Ngay khi dịch bệnh Covid-19 vừa tạm lắng, hàng loạt startup đã nhận được vốn đầu tư. Cũng từ đây, một thời kỳ mới đã mở ra cho startup.

Giữa tuần qua, một hội thảo trực tuyến, do Startup Vietnam Foundation (SVF) tổ chức cùng nhiều đối tác, đã quy tụ hàng trăm startup lẫn chuyên gia, quỹ đầu tư, đến từ 6 nền kinh tế:  Đài Loan, Hồng Kông, Nhật, Indonesia, Philippines, Việt Nam tham dự. Mục đích của hội thảo này là để thảo luận về ảnh hưởng COVID-19 đến xu thế lựa chọn doanh nghiệp đầu tư, lời khuyên để thúc đẩy dòng vốn trong và ngoài nước tiếp tục đổ vào startup Việt.

Sau COVID-19, vốn vẫn về startup Việt

Giới startup Việt Nam đánh giá làn sóng khởi nghiệp đang phải trải qua một trong những thời điểm khó khăn nhất và sự lo ngại về con đường tương lai của startup tỉ USD như WeWork, WeFit là có cơ sở. Thị trường vốn mạo hiểm vào Việt Nam, mà phần lớn là vốn vào các công ty khởi nghiệp công nghệ, đang chịu áp lực kép trong thời điểm này.

Tuy nhiên, không riêng JobHop, JobsGO (cung cấp nền tảng tuyển dụng trực tuyến), WindSoft Việt Nam (cung cấp giải pháp phần mềm và ứng dụng cho quản trị doanh nghiệp) và Ecomeasy (chuyên về giải pháp tiếp thị và bán hàng trên các kênh thương mại điện tử) cũng được nhận vốn từ Quỹ Viet Valley Ventures. Ngoài ra, TopCV nhận vốn từ quỹ đầu tư khởi nghiệp Next100.tech và Chatbot Việt Nam đã được NextTech Group cùng Next100 đầu tư.

Đáng chú ý, Affirma Capital chấp thuận đầu tư 34 triệu USD vào Công ty tuyển dụng trực tuyến Việt Nam là Transcendental Human Resources JSC (Siêu Việt). Còn Sapo, nền tảng hỗ trợ quản lý và bán hàng đa kênh, vừa hoàn tất vòng gọi vốn trên 1 triệu USD từ Quỹ Smilegate Investment (Hàn Quốc) và Quỹ Teko Ventures (Việt Nam). Riêng JupViec đã gia nhập danh mục đầu tư của Simple Tech Investment (STI) – công ty từng đổ vốn vào các startup như 24h.com.vn, AnyCar, 30Shine…

Đó là chưa kể hàng loạt các startup như BuyMed (startup Việt vận hành sàn phân phối thuốc Thuocsi.vn) đã gọi được 2,5 triệu USD trong vòng gọi vốn pre-Series A. Hay eDoctor được rót vốn 1,2 triệu USD từ 4 quỹ đầu tư CyberAgent Capital, Genesia Ventures, Bon Angels và Nextrans. Startup y tế Doctor Anywhere cũng công bố gọi vốn thành công 27 triệu USD. Waves cũng nhanh chóng được biết đến thông qua thương vụ nhận vốn rót 1,2 triệu USD từ các quỹ đầu tư mạo hiểm (Insignia Ventures Partners, Hustle Fund, Skystar Capital, một số nhà đầu tư châu Á và khu vực Thung lũng Silicon) ở vòng hạt giống.

Pharmacity gọi vốn thành công gần 32 triệu USD (khoảng 730 tỉ đồng) trong vòng Series C. Riêng Finhay, một startup trong lĩnh vực fintech đã nhận đầu tư từ Jeffrey Cruttenden, đồng sáng lập Acorns và Công ty Chứng khoán Thiên Việt với số tiền không được tiết lộ sau hơn 1 năm huy động được gần 1 triệu USD từ Insignia Venture Partners. Phía Insignia Ventures Partners kỳ vọng Finhay sẽ trở thành “Amazon” trong lĩnh vực công nghệ tài chính ở Việt Nam và trong khu vực.

