Không phải chuyện đời, chuyện tình mà luyên thuyên chuyện chiến trận, nhận nhiệm vụ tiểu đội trưởng vào cuối mùa xuân năm hai nghìn không trăm mười bảy, với lực lượng lên đến vài người tất cả đều là các chiến sĩ trẻ, ít kinh nghiệm chinh chiến, sở hữu duy nhất 1 chiếc “xe tăng” còn đang bảo trì kỹ thuật, chưa thể chiến đấu.

Nhiệm vụ phải phát triển thành 1 đơn vị tác chiến tiên phong, trong thời gian nhanh nhất phải phát huy được sức mạnh tối đa của con người và vũ khí, sẵn sàng cho những trận đánh lớn trong năm.

Hiện tại sau 3 tháng rèn quân, có thể nói lực lượng chiến đấu đã lớn mạnh, tinh nhuệ hơn rất nhiều, không phải về số lượng mà về chất lượng, tất cả các chiến sĩ đều sẵn sàng chiến đấu với ý chí quyết thắng, xe tăng đã có thể vận hạnh trơn tru, bắt đầu phát huy sức mạnh tối đa, sẵn sàng cho những trận chiến khốc liệt sắp tới. Chúng tôi đã tiến sát đến ranh giới với kẻ địch, chiến trận chuẩn bị diễn ra và sẽ rất khốc liệt.

Luyên thuyên chút cho vui nhưng thực tế thì việc làm sản phẩm đã khó, duy trì sản phẩm còn khó hơn, sự cạnh tranh để tồn tại và phát triển là rất khó khăn và khốc liệt như vậy, chính vì thế nếu muốn tồn tại, bạn phải có 1 team mạnh về kỹ thuật nhưng phải nhiệt huyết và yêu sản phẩm.

Hiện tại tôi khá hài lòng và yên tâm với team của mình cả về kỹ năng và tâm huyết, những ngày cận release anh em sẵn sàng ngồi làm đến 9-10h tối, có hôm còn đến 1-2h sáng, hôm sau lại bắt đầu lúc 8h, tuần làm việc kết thúc vào chủ nhật và bắt đầu vào thứ 2.

Để có thể làm được như vậy thì trách nhiệm và ảnh hưởng của 1 leader là khá quan trọng, tôi muốn chia sẻ vài điều mà với tôi nó có hiệu quả.

1. Định hướng tư tưởng chung

  • Hãy coi khách hàng như là cha là mẹ, đây là câu tôi thường nói với anh em. Mỗi người đi làm vì 1 mục đích khác nhau, vì cơm áo gạo tiền, vì đam mê hay muốn học hỏi, đó là cá nhân, còn với công ty sứ mệnh là tạo ra sản phẩm tốt, mang lại lợi ích cho khách hàng, mỗi thay đổi, quyết định đều ảnh hưởng đến khách hàng, vì vậy hiểu và tôn trọng khách hàng, phục vụ khách hàng là tôn chỉ mà tất cả thành viên đều phải hiểu và tuân thủ, việc này có ảnh hưởng đến từng dòng code của chúng tôi.

2. Nguyên tắc mềm dẻo

 

  • Nguyên tắc là thứ phải tồn tại ở bất kỳ đâu, tuy nhiên tôi không cứng nhắc trong việc này. Tôi ko nhắc nhở hay phê bình thẳng thừng khi ai đó mắc lỗi, tuy nhiên cũng không bỏ qua bất kỳ lỗi nào của ai, có những việc phải đến 2-3 lần tái phạm tôi mới nhắc nhở, tôi muốn anh em hiểu rằng tôn trọng nguyên tắc là tôn trọng chính họ.

