Việt Nam là trung tâm khởi nghiệp fintech mới của Đông Nam Á
Việt Nam đã đi một chặng đường dài để phát triển từ một nền kinh tế thuần nông sang một nền kinh tế có yếu tố fintech sôi động nhất trong khu vực.
Sự tăng trưởng của tầng lớp trung lưu và tỷ lệ sử dụng Internet tăng cao đã thúc đẩy nền kinh tế kỹ thuật số phát triển mạnh mẽ. Việt Nam hiện có 54% dân số sử dụng internet. Con số này dự kiến sẽ còn tăng mạnh trong những năm tới. Chính phủ đã vạch ra kế hoạch thúc đẩy tăng trưởng kinh tế kỹ thuật số bằng nhiều sáng kiến khác nhau.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội thảo & Triển lãm quốc tế về Phát triển Công nghiệp thông minh 2017: chính phủ sẽ đầu tư vào hiện đại hóa hệ thống cơ sở hạ tầng thông tin quốc gia, đồng thời phát triển công nghiệp thông minh dựa trên công nghệ số.
Với tiềm năng kinh tế kỹ thuật số kết hợp với triển vọng kinh tế khởi sắc, không có gì lạ khi Việt Nam đang nhanh chóng trở thành trung tâm khởi nghiệp fintech (công nghệ tài chính).
Dữ liệu từ Vietnam Briefing cho thấy, chỉ trong bốn tháng đầu năm 2017, 39.580 startup đã thành lập ở thị trường Việt Nam, tăng 14% so với quý 1 năm 2016. Trong bối cảnh khởi nghiệp, lĩnh vực fintech đã trở nên hấp dẫn nhất đối với đầu tư, nhận 129 triệu đô la Mỹ trong năm 2016.
Trong vài năm qua, hệ sinh thái fintech ở Việt Nam phát triển nhanh chóng. Các lĩnh vực ứng dụng fintech ở Việt Nam cũng rất đa dạng. Các công ty khởi nghiệp tập trung vào tất cả các khía cạnh của fintech: cho vay ngang hàng, chấm điểm tín dụng, thanh toán di động,…
Một lý do khiến Việt Nam trở thành mảnh đất màu mỡ cho các công ty khởi nghiệp fintech là sự hỗ trợ của chính phủ. Năm 2016, chính phủ đã thành lập Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp Khoa học Công nghệ (NATEC). NATEC là một cơ quan thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ nhằm đào tạo, cố vấn, ươm mầm doanh nghiệp và hỗ trợ tài chính cho các công ty mới khởi nghiệp.
Chính phủ cũng có các chương trình thuế đặc biệt cho startup trong những điều kiện nhất định: giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các công ty làm việc trong lĩnh vực công nghệ cao hoặc trong khu công nghệ cao. Thuế suất ưu đãi là 10% trong 15 năm hoặc 17% trong 10 năm, so với mức thuế suất thông thường là 20%.
Ngoài ra, cũng có nhiều chương trình hỗ trợ startup khác. Quỹ Tăng tốc khởi nghiệp Việt Nam (VIISA) đã đầu tư 6 triệu USD vào các start up để giúp xây dựng các công ty toàn cầu tại Việt Nam.
Sự hỗ trợ về thể chế dành cho các công ty khởi nghiệp đã thúc đẩy sử phát triển của nhiều công ty fintech. Các khoản đầu tư từ khắp nơi trên thế giới đang đổ vào các startup fintech Việt Nam.
Năm 2017, các nhà đầu tư, trong đó có Đối tác Đầu tư Hàn Quốc (KIP) và Đầu tư mạo hiểm Mirae Asset đã đầu tư vào nhà phát triển ứng dụng di động Việt Nam Appota. Khoản đầu tư này sẽ được sử dụng để xây dựng giai đoạn tiếp theo của Appota, bước đột phá vào fintech.
Ngay cả những tập đoàn toàn cầu như Alibaba cũng đang khai thác fintech tại Việt Nam. Samsung Pay gia nhập thị trường Việt Nam vào tháng 9 năm ngoái, sau một thỏa thuận với Tập đoàn thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS).
Không lâu sau, Alibaba đã ký Biên bản ghi nhớ (MoU) với NAPAS vào tháng 4, cho phép khách du lịch Trung Quốc sử dụng Alipay khi đi du lịch Việt Nam. Theo thỏa thuận, khách du lịch Trung Quốc sẽ có thể sử dụng Alipay thông qua các ngân hàng thành viên NAPAS và mạng lưới dịch vụ thanh toán trung gian.
Thái Trang – TTVN