Nhìn ngược về năm 2019, theo báo cáo đầu tư công nghệ của Cento Ventures, các startup Việt Nam đã có một năm thành công khi thu hút 741 triệu USD, tương đương 18% tổng số vốn đổ vào khu vực Đông Nam Á. Con số này đã tăng mạnh mẽ so với mức 287 triệu USD của năm 2018. Sang năm 2020, bà Mandy Nguyễn, Giám đốc Phát triển Hệ sinh thái khởi nghiệp của SVF, đánh giá, dòng vốn đổ vào startup Việt sẽ tiếp tục gia tăng. Dòng vốn này không chỉ đến từ những khu vực quen thuộc như Nhật, Hàn Quốc, Đông Nam Á, mà còn mở rộng ra các khu vực mới như châu Âu, Trung Đông…

Lựa chọn sống còn

Còn theo dự báo của Bộ Khoa học và Công nghệ, chỉ riêng nguồn vốn đầu tư mạo hiểm, thông qua đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia (Đề án 844) ước thu hút 1.000 tỉ đồng đổ vào các startup Việt. Con số này đến năm 2025 có thể sẽ tăng gấp đôi. Ở phương diện chân dung nhà đầu tư, đã xuất hiện thêm các gương mặt mới. Điển hình, Grab đã triển khai chương trình Grab Ventures Ignite nhằm tiếp sức cho các công ty khởi nghiệp ở giai đoạn đầu với số tiền đầu tư có thể lên đến 1 triệu USD.

Dù vốn đổ vào startup Việt dự báo sẽ vẫn khả quan, nhưng theo nhìn nhận của tất cả những người trong ngành, từ năm 2020, nhất là từ sau dịch COVID-19, sẽ có những đổi thay sâu sắc về nhân sinh quan, chọn lựa khẩu vị… trong đầu tư, kinh doanh ở cả phía người rót vốn lẫn các startup. Chẳng hạn, người ta nhận ra rằng, ở thời điểm nhiều biến động, con cá to vẫn có thể bị đánh bại bởi con cá nhỏ hơn nhưng biết cách linh hoạt, hợp tác.

Đối với các startup, bà Mandy Nguyễn quan sát thấy, các công ty đang dần chuyển sang giai đoạn nâng cao năng lực. Sau giai đoạn hình thành cộng đồng, đây là bước thứ 2 của quá trình 4 giai đoạn phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, theo phân loại của SVF. Dự kiến, sẽ mất khoảng 5 năm (2020-2025) để các startup gia tăng năng lực cạnh tranh, tăng khả năng quản trị cũng như tìm cách thu hẹp khoảng cách giữa nhu cầu thị trường với khả năng cung cấp, đạt tới một cấp độ phát triển mới.

Muốn như vậy, theo bà Mandy Nguyễn, các startup phải quan tâm hơn đến sự chuyển dịch của chuỗi giá trị toàn cầu, thay đổi mạnh mẽ về lựa chọn mô hình kinh doanh ứng biến và cần sự hỗ trợ chuyên sâu hơn, với đội ngũ cố vấn, đào tạo thực sự chuyên nghiệp, với các nghiên cứu báo cáo, cung cấp thông tin sát thực tế, cùng bộ tiêu chí đo lường, đánh giá khoa học, phù hợp. Các đơn vị xây dựng hệ sinh thái, hỗ trợ startup cũng cần được gia tăng kết nối hợp tác, cùng bắt tay và chia sẻ với nhau, thay vì chỉ mở rộng phát triển mạng lưới các mối quan hệ theo chiều rộng. SVF có những chương trình nâng cao năng lực cho các thành tố của hệ sinh thái theo yêu cầu của giai đoạn mới này.

Từ năm 2020, nhiều startup sẽ đứng trước những lựa chọn có tính sống còn, nhất là khi thói quen, tâm lý, chi tiêu của người tiêu đã bị thay đổi theo đại dịch. Khảo sát từ Proper Insights cho thấy, xu hướng lao động là muốn ở nhà và cần thỏa mãn các nhu cầu khi ở nhà, như làm việc tại nhà, giao tiếp trực tuyến, tiếp xúc truyền thông và mua sắm các mặt hàng bán lẻ thiết thực.