3. Hiểu đồng đội

  • Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng, đó là với đối thủ, với đồng đội lại càng phải hiểu, hiểu họ thích gì, tính cách, điểm mạnh và điểm yếu của từng người. Tại sao lại vậy, tôi ví dụ từ thực tế:
  • Với những việc quan trọng, cần sự cẩn thận và chắc chắn thì tôi thường giao cho người anh em mà tôi tin tưởng và thấy phù hợp nhất, điều này đảm bảo được đầu ra của công việc, đảm bảo tiến độ. Nhưng thỉnh thoảng tôi lại giao cho người đang thiếu những yếu tố đó, giao cho người thiếu sự cẩn thận, làm nhanh nhưng ẩu và tôi biết chắc đầu ra sẽ không đảm bảo, và đó là lý do để tôi nhắc nhở họ, và nó cũng là minh chứng để cậu ta có thể nhận rõ những thiếu sót của mình, từ đó rút kinh nghiệm và thay đổi. Cái được lúc này không phải đầu ra của công việc mà là sự trưởng thành của thành viên.
  • Có lần sản phẩm đang trong giai đoạn hoàn thiện gấp rút, tuy nhiên tiến độ công việc lại chậm và sẽ ko đảm bảo, lý do là anh em đã làm việc trong 1 thời gian tương đối căng trước đó nên đang có dấu hiệu trùng xuống. Tôi hiểu rằng nếu để điều này xảy ra, sản phẩm sẽ chậm và chất lượng ko đảm bảo, vì vậy tôi tiếp tục đẩy tinh thần bằng cách tiếp tục làm căng, không có động lực nào tốt hơn là kết quả đầu ra của sản phẩm tốt. Sau lần đó tôi phải viết 1 tâm thư dài về lý do làm vậy, thật may anh em đều hiểu và đồng lòng tiếp tục chiến đấu. Những lúc cần quyết định, tôi chọn cách thẳng thắn và thật lòng.

4. Không áp đặt, khuyến khích sự đóng góp

 

  • Thói quen áp đặt của những người đứng đầu rất phổ biến, bản thân tôi cũng đã từng như vậy, điều này cực kỳ nguy hiểm với người làm sản phẩm, với tất cả những việc như lên kế hoạch, thay đổi hay làm thêm tính năng tôi đều bàn bạc và lấy ý kiến của cả đội, việc lên kế hoạch phải có sự thống nhất trong cả team, điều này mang lại cảm giác thoải mái khi thực hiện, vì kế hoạch và công việc là tôi cùng họ đề ra, sẽ không có lý do nào biện minh cho sự không tuân thủ.

5. Tập quen với sự thay đổi

  • Kế hoạch là yếu tố quan trọng phải có và phải tuân thủ khi làm sản phẩm, tuy nhiên thực tế rất khó tránh khỏi việc phải thay đổi, điều này đâu đó gây ra sự khó chịu với 1 số người vi công sức của họ bỏ ra coi như bỏ đi, nhưng tôi nghĩ nó chỉ xảy ra với những người quen làm việc theo kiểu thụ động, quen với việc được giao đầu bài và đầu ra rõ ràng, điều này đúng nhưng không thực sự tốt, 1 người làm sản phẩm phải luôn cải tiến, thay đổi cả về tư duy và cách làm, chủ động trong việc phản hồi và đóng góp để cải thiện sản phẩm. Vì vậy, nếu muốn có 1 team làm product năng động, hãy cho họ quen với sự thay đổi. Đây cũng là 1 trong những tuyên ngôn mà tôi khá thích của : “Responding to change over following a plan”. Quen với sự thay đổi không có nghĩa là ủng hộ cho sự thay đổi.

6. Đặt chữ “Tâm” vào công việc

 

  • Chữ “Tâm” với tôi ở đây là tâm sức và tâm huyết, và tôi thể hiện tất cả những thứ đó thông qua những việc tôi làm, điều này phần nào tác động tốt đến tinh thần cũng như tâm huyết của các thành viên, làm cho họ cảm thấy mình là 1 tech Co-founder của sản phẩm, 1 sản phầm tốt không thể được tạo ra bởi những người không có tâm huyết.

7. Chơi hết tầm

  • Trên đây toàn thấy nặng về công việc, nếu không có yếu tố giải trí trong đó chắc tôi và anh em không thể chiến đấu trường kỳ như vậy, thỉnh thoảng tôi vẫn rủ anh em đi nhậu, nghe thằng say tâm sự rất thụ vị. Có hôm cận giờ release sản phẩm rồi nhưng vẫn còn khá nhiều bugs chưa fix được, anh em cũng lôi đàn ra hát, mở nhạc lên quẩy, phải hài hoà giữa công việc và giải trí.

 

Còn rất nhiều điều tôi muốn chia sẻ và cũng còn rất nhiều thứ tôi cần phải học hỏi và tích luỹ, hi vọng sẽ có dịp chia sẻ những điều thú vị khác vào một dịp khác.

Nguyen Dinh Chi – bravebits