Tổng kết năm 2018 có lẽ sẽ là một cơn ác mộng với Facebook, bởi đây là năm mà ông lớn làng công nghệ này bị bủa vây bởi hàng loạt scandal chấn động.

Vụ bê bối tiết lộ thông tin liên quan đến Cambridge Analytica

Trong suốt những tháng đầu năm 2018, người ta xôn xao về việc một lỗ hổng bảo mật thông tin ảnh hưởng đến hàng triệu người dùng Facebook. Đến tháng 3, mọi chuyện được sáng tỏ khi một nguồn tin tiết lộ rằng Cambridge Analytica (CA) đã khai thác thông tin người dùng mà không được sự cho phép của họ thông qua một ứng dụng của Facebook tên thisisyourdigitalfile (đây-là-cuộc-sống-số-của-bạn).

Việc những nhà phát triển thu thập thông tin cá nhân như địa chỉ hòm thư điện tử hay ngày sinh đã không còn quá xa lạ. Thế nhưng điều đáng phê phán chính là CA sử dụng chúng với mục đích nghiên cứu chính trị mà không hề có sự cho phép của người dùng.

Vào tháng 4, Facebook thông báo rằng CA đã khai thác dữ liệu của khoảng 87 triệu người dùng, cao hơn rất nhiều so với con số được báo cáo trước đó.

Tệ hơn nữa, Facebook được cho là có biết mục đích nghiên cứu chính trị phục vụ cho cuộc bầu cử của CA, thế nhưng Facebook lại giấu kín chuyện này. Chỉ đến khi mọi chuyện vỡ lở khắp các mặt báo The New York Times, The Guardian, và The Observer thì công ty này mới chịu tiết lộ thông tin.

Facebook tuyên bố rằng việc gọi hành động của CA là lỗ hổng bảo mật là “sai hoàn toàn”, bởi người dùng tự chọn đăng ký sử dụng ứng dụng thisisyourdigitallife. Thế nhưng lời bào chữa này cũng chẳng làm mọi chuyện khá hơn. Nó cũng không giải thích được lý do vì sao Facebook lại chẳng hé răng nửa lời trong suốt hai năm qua.

Không có gì bất ngờ, lời nhận định “CA không phải là lỗ hổng” bị chỉ trích rất nhiều. Một tháng sau đó, Mark Zuckerberg, CEO của Facebook, phải đến điều trần trước Quốc Hội, Ủy Ban Tư Pháp Thượng Viện, Ủy Ban Thương Mại, Khoa Học và Giao Thông Thượng Viện, Ủy Ban Năng Lượng và Thương Mại Hạ Viện.

Tuy nhiên, phiên điều trần này không đem đến nhiều thông tin như người ta mong đợi. Chẳng có thông tin quan trọng nào về CA hoặc về sự can thiệp của Nga vào Facebook được tiết lộ. Trong khi đó, nhiều thượng nghị sĩ và hạ nghị sĩ đều dành phần lớn thời gian để buộc tội Facebook vì những khuynh hướng chính trị chống lại phe bảo thủ. Thượng nghị sĩ Richard Blumenthal nói với Zuckerberg: “Nếu không có sự tác động từ những cơ quan bên ngoài, tôi không hiểu vì sao anh có thể thay đổi mô hình để tối đa hóa lợi nhuận từ chính sách bảo mật”

Tuy nhiên, dù gì đi chăng nữa, có lẽ Zuckerberg đã hiểu rằng hiện tại Facebook đang được đặt dưới sự quan sát gắt gao từ chính phủ.

Nạn tin giả được phát tán rộng rãi trên Facebook

Sau sự kiện CA, Facebook tiếp tục bị chỉ trích khi để tin tức không xác thật tràn lan trên ứng dụng này. Chẳng hạn, dịch vụ tin nhắn WhatsApp của Facebook được cho là nguồn cơn gây nên tội ác diệt chủng ở Myanmar khi các tin tức giả được các bên có ý đồ xấu phát tán rộng rãi.

Những nỗ lực chống lại tin giả của Facebook dường như chưa thực triệt để, hoặc có thể công ty này chỉ muốn ngăn chặn việc lan truyền thông tin sai sự thât, chứ không muốn trở thành “người phán xử sự thật”. Vậy nên thay vì xóa các nội dung giả ra khỏi nền tảng, Facebook có ý định giảm thiểu và gắn cờ những nội dung này để người xem tự quyết định.

Lỗ hổng bảo mật vào tháng 10

Vào tháng 10, từ một lỗ hổng trên Facebook, các hacker đã xâm nhập vào tài khoản của 29 triệu người dùng và đánh cắp những dữ liệu cá nhân như tên tuổi, cách thức liên lạc, giới tính, ngày sinh, địa điểm, ngôn ngữ, tình trạng hôn nhân, tôn giáo, quê quán, nơi ở hiện tại, trình độ giáo dục và công việc.

Thêm vào đó, lỗ hổng này cũng giúp các hacker nắm những nơi người dùng check-in hoặc được ‘tag’, những trang web, trang Facebook, tài khoản cá nhân người dùng đang theo dõi, kết quả tìm kiếm gần đây nhất và loại thiết bị người dùng sử dụng để đăng nhập.

Lỗ hổng bảo mật cho phép bên thứ ba truy cập dữ liệu người dùng

Theo một cuộc điều tra mới đây từ The New York Times với 60 người bao gồm cựu nhân viên Facebook, thì công ty này đã cho phép Amazon, Microsoft, Netflix, Spotify và một số hãng công nghệ khác tiếp cận rất sâu đến dữ liệu người dùng, thậm chí có cả quyền đọc, viết và xóa những tin nhắn riêng tư của người dùng.