Trên hết, khảo sát của Ernst & Young cho biết, trước những mất mát thiệt hại quá lớn từ đại dịch, người ta đã thấy quý trọng hơn những điều vốn trước đây từng xem nhẹ như đi ăn ngoài cùng nhau, đi cà phê hay đi du lịch. Trong một bối cảnh như thế, ông Lê Anh Tiến, CEO Chatbox Việt Nam, từng xác nhận, các startup hiện nay muốn phát triển và gọi được vốn thành công phải có sản phẩm phù hợp, giải quyết được các bài toán thực tế của thị trường.

Các startup được chú ý nhất đang là những công ty hoạt động trong những ngành đòi hỏi đến sự điều chỉnh, thay đổi mạnh mẽ, để đáp ứng ngay nhu cầu hiện tại như lĩnh vực hậu cần, giáo dục, chăm sóc sức khỏe, dịch vụ tài chính, bán lẻ trực tuyến… Ngoài ra, theo Cento Ventures, kinh doanh đa ngành như Grab, Gojek cũng là danh mục nhận được đầu tư nhiều nhất. Grab Ventures Ignite nhắm đến các startup trong lĩnh vực di động, thực phẩm, thanh toán điện tử, dịch vụ tài chính, logistics, thương mại điện tử hoặc có trí tuệ nhân tạo (A.I) tham gia.

Năm 2019, vốn rót vào các startup trong khu vực Đông Nam Á từ các nhà đầu tư đạt 9,5 tỉ USD, giảm 30% so với năm trước, theo DealStreetAsia. Các nhà đầu tư ngày càng trở nên thận trọng hơn sau cú sụp đổ của nhiều startup đình đám. Hơn nữa, đại dịch giáng đòn mạnh vào nền kinh tế toàn cầu và các thị trường vốn trong quý I. Do đó, các startup càng khó huy động vốn. “Hãy ngừng chờ đợi và cắt giảm chi tiêu càng nhanh càng tốt”, chuyên gia GV Ravishankar thuộc Sequoia Capital India đưa ra lời khuyên cho các startup.

Nghiên cứu của Tiến sĩ Karl Täuscher thuộc Trường Kinh doanh Alliance Manchester (Anh) chỉ ra, hầu hết các công ty theo mô hình kinh tế chia sẻ thường ít thành công hơn. Những trường hợp như Airbnb, Uber hay những “kỳ lân” khác không thật sự đại diện cho mọi thành viên của nền kinh tế chia sẻ. Lý do của tình trạng sớm nở tối tàn là vì mô hình này sử dụng nguồn lực mà không thật sự sở hữu.

Đó là thế mạnh nhưng cũng là điểm yếu khi thị trường có nhiều công ty tham gia. Ngoài ra, vì không trực tiếp tham gia, không thể kiểm soát việc cung cấp dịch vụ nên việc phục vụ trở nên thiếu nhất quán. Các startup dạng này sẽ gặp khó trong quá trình giữ chân khách hàng dù ban đầu được đón nhận vô cùng nồng nhiệt. Chưa kể, các công ty thuộc nền kinh tế chia sẻ thường phát triển lợi thế cạnh tranh khi hoạt động ngoài hệ thống quy định và thuế chính thức. Rủi ro pháp lý là khó tránh khỏi. “Một mô hình kinh doanh kết hợp giữa mô hình kinh doanh chia sẻ với mô hình phân cấp sẽ bền vững hơn”, Tiến sĩ Karl Täuscher đánh giá.

