Trung Quốc và Mỹ liên tục đàm phán trong những tuần gần đây và đã đạt được các tiến triển thực chất nhằm tháo gỡ căng thẳng thương mại. Dư luận đang kỳ vọng một thỏa thuận cơ bản sẽ được hai bên đưa ra, đồng thời đặt câu hỏi liệu tác động của nó đối với kinh tế Trung Quốc và khu vực thực sự sẽ tới đâu?

Với những tín hiệu từ bàn đàm phán mấy ngày qua, dư luận thế giới kỳ vọng ngay thời gian ngắn sắp tới, Trung Quốc sẽ tăng mạnh lượng nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ; sửa đổi luật cấp bằng sáng chế và hoàn thiện cơ chế thực thi pháp luật nhằm tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; giảm thuế đối với hàng xuất khẩu của Mỹ; đẩy nhanh việc để các doanh nghiệp Mỹ tiến vào thị trường Trung Quốc, bao gồm ngành dịch vụ tài chính, nông nghiệp và ô tô…

Tuy nhiên, trang tin Cai Xin (Tài Tân – Trung Quốc) đánh giá cho dù thỏa thuận thương mại có thể đề cập đến nhiều lĩnh vực, quan hệ thương mại Trung-Mỹ (thậm chí toàn bộ quan hệ giữa hai nước) khó khôi phục được như trước khi nổ ra chiến tranh thương mại.

Điều đáng lưu tâm là trong vài năm tới Mỹ có thể hạn chế hơn nữa đầu tư của Trung Quốc, hoặc hạn chế Trung Quốc tiếp cận các sản phẩm công nghệ và kỹ thuật cao của mình.

Ngoài ra, Washington có thể lợi dụng các biện pháp như đe dọa tiếp tục áp thuế, trừng phạt tài chính, hạn chế Trung Quốc tiếp cận sản phẩm công nghệ… Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu đang hoạt động ở Trung Quốc và doanh nghiệp nằm trong chuỗi cung ứng Trung Quốc – thế giới vẫn sẽ đối mặt tính khó lường lớn.

Ngược lại, tuy Trung Quốc bước đầu chịu thỏa hiệp, nhưng mục tiêu chiến lược của họ như nâng cấp phân khúc sản phẩm trong chuỗi giá trị, giành được công nghệ tiên tiến… e rằng khó có thể bị lung lay (dù Bắc Kinh có thể hạ thấp các mục tiêu trong Kế hoạch “Made in China 2025” và giảm bớt trợ cấp của chính phủ).

Nhận định về ảnh hưởng của thỏa thuận thương mại đối với kinh tế vĩ mô,  ông Uông Đào, chuyên gia kinh tế hàng đầu thuộc UBS Group AG (Thụy Sỹ), cho rằng trong trường hợp hai bên có thể đạt được thỏa thuận khung rộng hơn, xuất khẩu và tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong năm 2019 có thể sẽ cao hơn dự đoán.

Tuy nhiên, thuế suất vẫn có khả năng tăng lên trong tương lai, Mỹ vẫn có thể tiếp tục hạn chế các sản phẩm công nghệ của Trung Quốc, và điều này sẽ hạn chế chi tiêu cho đầu tư ở trong nước Trung Quốc.

Trung Quốc có thể sẽ cam kết không phá giá đồng nhân dân tệ, và tâm lý thị trường cũng có thể được cải thiện, qua đó sẽ thúc đẩy tỷ giá hối đoái của đồng nhân dân tệ so với đồng USD tăng lên. Diễn biến này có thể hỗ trợ đồng tiền của các thị trường mới nổi khác ở châu Á.

Ngoài ra, thỏa thuận thương mại chắc chắn sẽ làm phấn chấn tâm lý của các ngành nghề liên quan đến xuất khẩu, và có ảnh hưởng tích cực đến các nền kinh tế theo định hướng xuất khẩu ở Đông Á.

Trong khi đó, đánh giá về ảnh hưởng đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nhóm nghiên cứu chiến lược của ngân hàng UBS (Thụy Sĩ) rất lạc quan về triển vọng thị trường chứng khoán của khu vực.

Trong ngắn hạn, việc đàm phán Mỹ – Trung đạt kết quả tích cực, cùng với một số yếu tố tích cực khác, như môi trường thương mại ổn định, tăng trưởng kinh tế phục hồi…., sẽ làm cho thị trường chứng khoán phục hồi tốt hơn. Trong kịch bản lạc quan, giới phân tích cho rằng trong năm 2019, nhiều khả năng chỉ số MSCI châu Á  sẽ là 790 điểm.

Một khi tình hình thương mại khởi sắc, các chuyên gia của UBS đánh giá cao thị trường chứng khoán của khu vực Bắc Á hơn (đặc biệt là Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản), chứ không phải là khu vực Nam Á.

Trong 2 tháng đầu năm nay, chỉ số MSCI Trung Quốc và chỉ số CSI 300 Index  trên sàn Thượng Hải và Thâm Quyến đều tăng. Nếu thành quả đàm phán thương mại tích cực hơn so với dự đoán, thì tâm lý tích cực của thị trường có hy vọng được hỗ trợ, thậm chí tăng cao hơn so với tháng 2/2019.

Mặc dù vậy, tâm lý của các nhà đầu tư vẫn phụ thuộc vào những diễn biến tình hình thực tế, nhất là khi báo cáo quý I sắp được công bố.

Minh Thu