Bạn thấy đấy, trong hàng ngàn ứng viên apply vào Got It, có đến hơn 70% bị loại ngay từ vòng chấm CV. Điều này phần nào nói lên rằng rất nhiều ứng viên IT đang thiếu kỹ năng để viết được một CV tốt. Trước thực tế ấy, team HR của Got It đã quyết định cho ra đời bản hướng dẫn viết CV chi tiết, dành riêng cho Software Engineer. Đây là bài viết tiếp theo Phần 1 đã chia sẻ trước đó.

4. Dự án cá nhân (Personal Projects)

Nếu bạn chưa có nhiều kinh nghiệm, việc đầu tư vào dự án cá nhân sẽ giúp bạn ghi điểm đáng kể trong mắt các công ty. Tuy nhiên, phải đến hơn 90% số hồ sơ chúng mình từng nhận được không miêu tả các projects một cách thật sự đầy đủ.
Vậy một project đầy đủ sẽ có những gì?

4.1. Các thành phần của một project

  • Description
  • Role
  • Tech stack
  • Code

Cũng giống như ở mục 3, phần lớn ứng viên thường chỉ nêu tên project và vài dòng mô tả sơ sài – còn nhà tuyển dụng thì chẳng thu được nhiều thông tin từ đó. Hãy khiến mình trở nên nổi bật bằng những thứ có thể thực sự chứng minh năng lực của bạn.

Tips:

Nếu bạn có quá ít project, hoặc chưa làm một dự án nào thực sự “hẳn hoi”?

Lời khuyên của Got It chính là: Hãy bắt tay vào một dự án ngay đi! Bạn có thể làm một extension cho Chrome, một app game đơn giản hay một website cá nhân chẳng hạn. Kêu gọi một nhóm bạn cùng làm project cũng là một ý hay. Bạn có thể thử làm Team Leader từ những lần hoạt động nhóm, vừa có thêm trải nghiệm, lại vừa làm đẹp CV cho mình.

HR sẽ không đòi hỏi một bạn sinh viên mới ra trường phải có vài năm kinh nghiệm. Nhưng thay vào đó, hãy chứng tỏ sự chủ động học hỏi của mình bằng các projects. Bởi nếu không, cơ sở nào để chúng mình biết rằng bạn là ứng cử viên sáng giá mà công ty đang tìm kiếm?

Đưa link GitHub cho từng dự án

Đáng tiếc rằng nhiều bạn sinh viên không có thói quen upload dự án lên các open sources. Bạn có phải một Software Engineer? Hãy chứng minh điều đó qua GitHub!

Ở nhiều công ty, sau khi HR cho pass CV, một Software Engineer hoặc thậm chí là một Team Leader sẽ xem qua profile của bạn trước khi quyết định có phỏng vấn hay không. Tại đây, họ sẽ đánh giá xem ứng viên:

  • code và tổ chức code như thế nào
  • có code theo tiêu chuẩn hoặc convention thông dụng nào không (ví dụ code Python thì phải theo PEP8)
  • có biết sử dụng các tools như CI, CD không
  • có code clean không
  • đóng vai trò gì trong các projects…

GitHub và Tech stack cho thấy cách bạn tổ chức và làm việc

Vậy nên, nếu bạn đang thắc mắc vì sao phải cho GitHub vào CV thì đây chính là câu trả lời. Ở bài viết tiếp theo, Got It sẽ hướng dẫn chi tiết hơn về cách tạo ra một profile GitHub “sạch đẹp”, bạn có thể follow chúng mình để được đọc sớm nhất nhé.

GitHub và Tech stack cho thấy cách bạn tổ chức và làm việc

Làm nổi bật tech stack

Hãy chủ động đề cập đến tech stack, bao gồm các ngôn ngữ lập trình, framework, công cụ mà bạn sử dụng ở mỗi dự án hoặc giai đoạn công việc. Chỉ bằng cách in đậm các tech stack, thì 2 giây cũng đủ để nhà tuyển dụng nắm được những điều quan trọng nhất trong về kỹ năng của bạn.

4.2. Cách trình bày

Đầu tiên, hãy nêu tên dự án và thời gian thực hiện. Bạn có thể gộp cả vị trí của mình trong dòng này nếu muốn.
Thứ hai, hãy chèn link GitHub hoặc bất cứ open sources nào bạn dùng để lưu trữ dự án.
Thứ ba, mô tả ngắn gọn về dự án hoặc sản phẩm (expected outcome) của dự án đó.
Cuối cùng, hãy liệt kê tech stack được sử dụng.

Một gợi ý về cách trình bày project ngắn gọn nhưng vẫn đầy đủ

Bạn thấy không, với những cách trình bày trên, từng thông tin đều được thể hiện rất rõ ràng, rành mạch. Nếu bạn nộp CV online, hãy đảm bảo rằng các đường link này đều có thể click được nhé. Nếu dự án của bạn được lưu trên một nguồn mở nào khác, hoặc một website riêng biệt thì cũng hay đưa chúng vào theo format trên.

Với thứ tự này, bạn sẽ không bỏ sót bất cứ thông tin nào, cũng như đảm bảo sự thống nhất và logic của CV.

5. Kỹ năng chuyên ngành (Technical Skills)

Theo logic thông thường, các ứng viên (đặc biệt là ứng viên Software Engineer) nên để phần Technical Skills ở đầu hoặc cuối CV. Điều này sẽ giúp nhà tuyển dụng có thể bắt được những keywords chỉ trong vòng 3-5 giây khi đọc CV.