3 trụ cột của startup

Theo nhận định của bà Mandy Nguyễn, khi xem xét rót vốn, chọn lựa của các nhà đầu tư sẽ căn cứ ở cả 3 trụ cột: con người, mô hình và yếu tố công nghệ. Con người đó phải có khả năng điều hành quản lý thực sự, biết hợp tác, phối hợp. Ông Tùng Trần, Giám đốc Điều hành VIC Partners, cũng đồng quan điểm khi cho biết các nhà đầu tư thường ưu tiên những startup có đội ngũ sáng lập thâm niên ấn tượng, am hiểu thị trường.
Trên thực tế, am hiểu thị trường, nắm bắt tâm lý người tiêu dùng thôi chưa đủ. Từ trong đại dịch, bà Mandy Nguyễn cho rằng, các chủ startup cần biết rõ, nhận định được diễn biến kinh tế vĩ mô trong nước và thế giới, theo dõi cả những dịch chuyển của chuỗi cung ứng, các biến động trên toàn cầu để dự đoán xu hướng, dự phòng rủi ro cũng như tìm thấy những cơ hội mới. Đối với câu chuyện mô hình, một mô hình mở, linh hoạt, thích ứng nhanh sẽ giúp các startup chuyển đổi nhanh chóng khi cần. Đây là điều các startup trong ngành thực phẩm và đồ uống (F&B) đang ưu tiên, khi đứng trước thách thức chuyển đổi số, đẩy mạnh bán hàng online.

Bà Nguyễn Nhã Quyên (Mandy). Giám đốc phát triển hệ sinh thái Startup Vietnam Foundation.

Các startup xác nhận, bán hàng online không đơn giản chỉ là đầu tư cho công nghệ, thương mại điện tử. Đó phải là sự dịch chuyển đồng thời của 3 trụ cột: con người – mô hình- công nghệ. Con người cần tư duy cởi  mở, sẵn sàng thay đổi để có thể điều chỉnh mô hình sao cho phù hợp với hoàn cảnh mới. Con người sẽ ra quyết định và có những chọn lựa thêm bớt trong đầu tư công nghệ, sao cho khi đưa vào vận hành trên mô hình thì êm xuôi, hiệu quả. Suy cho cùng, khi cần thay đổi, đó phải là sự dịch chuyển đồng thời của cả 3 trụ cột.

Khi tìm đến nhau, xu hướng của cả ha bên – startup lẫn nhà đầu tư – là phải đạt sự hài hòa, tương hỗ với hệ sinh thái đã có. Ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch NextTech, khẳng định, NextTech chỉ đầu tư vào các công ty đảm bảo được 3 triết lý “ngon – bổ –  rẻ”. “Ngon” tức là mô hình kinh doanh phải rõ ràng, lành mạnh, có dòng tiền, có lợi nhuận. “Bổ” là những giá trị của các startup phải phù hợp, tương hỗ với hệ sinh thái của NextTech. Còn “rẻ” là doanh nghiệp cần biết mình là ai, đang ở đâu để tránh tình trạng đưa ra mức giá trên trời, không thực tế.

Điều này đặt các startup vào thế phải chủ động trong tính toán tài chính. Đây cũng là lúc những startup sáng giá, từng chưa nghĩ tới gọi vốn, có thể cân nhắc gọi vốn. Tuy nhiên, theo một startup từng có kinh nghiệm đau thương về gọi vốn nước ngoài, không phải cứ được rót vốn là mừng. Bởi vì không thiếu những nhà đầu tư mập mờ. Một quyết định bắt tay sai lầm có thể dẫn đến những hệ lụy nguy hại. Do đó, theo vị này, các startup cũng phải có tiêu chuẩn và sàng lọc riêng để chọn ra nhà đầu tư tương xứng, giúp công ty phát triển, hoàn thiện những nền tảng của mình.

Xu hướng của các startup trong năm 2020 và các năm tiếp theo cũng sẽ là chủ động vươn ra thế giới. Nói như bà Trương Lý Hoàng Phi, Tổng Giám đốc VinTech City: “Lúc này, khởi nghiệp Việt cần hòa vào thế giới và trở thành một phần quan trọng của khởi nghiệp toàn cầu”. Nếu startup chỉ cặm cụi làm, không chú ý yếu tố cạnh tranh quốc tế, hoặc chỉ đơn giản là đưa nguyên mô hình thế giới vào Việt Nam, các startup sẽ dễ thất bại. Các nhà sáng lập startup có lẽ cũng đã nhìn thấy những vấn đề này và điều chỉnh. Vì thế, đi cùng với đào thải, chất lượng các startup của Việt Nam ngày càng cải thiện, với tỉ lệ thành công của các startup Việt tại Vietnam Silicon Valley đạt khoảng 36-40%. Đây là tỉ lệ khá cao trong khu vực Đông Nam Á.

Ngọc Thủy (Nhịp Cầu Đầu Tư)