Venmo – Ví điện tử kiêm Mạng xã hội: “Hiện tượng” của ngành tài chính, nơi dân sành điệu lên khoe khoang mua sắm, thu về 200 triệu USD mỗi năm
Được tạp chí Forbes mệnh danh “Ứng dụng tài chính giá trị nhất thế giới”, Venmo – Facebook “phiên bản lỗi” cho giao dịch thanh toán đã mang về hơn 200 triệu cho tập đoàn mẹ Paypal vào năm 2018.
Nội dung nổi bật:
Bối cảnh: Sau khi tốt nghiệp Đại học, Iqram Magdon-Ismail và Andrew Kortina quyết tâm xây dựng một nền tảng chuyển tiền và thanh toán thuận tiện hơn cho giới trẻ.
Kế hoạch: Kết hợp những thứ mà người dùng trẻ tuổi khao khát: Thân thiện, nhanh chóng, tiện lợi, dễ dàng chia sẻ… Venmo trở thành một hiện tượng trong ngành tài chính.
Kết quả: Sau khi gọi được 1,2 triệu USD đầu tư hạt giống, Venmo được Braintree mua lại với giá 26,2 triệu USD. Đến 2014, PayPal cũng mua lại Braintree với mức giá kỷ lục 800 triệu USD.
Đơn giản nhưng tuyệt vời
Chẳng mấy bất ngờ khi ứng dụng đang được giới trẻ Mỹ hết sức yêu mến cũng được nung nấu và xây dựng bởi hai chàng sinh viên vừa tốt nghiệp. Iqram Magdon-Ismail và Andrew Kortina, hai người bạn ở chung ký túc xá tại Đại học Pennsylvania từ lâu đã mong muốn làm chủ sự nghiệp bản thân.
Không lâu sau khi rời trường, cả hai quyết định hỗ trợ một người bạn mở cửa hàng bán yogurt, vì đã quá quen với giao diện thân thiện của công nghệ ngày nay, cả nhóm cảm thấy hết sức “bực mình” với hệ thống bán hàng cực kỳ phức tạp và chậm chạp trên thị trường.
Sau khi bỏ tất cả để đi nghe nhạc jazz giải khuây, cả hai nảy ra ý tưởng về một công cụ mua file nhạc mp3 trực tiếp lúc đang thưởng thức ca nhạc thông qua tin nhắn.
Để xây dựng được mô hình này, Iqram và Andrew quyết định thành lập một công cụ chuyển tiền giữa người dùng bằng tin nhắn, sau đó chuyển sang đầu tư hẳn một ứng dụng để chuyển tiền vì cảm thấy giao diện sẽ thân thiện hơn.
Dồn toàn tâm toàn ý để phát triển, đến năm 2009, Venmo chính thức ra mắt người dùng với một giao diện đơn giản, khuyến khích mọi người chia sẻ thông tin thanh toán của mình như là một status ngắn thường thấy trên Facebook hay Twitter.
Tưởng chừng như Venmo chỉ là một bản “sao chép lỗi” của Facebook, nhưng chỉ sau một năm kể từ ngày ra mắt, Venmo đã nhanh chóng nhận được 1,2 triệu USD tiền đầu tư hạt giống.
Về cơ bản, Venmo ngay lập tức giúp người dùng tránh khỏi những tình huống “khó xử” khi mua sắm, nếu cần chia tiền trong bất cứ dịp gì, mọi người chỉ cần vài động tác trên chiếc smartphone lúc nào cũng “kè kè” bên người.
Lớn nhanh như vũ bão, chưa đầy 12 tháng sau, Venmo đã được startup thanh toán và thương mại Braintree mua lại với giá hơn 26,2 triệu USD. Và đến năm 2014, PayPal đã mua lại Braintree với mức giá kỷ lục 800 triệu USD.
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, hành trình “kỳ diệu” trên của Venmo là nhờ vào khả năng biến thanh toán thành một hành động vừa nhanh, vừa thú vị.
Facebook cho thanh toán?
Đây là tính năng và đồng thời cũng là điểm mạnh lớn nhất của Venmo, tất cả người dùng giờ đây đều có khả năng “khoe khoang” khả năng vung tiền của mình cho thiên hạ.
Không những thế, khách hàng còn có khả năng theo dõi người thân và bạn bè của mình đang tiêu xài như thế nào, dù không có nhu cầu chuyển tiền qua Venmo, nhưng rất nhiều người dùng đã tải ứng dụng chỉ để theo dõi người khác.
