Danh sách những startup tưởng chừng như sẽ làm nên chuyện nhưng lại thất bại của thung lũng Silicon là một chuỗi dài. Gầy dựng và điều hành một startup là một câu chuyện rất khó khăn: từ khâu biến ý tưởng thành hiện thực, đến quá trình áp dụng các thiết bị công nghệ, nắm bắt nhu cầu công chúng và giành lấy thị phần có lợi. Hoàn thành những công việc này và đạt được thành công gần giống như một phép màu.

Dĩ nhiên, điều này vẫn xảy ra trong thực tế, và startup Jawbone chính là một ví dụ như vậy. Được thành lập dưới sự điều hành của CEO Hosain Rahman, Jawbone hoạt động trong thị trường công nghệ không dây, cung cấp các mặt hàng headset bluetooth và loa không dây. Đây là một trường hợp gây rất nhiều ngạc nhiên trong giới startup bởi thời gian thai nghén rất lâu và thành công rất nhanh chóng.

Sản phẩm mới nhất của công ty, UP3, là một minh chứng cho những bước tiến trong tham vọng của Jawbone. Dường như Jawbone đang bước những bước rất vững chắc, với tổng giá trị 3 tỷ đô từ nguồn vốn của những nhà đầu tư mạo hiểm lớn nhất thung lũng Silicon.

Tuy nhiên trái ngược với “vẻ ngoài” hào nhoáng này, Jawbone phải đối mặt với những bất ổn khi nguồn vốn luôn lộn xộn và công ty gặp khó khăn trong việc vận chuyển hàng hóa đúng thời gian. Người dùng thường xuyên gặp khó khăn với những giới hạn và giá thành cao của sản phẩm.

Không chỉ vậy, Jawbone còn phải đối mặt với sự cạnh tranh của Fitbit – nhà cung cấp sản phẩm tương tự với giá thành rẻ hơn, và Apple – tượng đài công nghệ khổng lồ luôn có thể đánh bại mọi sản phẩm mới nhất của mọi startup.

Sự xuống dốc thực sự của Jawbone bắt đầu từ năm 2016, khi công ty tạm ngưng sản xuất và bán những sản phẩm theo dõi tập luyện, sau đó phải bán hạ giá hàng tồn kho cho một doanh nghiệp khác. Tiếp theo, Jawbone phải chấm dứt mối quan hệ làm ăn với các đại lý chăm sóc khách hàng bên ngoài vì họ không còn đủ khả năng chi trả.

Việc làm này đã khiến các khách hàng tương tác thông qua các đại lý giận dữ. Thêm vào đó, theo một báo cáo khác, Jawbone có ý định chuyển sang lĩnh vực cung cấp các sản phẩm wearable để đo lường thông tin sức khỏe. Tuy nhiên các sản phẩm này lại không hoạt động đúng cách như dự định.

Câu chuyện của Jawbone càng phức tạp hơn khi Jawbone khởi kiện đối thủ Fitbit vì lôi kéo nhân viên và ăn cắp các bí mật kinh doanh. Tuy nhiên cuối cùng, viện kiểm sát liên bang đã ra phán quyết những cựu nhân viên của Fitbit có quyền sở hữu các bí mật này.

Không giống như những startup khác, Jawbone bị đóng cửa không phải vì lý do tài chính, bởi CEO Rahman vốn dĩ đã kịp khởi động Jawbone Health Hub chuyên cung cấp các dịch vụ và thiết bị y tế, đồng thời kéo theo nhiều cựu nhân viên của Jawbone về làm việc. Mặc dù chưa có gì rõ ràng về nguồn vốn để phát triển công ty mới này, thế nhưng Rahman đã biết rút ra bài học từ thất bại của quá khứ.

Thành lập một startup, dù ở bất cứ lĩnh vực nào, đều là một ván cược nguy hiểm. Và đôi khi, thất bại có thể đến mà không cần bất kỳ lý do hay lỗi lầm cụ thể nào. Jawbone cũng như vậy. Công ty đã hoạt động thành công tận 16 năm trước khi thất bại với UP3. Và mặc dù không tạo ra lợi nhuận, thế nhưng chất lượng sản phẩm, sự phát triển và giá trị công ty vẫn khiến nhiều nhà đầu tư tin tưởng.

Tựu chung lại, có lẽ thất bại của Jawbone đến từ việc sản phẩm hoạt động không đúng như dự định, cộng với việc sửa chữa các sản phẩm này không dễ dàng như với phần mềm. Thêm vào đó, sự cạnh tranh quá gắt gao từ các đối thủ đã khiến ván cược của Jawbone chẳng đem lại được gì ngoài sự thụt lùi và thất bại.

Hải Vy (Theo Forbes)