Doanh nghiệp luôn có những nhu cầu mà không phải ai cũng đáp ứng được – họ muốn được hỗ trợ nhiều hơn, sâu sát hơn, và được đầu tư nhiều thời gian hơn. Dưới đây là một số ý tưởng kinh doanh mà các CEO ước gì có ai đó làm để hỗ trợ họ. Đó có thể là một số gợi ý đáng lưu ý cho những ai đang có ý định khởi nghiệp.

1. Email 911

Ông Greg Cohn, nhà sáng lập kiêm CEO của công ty Burner, chia sẻ:

“Tất cả chúng ta đều lãng phí quá nhiều thời gian vào email. Khái niệm “Đã đọc hết Hộp thư đến” dường như rất xa xỉ, có lẽ phải đến cuối đời mới làm được, và email ngày càng lấn chiếm thời gian ở nhà của chúng ta.

Thay vì bài trừ email hoặc thay thế email bằng một công cụ khác, tôi ước gì có ai đó tạo lập một hộp thư thông minh hơn – có thể nhận thư và những email quan trọng, tổ chức các cuộc hội thoại và phân loại chúng một cách thông minh theo các mục: dự án, chat, các file dữ liệu, danh sách việc phải làm, và các sự kiện.”

2. Cơ sở dữ liệu tốt

“Tôi mong muốn có ai đó tạo ra một sơ sở dữ liệu (database) hoàn chỉnh hơn, một hệ thống đánh giá chính xác hơn về những sản phẩm phổ biến trong cộng đồng. Đó có thể là một hệ thống tìm kiếm các đánh giá về hàng hóa bằng cách quét mã vạch trên sản phẩm.

Đã có nhiều phiên bản database dạng như thế này nhưng hầu hết đều không sát với thị trường. Tôi hi vọng một hệ thống mới sẽ giúp các thương hiệu được biết đến nhiều hơn.”

— Kohl Crecelius, Đồng sáng lập kiêm CEO, Công ty Known Supply

3. Nâng cấp các hỗ trợ

“Tôi sẽ gọi ý tưởng này là “Siri cho kinh doanh”. Hãy tưởng tượng nếu có một ứng dụng để mọi người có thể xin lời khuyên bất cứ lúc nào về các vấn đề kinh doanh, và đó là những tư vấn miễn phí.

Chúng ta đã tiếp cận được với vô số các nguồn lực nhưng vẫn phải liên tục điều chỉnh những nguồn thông tin. Nếu có một cố vấn ảo trong tầm tay để đánh giá nhiều tình huống, sau đó cô đọng lại thành một lời khuyên hoàn hảo thì thật là tuyệt vời.

Bạn có thể hỏi bất cứ  điều gì, từ những lời khuyên về quy mô công ty cho tới những gợi ý về nguồn nhân lực và nhiều hơn thế nữa.

Một ứng dụng như thế này chắc chắn sẽ giảm bớt những đêm không ngủ của các doanh nhân.”

— Lana Hansen, Giám đốc Kinh Doanh, công ty Ban.do

4. Công cụ dự báo tương lai sản phẩm mới

“Tôi sẵn sàng trả giá cao cho một công cụ tiếp thị sản phẩm TARDIS: một cỗ máy thời gian có thể cho phép chúng tôi chuyển đổi kịp thời để biết được một sản phẩm mới ra mắt có thành công được hay không, và bài học rút ra được từ nó. Từ đó, chúng tôi có thể sắp xếp các chiến lược tấn công thị trường của mình.

Nhưng nói đi cũng phải nói lại, những hàng mẫu dùng thử và những thử thách trong quá trình phát triển sản phẩm cũng là một thách thức không thể phủ nhận.”

— Suzanne Miglucci, CEO kiêm Chủ tịch, Công ty Charles & Colvard

5. Theo dõi mức độ thỏa mãn của nhân viên

“Các nhân viên có hạnh phúc không? Họ có hài lòng với công việc không, hay là bị quá tải, căng thẳng?

Là những người lãnh đạo, chúng tôi quản lý bằng cách đi khảo sát thực tế, thực hiện các cuộc điều tra,  thông qua bộ phận nhân sự để đánh giá đời sống tinh thần của nhân viên. Nhưng tôi vẫn mong muốn hiểu được thấu đáo và đúng thực tế hơn về mức độ hạnh phúc của họ bằng một ứng dụng, ví dụ như Smart Empathy App chẳng hạn – tên tôi tự đặt ra cho nó – với mục tiêu cuối cùng là đưa ra những quyết định nhanh chóng hơn, thông minh hơn, đồng cảm hơn.

Theo đó, chúng tôi coi hạnh phúc của nhân viên là thước đo kinh doanh của mình. Nếu phát hiện vấn đề gì, chúng tôi sẽ có thể phản hồi kịp thời.”

— Harry West, CEO công ty Frog

6. Phân nhóm nội dung đăng tải trên mạng xã hội

“Là một thương hiệu mang tầm nhìn tương lai, chúng tôi cần tiếp cận các khách hàng tiềm năng một cách có chủ đích.

Ngày nay, Facebook và Instagram là quá rộng để tìm được khách hàng mục tiêu, các  mạng xã hội này ngập tràn các nội dung đa dạng. Tôi muốn truyền cảm hứng cho mọi người một cách trực quan, và tập trung hướng vào khách hàng trong ngành công nghiệp.

Trên Instagram, bạn có thể  theo dõi một hashtag, ví dụ như #thiết kế nội thất, nhưng mọi người có thể đăng bất kỳ thứ gì dù có liên quan hay không. Chúng tôi cần một nền tảng mạng xã hội với công nghệ nhận diện hình ảnh và phân nhóm nội dung một cách hợp lý hơn.”

— Christiane Lemieux, nhà sáng lập kiêm CEO, công ty The Inside

Niên Hồ (Theo Entrepreneur)