, vào ngày 10/07/2018, sau nhiều lần úp mở, Grab đã chính thức tuyên bố mình là một nền tảng công nghệ có chiến lược mở với mô hình một siêu ứng dụng, cho cuộc sống hằng ngày đầu tiên tại Đông Nam Á.

Theo đó, nhà cung cấp này cam kết sẽ bổ sung thêm nhiều dịch vụ được sử dụng thường xuyên nhất trong cuộc sống hằng ngày vào ứng dụng Grab thông qua sự kết hợp cùng các đối tác cao cấp nhất trong từng ngành, những người có thể sử dụng GrabPlatform để tích hợp Grab với các dịch vụ của họ. Các đối tác cũng có thể mở rộng hoạt động của mình khắp Đông Nam Á một cách hiệu quả nhờ tận dụng cơ sở người dùng và kênh phân phối rộng khắp của Grab thông qua GrabPlatform – một loạt giao diện lập trình ứng dụng (API) cho phép các đối tác truy cập vào các tính năng công nghệ của Grab như logistics và thanh toán.

Sức hút của siêu ứng dụng cũng giúp Grab thiết lập mối quan hệ đối tác chiến lược sử dụng đám mây điện toán với Microsoft để thúc đẩy đổi mới và sử dụng các dịch vụ số tại khu vực Đông Nam Á. Hai bên công bố mối quan hệ hợp tác chiến lược trong việc chuyển đổi các dịch vụ số và di động trong khu vực bằng cách tận dụng năng lực chuyên môn đẳng cấp thế giới của Microsoft về máy học và các ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) khác.

Trong khi đó, Booking Holdings (NASDAQ: BKNG) – doanh nghiệp hàng đầu thế giới về du lịch và đặt phòng trực tuyến, cũng “úp mở” về việc hợp tác chiến lược để có thể cung cấp các dịch vụ đặt xe theo yêu cầu theo yêu cầu ngay trên ứng dụng Booking, được cung cấp bởi Grab; và khách hàng của Grab có thể đặt phòng khách sạn trên toàn thế giới thông qua Booking.com và agoda. Booking cũng đầu tư 200 triệu USD vào Grab, tiếp tục khẳng định Grab là nền tảng di động O2O hàng đầu Đông Nam Á và đang trên đà tiến tới mục tiêu gọi vốn được hơn 3 tỉ USD vào cuối năm nay.

Mới đây nhất, Hyundai Motor Company (Hyundai) và Kia Motors Corporation (Kia) cũng thỏa thuận này sẽ đầu tư thêm 250 triệu USD vào Grab và thiết lập quan hệ hợp tác để thử nghiệm các chương trình phát triển xe điện (electric vehicle – EV) khắp Đông Nam Á.

Những cánh cửa mới về giá trị thực sự của nền kinh tế chia sẻ đã mở ra. Và trong cuộc đua mới, các nhà đầu tư sẽ không ngần ngại “xuống tiền” để cùng tiến vào kỷ nguyên số với nền tảng của các siêu ứng dụng, như Grab.

Song Giang – Báo Dân trí

Bài gốc