Khoa học công nghệ (KHCN) đã có nhiều thành tựu đáng khích lệ trong những năm vừa qua, tác động trực tiếp lên nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế. Tuy nhiên, để thực sự là động lực phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, KHCN cần có sự thay đổi mạnh mẽ ngay từ trong cơ chế chính sách, tư duy…

Đó là đánh giá của nhiều đại biểu trong buổi Hội nghị trực tuyến ‘Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế – xã hội’ sáng 4/1.

Khoa học công nghệ là động lực then chốt

Đánh giá về vai trò của KHCN, bà Nguyễn Thị Kim Tiến – Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, đây là một ngành vừa mang tính khoa học, vừa mang tính kinh tế và an sinh xã hội.

Từ trước tới nay, y tế luôn đặt KHCN là một động lực then chốt để phát triển.

Bà Tiến đánh giá, trong thời gian qua, Bộ KH&CN đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, tạo hành lang pháp lý thông thoáng, đổi mới một cách căn bản, toàn diện môi trường nghiên cứu KHCN, phát triển công nghệ để hội nhập với thế giới.

Đối với ngành y tế, trước nhu cầu chữa trị những căn bệnh khó, nguy hiểm của xã hội, Bộ đã thực hiện cơ chế đặt hàng đề tài với đơn vị nghiên cứu là các bệnh viện. Bên cạnh đó là liên kết với Bộ KH&CN thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu y học cấp nhà nước, các dự án thử nghiệm lâm sàng…

Bộ Y tế cũng đã thực hiện cơ chế khoán sản phẩm, tập trung đào tạo nguồn nhân lực lõi, có chuyên môn cao, thật tinh nhuệ để tạo thành những nhóm động lực phát triển ngành.

Từ những hoạt động KHCN nói trên, những năm qua, ngành y tế đã tạo ra được nhiều thành tựu đáng khích lệ.

Ở lĩnh vực sản xuất vắc xin phòng bệnh cho người, chúng ta đã trở thành nước đầu tiên tại Châu Á sản xuất thành công 10/11 vắc xin phòng bệnh. Việt Nam cũng là một trong 4 nước sản xuất vắc xin Rotavirus nhiều nhất trên thế giới, sau Mỹ, Bỉ và Trung Quốc với công nghệ tiên tiến”, bà Tiến thông tin.

Bên cạnh đó, ngành y tế cũng phát triển các phương pháp thử nhanh để khống chế các dịch bệnh từ nước ngoài xâm nhập vào như H1N1, tay chân miệng…

Tại sao nước chúng ta thu nhập thấp, nhưng thế giới có bệnh gì, là chúng ta có thể phát hiện ngay lập tức, đấy là nhờ vào việc ứng dụng KHCN để tạo ra những phương pháp thử có chất lượng cao”, bà Tiến đánh giá.

Bà Tiến cũng cho biết, nếu cách đây 10 năm, công nghệ ghép tạng của chúng ta đứng sau thế giới khoảng 50 năm, và sau khu vực khoảng 20 năm. Thế nhưng, khoảng 7, 8 năm nay, chúng ta đã vượt lên, và ngang hàng với thế giới. Có được điều này, là bởi tất cả các chuỗi, các dự án trong chương trình KC10 (chương trình khoa học công nghệ trọng điểm cấp nhà nước) đã mang lại những hiệu quả hết sức lớn, giúp nhiều bệnh nhân hiểm nghèo thoát khỏi tay tử thần.

Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn đánh giá, trong năm 2016, KHCN đã có nhiều đóng góp to lớn trong các lĩnh vực của đời sống.

Cụ thể, các đơn vị KHCN là nhân tố quan trọng trong việc đánh giá chính xác nguyên nhân gây ra sự cố môi trường biển tại miền Trung. Chỉ trong một thời gian ngắn, đã xác định được mức độ thiệt hại, hậu quả để lại sau này. Từ đó, có những biện pháp xử lý kịp thời, không gây hoang mang trong dư luận.

Ngành KHCN cũng là một thành phần quan trọng, góp phần thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp của nước nhà, vốn là một lĩnh vực còn hết sức non yếu.

Ông Bế Xuân Trường, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho rằng, giáo dục đào tạo và KHCN là hai yếu tố then chốt cho sự phát triển, trường tồn của mỗi quốc gia. Nhờ ứng dụng KHCN, các doanh nghiệp đã tạo ra một năng suất, chất lượng hiệu quả và sức cạnh tranh cao.