5.1. Những kỹ năng cần liệt kê

Kỹ năng chuyên ngành không đơn giản là list ra tất cả những gì liên quan đến lập trình mà bạn biết. Vậy nên list những gì trong dung lượng 2-3 dòng của phần Technical Skills? Các kỹ năng bắt buộc bao gồm:

  • Programming Languages
  • Frameworks
  • Libraries
  • Other tools

Tips: Hãy chỉ list những kỹ năng mà bạn có thể trả lời câu hỏi về chúng trong vòng phỏng vấn nhé.

5.2. Liệt kê như thế nào?

a. TUYỆT ĐỐI KHÔNG CHẤM ĐIỂM CÁC KỸ NĂNG

Các cách chấm điểm sau nhìn rất quen thuộc phải không? Đây là những dạng liệt kê kỹ năng thường thấy trong hầu hết các mẫu CV online. Nhưng thực tế, đó lại là cách … tệ nhất mà ứng viên có thể dùng để đánh giá kỹ năng của mình.

Hãy tuyệt đối tránh những cách đánh giá này!!

Khi nhà tuyển dụng nhìn vào những thang điểm trên, họ sẽ không biết được kỹ năng của bạn đang ở mức nào. Ví dụ nếu bạn kéo thanh kỹ năng Python như ở hình 1, chúng mình sẽ không thể đánh giá trình độ của bạn là ở mức Proficient hay Advanced.

b. Liệt kê kỹ năng theo mức độ thành thạo

Thay vì dùng biểu đồ, Terrence Kuo, một Software Engineer đã từng lọt vào vòng phỏng vấn với Google, Facebook, Amazon, Microsoft, Apple đã gợi ý 2 thang điểm để bạn tự đánh giá trình độ của mình:

  • Proficient – Đây là những kỹ năng mà bạn quen thuộc, sử dụng một cách thành thạo nhất và có thể phỏng vấn về chúng ngay lập tức mà không cần luyện tập nhiều.
  • Familiar – Những kỹ năng mà bạn đã từng học, nhưng không đào sâu và thực hành nhiều ở thời điểm hiện tại. Bạn có thể trả lời những câu hỏi cơ bản, nhưng cần thêm thời gian ôn tập cho những câu hỏi nâng cao.

Cách trình bày Technical Skills

Tuy nhiên, nhiều bạn đã tâm sự với Got It rằng, chính các bạn cũng không rõ kỹ năng của mình đang ở mức nào. Liệu như thế nào mới là Proficient, thế nào là không…? Nếu bạn cũng đang phân vân, hãy thử một cách đơn giản hơn là liệt kê các kỹ năng theo thứ tự, cái nào thạo nhất đặt trước, chứ không ghi rõ mức độ như ở cách trên.

Hãy tuyệt đối tránh những cách đánh giá này!!

Một cách khác nếu bạn chưa thực sự tự tin vào kỹ năng của mình.

Nhưng dù thế nào, đây cũng chỉ là một cách chữa cháy. Got It nghĩ rằng nếu chưa đủ tự tin về kỹ năng của bản thân, bạn nên dành thêm 2-6 tháng để trau dồi kiến thức. Công ty sẽ cho bạn kinh nghiệm, nhưng chỉ khi bạn đã có sẵn cho mình một nền tảng nhất định. Nền tảng đó là tư duy, là kiến thức căn bản – những điều bạn hoàn toàn có thể rèn luyện để có một vòng phỏng vấn tốt hơn, một công việc xán lạn hơn.

6. Các hoạt động và giải thưởng (Activities & Awards) (không bắt buộc)

Đây là phần cuối cùng, cũng là phần bạn có thể tuỳ chỉnh dựa trên kinh nghiệm của bản thân. Ví dụ, viết về một cuộc thi Hackathon sẽ khác với khi tham gia các câu lạc bộ hay hoạt động đoàn thể. Ở đây, Got It xin gợi ý các yếu tố cốt lõi nhất bạn nên liệt kê, bao gồm:

  • Tên của giải thưởng/hoạt động
  • Thời gian diễn ra
  • Vị trí/chức vụ của bạn
  • Vài dòng mô tả giải thưởng/hoạt động đó
  • Hãy chỉ rõ thành quá/hoạt động của bạn

Tuy nhiên, chúng mình không khuyên bạn quá tập trung vào những kinh nghiệm như đi làm part-time ở quán cà phê, trợ giảng tiếng Anh, hay các hoạt động đoàn đội đơn thuần. Hãy luôn nhớ rằng bạn đang apply cho vị trí Software Engineer, nơi tư duy và kỹ năng lập trình mới là hai yếu tố nhà tuyển dụng thực sự quan tâm.

Trên đây có thể nói là “công thức viết CV bất bại” mà team HR của Got It muốn gửi tặng đến các bạn Software Engineer nói riêng, và những ai còn đang loay hoay trong việc viết CV nói chung. Hãy cùng chúng mình tổng hợp lại những điều quan trọng nhất từ bài viết này nhé.

Template

Để kết lại bài viết này, Got It muốn gửi đến bạn 2 template CV cho vị trí Intern và Junior Software Engineer. Đây là những mẫu CV mà chúng mình nghĩ là đơn giản và hiệu quả nhất để bạn có thể áp dụng những tips trên, và tạo cho mình một hồ sơ đầy tính cạnh tranh trong lĩnh vực IT. Mong rằng món quà nhỏ này sẽ đưa bạn gần thêm một bước tới thành công!

Và nếu bạn muốn CV của mình được review bởi chính những người viết bài blog này – team HR của Got It – hãy đăng ký tại:

http://bit.ly/33zIV5x.

Chúng mình rất vui nếu bạn có thể dành vài phút feedback ở link sau để Got It có thể tiếp tục cho ra những bài viết chất lượng hơn:

http://bit.ly/cv_feedback

team HR của Got It