Xu hướng home sharing có thể lấn lướt ngành khách sạn truyền thống?
Xu hướng “nóng sốt” trong thị trường nhà đất
Theo số liệu cung cấp năm 2017, Airbnb có 2,3 triệu phòng trên toàn thế giới, gấp đôi số phòng của “ông lớn” khách sạn Marriott Starwood. Chưa trực tiếp dấn thân vào thị trường Việt Nam nhưng những gì Airbnb đạt được tại thị trường tiềm năng này đã khá ấn tượng.
Năm 2016, Airbnb công bố vỏn vẹn 6.500 căn homestay tại Hà Nội và TP.HCM. Sau 3 năm, con số này vọt lên tới hơn 20.000 căn và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Chỉ tính riêng số phòng của Airbnb tại TP HCM đã chiếm tới hơn 16.000, xấp xỉ bằng lượng phòng khách sạn 2 – 4 sao của toàn thành phố.
Tốc độ tăng trưởng của dịch vụ đặt phòng trực tuyến dự kiến sẽ còn tiếp tục khi nhu cầu du lịch tại Việt Nam tăng cao kéo theo hàng loạt những dự án đang được đưa vào sử dụng. Theo số liệu của Tổng cục Du Lịch, chỉ trong 10 tháng đầu năm 2018, Việt Nam đã đón tiếp hơn 12 triệu lượt khách quốc tế tới tham quan, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Giao thông được cải thiện cùng nhiều chính sách du lịch cởi mở đã tạo điều kiện cho khách nước ngoài “đổ xô” tới Việt Nam.
Bên cạnh đó, trước việc mặt bằng giá cho thuê dài hạn giảm sút, không ít người đã đi thuê căn hộ để tự kinh doanh homestay và đầu tư trên các kênh OTA, tạo thành một xu hướng “nóng sốt” trong thị trường nhà đất. Đây cũng là điểm khác biệt mấu chốt giữa “nghỉ dưỡng ngắn ngày tại homestay” Việt Nam và nhiều quốc gia khác, khi kinh doanh homestay “thuần túy” là chia sẻ không gian dư thừa.
Số liệu từ AirDNA cho biết 68% chủ hộ tham gia Airbnb tại TP HCM sở hữu 2 căn homestay trở lên, thu nhập trung bình 14 triệu đồng/ căn hộ, trong đó có 56% chủ nhà cho thuê nguyên căn. Con số này dự kiến sẽ còn tăng lên, “ăn theo” sự phát triển của ngành hàng không giá rẻ.
Cuộc “chạy đua nước rút” của khách sạn truyền thống
Không gian mới lạ, đa dạng, đi đôi với hình thức du lịch mang tính trải nghiệm chính là những nhân tố hàng đầu giúp Homestay cạnh tranh với những khách sạn trung lưu vốn rập khuôn trong dịch vụ. Mức giá phòng qua OTA cũng thấp hơn so với những khách sạn cùng phân khúc.
Chỉ từ 700.000 VNĐ du khách đã có thể trải nghiệm không gian sống thoải mái và tiện nghi tương đương với khách sạn 3 sao. Bên cạnh đó, nếu như chi phí phòng trong khách sạn truyền thống thường bao gồm ngầm những dịch vụ kèm theo như hồ bơi, gym, massage… thì chi phí qua các OTA lại giản lược hơn, phù hợp cho những khách hàng chỉ có nhu cầu nghỉ ngơi và ăn uống.
Ngoài ra, nếu như con “át chủ bài” của những khách sạn 4 sao trở lên bao lâu nay vẫn là không gian sang trọng, diện tích lớn, phù hợp cho những company trip, team building, thì nay, những homestay cao cấp cũng dần đáp ứng được nhu cầu này. Đơn cử như Luxstay, ứng dụng đặt phòng Homestay cao cấp và biệt thự nghỉ dưỡng tại Việt Nam.
Chỉ mới thâm nhập vào thị trường từ năm 2016, Luxstay đã sở hữu hơn 5.000 căn Homestay và biệt thự khắp cả nước, sức phục vụ hơn 10.000 đơn mỗi tháng. Việc chú trọng vào quy trình đặt phòng và chính sách khuyến mại là nhân tố khiến ứng dụng này thu hút khách hàng.
Một yếu tố nữa khiến những khách sạn truyền thống phải “dè chừng” đó là quản lý chất lượng các phòng cho thuê hiện nay không còn lệ thuộc vào giấy phép của cơ quan chức năng, mà là từ cộng đồng. Sự phát triển của công nghệ đã thay đổi hành vi khách hàng, khiến khách hàng chủ động hơn trong việc tìm kiếm thông tin.
Khảo sát vào năm 2017 của Q&Me cho biết, có tới 88% người Việt tra cứu thông tin qua mạng trước chuyến đi. Sức ảnh hưởng từ Internet và mạng xã hội chính là yếu tố khiến OTA dễ dàng thâm nhập thị trường.
“Tia hy vọng” còn lại khiến những khách sạn truyền thống giữ được miếng bánh thị phần có lẽ là về vấn đề pháp lý. Tuy nhiên, việc Grab vẫn còn tồn tại sau từng đó thăng trầm là một minh chứng cho thấy khả năng hợp pháp hóa rất cao của những Start-up trong nền kinh tế chia sẻ. Sự cạnh tranh gay gắt là một điều chắc chắn xảy ra, nhưng đây cũng là cơ hội để khách sạn truyền thống hoàn thiện dịch vụ, nâng cao quy trình để trụ vững và “sinh tồn”.
Lê Lâm – Vietnambiz