Thời gian vừa qua, Bộ Quốc phòng đã ứng dụng KHCN vào nhiều lĩnh vực hoạt động như lĩnh vực quân sự, nhân văn quân sự, khoa học kỹ thuật quân sự và khoa học hậu cần y học quân sự…

Trong điều kiện nền kinh tế còn khó khăn, việc ứng dụng KHCN vào nghiên cứu các chế tài quân sự sẽ góp phần nâng cao tiềm lực quân sự cho Việt Nam, giúp chúng ta nâng cao sức chiến đấu, bảo vệ được đất nước trong bối cảnh an ninh thế giới đang có những chuyển biến phức tạp”, ông Trường chia sẻ.

Vẫn còn nhiều trở ngại

Dù đã đạt được nhiều thành tựu, nhưng để thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế – xã hội, KHCN cần có nhiều việc phải làm.

Theo ông Bế Xuân Trường, từ nhiều năm nay, chúng ta đã sớm nhận thức, đánh giá được vai trò của KHCN. Cụ thể, tháng 12/1976, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 4 đã xác định là tiến hành đồng thời 3 cuộc cách mạng: quan hệ sản xuất, khoa học kỹ thuật, và tư tưởng văn hóa. Trong đó, cách mạng khoa học kỹ thuật là then chốt.

Từ lúc đấy đến giờ, đã mấy chục năm rồi. Chủ trương thì rất đúng, nhưng giải pháp để tổ chức thực hiện thì chưa đồng bộ, cho nên không hiệu quả, dẫn đến KHCN của chúng ta bị thui chột”, ông Trường đánh giá.

Theo ông Trường, để KHCN thực sự là động lực, phải có chính sách để thu hút nhân tài. Chỉ có cơ chế tốt thì mới phát huy được hết sức sáng tạo, động lực cống hiến của các nhà khoa học.

Vì thiếu cơ chế chính sách, nên tình trạng người tài của chúng ta ở trong cơ quan nhà nước thì muốn ra ngoài, ở ngoài thì muốn ra nước ngoài. Đấy là câu chuyện có thật”.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, hiện nay, việc phân bổ ngân sách của chúng ta chưa hợp lý. “Hàng năm, ngành KHCN được bố trí 2% trong tổng ngân sách nhà nước. Thế nhưng, khi quyết toán tại quốc hội, thì kinh phí dành cho KHCN lại dư, phải chuyển vào các lĩnh vực khác. Chúng ta đầu tư vào KHCN vẫn hết sức dàn trải, dẫn đến không có sản phẩm, lĩnh vực nào là trọng điểm. Do đó, cần phải xem lại cách phân bổ ngân sách, ưu tiên cơ chế đặt hàng”.

Bà Tiến cũng cho rằng, về cơ chế quản lý, các đơn vị sự nghiệp nên tiến tới tự chủ, chỉ có như vậy, mới biến sản phẩm công nghệ thành sản phẩm kinh doanh, tránh việc phụ thuộc vào “bầu sữa” ngân sách,

Ngoài ra, cũng cần đầu tư hơn nữa cho khoa học quản lý và quản trị. Bởi với sự phát triển của nền kinh tế, cần có những chính sách quản trị tốt thì mới đưa ra được những chiến lược để đưa đất nước đi lên.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Xuân Cường cho rằng, chúng ta nên tập trung vào những lĩnh vực mũi nhọn, có khả năng mang lại hiệu quả tức thì để thúc đẩy nền kinh tế.

Trong xu hướng ngân sách ngày càng khó khăn, thì nên đẩy mạnh cơ chế xã hội hóa để phát triển các doanh nghiệp, viện, trường nghiên cứu. Bên cạnh đó là đẩy mạnh xu thế hợp tác quốc tế, xây dựng kết cấu hạ tầng lớn, then chốt một cách tập trung.

Muốn phát triển, phải thay đổi về cơ chế chính sách

Phát biểu chỉ đạo tại buổi hội nghị trực tuyến, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, thành tựu của phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh… luôn có sự đóng góp của KHCN.

Đưa ra ví dụ, Thủ tướng cho biết, năm 2016 là năm mà thiên tai địch họa chưa bao giờ lớn như thế, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp. Thế nhưng, kim ngạch xuất khẩu nông lâm sản vẫn đạt mức trên 32 tỷ USD. Để đạt được con số đó, vai trò của KHCN là hết sức quan trọng.