Việc chia sẻ dữ liệu “sâu” đến mức những đối tác của Facebook cũng phải ngạc nhiên. Spotify cho biết họ không hề biết về việc truy cập đặc biệt này, trong khi Netflix tuyên bố họ không bao giờ kiểm tra tin nhắn riêng tư trên Facebook hay “yêu cầu Facebook cung cấp khả năng này”. Về phía Apple, mặc dù liệt kê rõ ràng số điện thoại và lịch sử truy cập của người dùng, thế nhưng họ tuyên bố cũng không biết việc này.

Trong một bài đăng tối 19/12 có tên “Let’s Clear Up a Few Things About Facebook’s Partners” (Làm rõ một số điều về đối tác của Facebook), Facebook cho biết việc chia sẻ dữ liệu này cần chú ý hai điều:

“Thứ nhất, mọi người có thể kết nối tài khoản Facebook hoặc một tính năng cụ thể của Facebook trên những thiết bị hoặc nền tảng đến từ các công ty khác như Apple, Amazon, Blackberry hoặc Yahoo. Đây được xem là những đối tác tích hợp

Thứ hai, mọi người có thể nhận được nhiều trải nghiệm mang tính xã hội hơn, ví dụ như nhìn thấy các lời gợi ý từ tài khoản Facebook của bạn bè, trên những ứng dụng và website khác – chẳng hạn Netflix, The New York Times, Pandora, và Spotify.”

Một điều khiến nhiều người lên án Facebook chính là việc công ty này luôn yên lặng, chỉ khi nào sự việc vỡ lở mới chịu lên tiếng. Chẳng hạn trong vụ việc này, chỉ khi thông tin được tiết lộ, Facebook mới làm rõ những chính sách liên quan. Hoặc như trong vụ lỗ hổng bảo mật khiến bên thứ ba được phép truy cập những bức ảnh chưa đăng tải của người dùng vào tuần trước, mặc dù Facebook đã nắm rõ sự việc vào tháng 9, thế nhưng công ty này vẫn không chịu thông báo sớm.

Phản ứng từ cộng đồng và chính phủ

Với hàng loạt những scandal, đặc biệt việc sử dụng sai thông tin người dùng, Facebook hiện đang đối mặt với rất nhiều chỉ trích và thất vọng. Will Potter, giảng viên kiêm chuyên gia vấn nạn tin giả của Đại học Michigan, cho rằng: “Danh tiếng của Facebook đã đi xuống rồi. Quyền lực của Facebook không đến từ sự tin tưởng, mà đến từ sự phổ biến. Tôi lo ngại rằng chính chúng tôi là người góp phần tạo nên những vi phạm quyền bảo mật này, và chúng tôi đang bị lệ thuộc vào một công ty công nghệ đang ngày ngày vi phạm điều khoản bảo mật”.

Potter cho rằng xã hội đang đầu tư quá nhiều vào những công ty như Facebook, và đó có thể là vấn đề lớn nhất. Theo ông, mọi người cần kiểm tra và cân nhắc về việc Facebook và những công ty khác khai thác lợi nhuận từ dữ liệu người dùng. Có rất nhiều người không hề biết về những hành động của Facebook, hoặc họ không hiểu thấu đáo. Tuy nhiên những người đang bị khai thác thông tin chính là đối tượng cần chú ý đến các điều khoản của Facebook.

Những sự việc này cũng dấy lên các câu hỏi về phía chính phủ. Rất khó để nói rằng chính phủ Mỹ đang giám sát việc sửa lỗi của Facebook. Cũng quá sớm để biết rằng liệu những điều luật như Luật Bảo Mật Thông Tin của Châu Âu có được áp dụng lên Facebook hay không. Tuy nhiên cần nhớ rằng công ty này thuộc Hoa Kỳ. Ở đó, những chuyên gia tin rằng việc áp dụng luật sẽ chẳng đem đến kết quả gì.

Phản hồi của Facebook

Vào tháng 11, khi được hỏi vì sao mọi người nên tiếp tục tin tưởng Facebook và chia sẻ thông tin của họ, Zuckerberg phát biểu: “Tôi cho rằng mọi người luôn muốn tin tưởng vào chúng tôi và vào những gì chúng tôi rút ra được. Không ai trông chờ tất cả công ty có thể làm đúng mọi việc ngay từ lần thứ nhất, tuy nhiên tôi tin rằng họ mong đợi các công ty rút ra được bài học, cải thiện vấn đề và không bao giờ lặp lại lỗi lầm tương tự”.

Zuckerberg cho biết công ty đang đối mặt với rất nhiều vấn đề phức tạp. Facebook đang thực hiện dự án dài 3 năm để giải quyết những vấn đề về bảo mật thông tin cá nhân. Zuckerberg tuyên bố: “Chúng tôi cam đoan rằng chúng tôi đang làm mọi thứ đúng hướng và sẽ tiếp tục như vậy. Và đó là lý do giúp mọi người tiếp tục tin tưởng chúng tôi”

Lời kết

Đến thời điểm hiện tại, chúng ta vẫn chưa thể quyết định chính xác liệu có nên tin tưởng vào Facebook hay không. Thông tin cá nhân người dùng bị tấn công là thật. Và với sự giám sát của tất cả chính phủ trên toàn thế giới, nếu những “tai nạn” này tiếp tục diễn ra, thì Facebook sẽ nhanh chóng trải nghiệm những “hình phạt” vào năm 2019.

Hải Vy