Ví MoMo là điển hình cho startup
Chiều 12/10, Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính Phủ, dẫn đầu là TS. Nguyễn Đức Kiên, đã đến làm việc tại văn phòng Ví điện tử MoMo.
Trước đó, vào tháng 9, MoMo chính thức công bố cán mốc 20 triệu người sau 10 năm ra mắt trên thị trường. Sự xuất hiện của MoMo từ khi thị trường còn trong giai đoạn chưa hình thành cho đến khi bùng nổ như hiện nay đã thúc đẩy nhanh chuyển đổi số cho các doanh nghiệp, đặc biệt là việc hỗ trợ và thúc đẩy các doanh nghiệp vừa và nhỏ; thúc đẩy tài chính toàn diện, giúp khách hàng có thể dễ dàng tiếp cận các dịch vụ tài chính, bảo hiểm một cách nhanh chóng, hiệu quả. Đồng thời, Ví MoMo luôn đồng hành phát triển Chính phủ điện tử khi thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và cũng góp phần tạo cảm hứng cho các startup khởi nghiệp sáng tạo cho những công ty khác tham gia vào hệ sinh thái Fintech Việt Nam. Nếu như năm 2015, thị trường Fintech Việt Nam chỉ có 5 ví điện tử thì đến nay đã có 37 ví điện tử được Ngân hàng Nhà nước cấp phép hoạt động…
Tại buổi gặp gỡ, đại diện Ví MoMo cũng có những đề xuất liên quan đến hành lang pháp lý dành cho Fintech, cụ thể như Chính phủ cần thúc đẩy và mở rộng thanh toán dịch vụ công thông qua hình thức không tiền mặt và có cơ chế trả phí phù hợp; bên cạnh các cơ chế quản lý rủi ro, hành lang pháp lý dành cho Fintech cũng còn cần có quan điểm khoan dung, dễ chấp nhận hơn…
Sau khi lắng nghe phần trình bày và kiến nghị từ Ví MoMo, các thành viên Tổ tư vấn khẳng định mục tiêu cuối cùng của cơ quan lập pháp, cơ quan quản lý đối với thị trường Fintech vẫn phải lấy sự an toàn của người dân và nền tài chính quốc gia làm trọng, nhưng chắc chắn sẽ tạo mọi điều kiện hỗ trợ, xây dựng hành lang pháp lý để thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.
TS. Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nhận xét, đây là lần đầu tiên tổ tư vấn tiếp cận với một công ty hoàn toàn dùng công nghệ để xử lý các vấn đề về tài chính. “Chúng tôi không dám nói là các chính sách vĩ mô mà chúng tôi đề ra là hoàn toàn hợp lý nhưng chúng ta cũng cần ý thức rõ: Trong quá trình phát triển của nền kinh tế, cần phải có sự đồng bộ giữa công nghệ và cơ chế chính sách. Đúng là hiện nay cơ chế chính sách chúng ta vẫn đang ở tư tưởng chủ đạo là phòng rủi ro tránh sự cố cho cả nền kinh tế. Chúng tôi cũng không dám hứa tất cả kiến nghị của Ví MoMo đều được giải quyết nhưng chúng tôi có thể hứa là sẽ luôn luôn lắng nghe, luôn luôn chia sẻ không chỉ với Ví MoMo mà các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Fintech để chúng ta hình thành môi trường kinh doanh hợp lý, hài hòa”, ông Kiên nói.