Vừa qua, tôi có đi thăm một trung tâm công nghệ cao của một xã ở vùng sâu, vùng xa tỉnh Bình Phước. Thế nhưng, tôi rất ngạc nhiên là ở đó, họ đã sản xuất được các sản phẩm dưa lưới, rau hoa… với chất lượng không thua kém gì sản phẩm của các nước có nền nông nghiệp tiên tiến như Nhật Bản, Israel…”, Thủ tướng chia sẻ.

Theo ông Phúc, hiện nay, nền kinh tế của chúng ta đang đứng thứ 100 trên thế giới, nhưng xếp hạng đổi mới sáng tạo lại đứng thứ 59. Điều này chứng tỏ, dù còn bất cập, nhưng giới KHCN đã rất cố gắng trong mặt bằng chung của nền kinh tế xã hội Việt Nam.

Tuy nhiên, dù xếp hạng đổi mới sáng tạo tốt, năng lực cạnh tranh cũng xếp hạng 56 trên thế giới, nhưng chỉ số sẵn sàng về công nghệ của chúng ta lại đứng thứ 92/140 quốc gia. “Điều này chứng tỏ chúng ta còn tụt hậu so với thế giới. Nó xuất phát từ cơ chế của Nhà nước chứ không phải từ phía các nhà khoa học”.

Giải thích điều này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, chúng ta đầu tư nghiên cứu nhiều ý tưởng, nhiều thứ, nhiều lĩnh vực, nhưng ứng dụng vào thực tiễn thì lại ít. Do đó, bài toán ở đây là đầu tư cho KHCN cần bám sát hơn nhu cầu thực tiễn, ưu tiên các đề án phục vụ thiết thực cho nhu cầu của đất nước, của người dân.

Theo ông Phúc, muốn KHCN thành công, có nhiều yếu tố cần phải được thực hiện.

Đầu tiên, có là phải xây dựng thể chế, cơ chế, môi trường phù hợp cho KHCN. “Tại sao có đất nước KHCN rất phát triển, nhưng lại có đất nước lại kém? Tất cả là do cơ chế”.

Do đó, cần tạo cơ chế thông thoáng để thu hút và tạo điều kiện cho người tài phát huy năng lực để xây dựng quê hương, đưa đất nước tiến lên một cách vững vàng.

Kế đến là phải xây dựng, rà soát lại công tác đào tạo nguồn nhân lực. Tránh tình trạng ngành thì thừa, ngành thì thiếu dẫn đến cảnh thất nghiệp tràn lan như những năm qua.

Việc nghiên cứu khoa học cũng cần phải gắn với thị trường, do thị trường quyết định. Việc hình thành một chợ KHCN để các bên có thể tìm hiểu, giao thương buôn bán với nhau là vấn đề cấp thiết, cần phải được xây dựng ngay.

Để giải quyết vấn đề khiến KHCN chưa thực sự phát triển do các đơn vị còn quá phụ thuộc vào ngân sách, ông Phúc cho rằng, nên khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu khoa học.

Hiện nay, tỷ lệ đầu tư cho khoa học công nghệ giữa vốn ngân sách nhà nước và doanh nghiệp đang là 70 – 30. Chúng ta phải làm sao để lật ngược con số này lại, tương ứng là 70 của doanh nghiệp và 30 của nhà nước. Bởi chỉ có doanh nghiệp mới biết họ cần gì, tự bỏ tiền ra để nghiên cứu, chuyển giao nhằm phục vụ cho công việc sản xuất của mình”.

Thủ tướng cũng cho rằng, để KHCN phát triển, cũng cần phải tách hoạt động khoa học ra khỏi hành chính. Làm khoa học phải đánh giá dựa trên kết quả, chứ không phải dựa vào quá trình. Làm sao cho nhà khoa học không phải trăn trở bởi việc mua hóa đơn, làm thủ tục hành chính thì mới có thời gian chuyên tâm nghiên cứu.

Bên cạnh đó, các cán bộ KHCN cũng cần phải biết làm kinh tế và ứng dụng nó vào đời sống. Khoa học phải từ sản xuất mà ra, và quay trở lại phục vụ sản xuất.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẵn sàng lắng nghe để phát triển nền KHCN Việt Nam”, ông Phúc chốt lại.

Thiện An – Khampha