Khả năng trở thành một “mạng xã hội tiêu tiền” không chỉ gia tăng số lượng người dùng mà còn khuyến khích những người có mong muốn chứng tỏ bản thân liên tục tiêu xài một cách “ấn tượng” rồi đăng trên Venmo để nhận được nhiều “like”.
Marketing truyền miệng
Khi còn nằm trên bàn giấy, Venmo đã được gán cho khả năng “dễ dàng chia sẻ”. Xuất phát từ chính nhu cầu và thói quen “làm biếng” của hai nhà sáng lập, Venmo được thiết kế sao cho dễ dàng sử dụng, thoải mái và nhanh chóng nhất.
Và một khi đã sử dụng Venmo, người dùng thường khuyến khích những người xung quanh tải chung để dễ “trao đổi”, hành động trên cũng trở nên phổ biến một phần vì số tiền giới thiệu hấp dẫn.
Emoji – Ngôn ngữ của giới trẻ
Trong quá trình giao tiếp ngày nay, giới trẻ thường sử dụng các biểu tượng emoji để khiến câu chuyện trở nên sinh động hơn, hoặc đơn giản chỉ là trình bày ý kiến một cách ngắn gọn.
Nắm được điều này, đội ngũ phát triển của Venmo liên tục tung ra nhiều bộ emoji khác nhau để người dùng có thể thay đổi theo mùa, chẳng hạn như bộ quốc kỳ Mỹ vào ngày 4 tháng 7 vừa qua.
Kể từ đây, các chuyên viên phân tích của Venmo cũng dễ dàng tìm hiểu được mục đích sử dụng của người tiêu dùng, với “pizza” là biểu tượng thông dụng nhất và “thuê nhà” là biểu tượng có số tiền giao dịch trung bình cao nhất.
Venmo kiếm tiền như thế nào?
Sau khi được PayPal mua lại vào năm 2014, Venmo bắt đầu tìm cách “kiếm tiền”, nhưng điều khó khăn là phải giữ được trải nghiệm tốt cho người dùng, một trong những yếu tố đã làm nên thành công của Venmo.
Ngay từ những ngày đầu, khách hàng sử dụng Venmo gần như không mất một khoản phí nào, và các nhà quản lý Paypal quyết định tôn trọng điều đó như một lời cảm ơn gửi đến những người đã tạo nên Venmo ngày nay.
Chính vì thế, Venmo đã thêm 2 tính năng mới là Gametime (đặt vé trực tuyến) và Munchery (đặt món ăn trực tuyến) để khách hàng có thể dễ dàng sử dụng dịch vụ mà không phải thay đổi ứng dụng và tốn một khoản phí nào khác.
Với số lượng khách hàng khổng lồ, PayPal cũng làm việc trực tiếp với doanh nghiệp mong muốn đưa sản phẩm lên nền tảng Venmo và yêu cần họ hỗ trợ một phần hoa hồng trên mỗi giao dịch.
Đối với những đối tác thương mại, “Venmo Touch” sẽ giúp khách hàng Venmo nhanh chóng thanh toán miễn phí ở nhiều nền tảng khác nhau. Đổi lại việc “quảng cáo miễn phí”, Venmo sẽ thu 3% trên mỗi giao dịch từ người bán.
Thông thường, người dùng muốn rút tiền từ túi Venmo sang tài khoản ngân hàng sẽ mất từ 3-5 ngày làm việc, sau khi biết được đây là một điều gây “khó chịu” cho người dùng, Venmo đã tung ra dịch vụ “rút tiền ngay” với mức phí chỉ 1%/giao dịch.
Nếu bạn nghĩ Venmo chỉ đang “đếm tiền lẻ” thông qua mô hình phần trăm kia, thì xin thưa là bạn đã nhầm to. Ước tính trong năm 2018, Venmo đã đem về cho công ty mẹ tổng cộng… 200 triệu USD!
Kết luận
Đơn giản mà hiệu quả, “Venmo” đã trở thành một động từ như “Google” trong đối thoại hằng ngày của giới trẻ. Và khi đã trở thành một phần trong đời sống của hàng chục triệu người, Venmo vừa được marketing truyền miệng một cách miễn phí, vừa sở hữu “nguồn tài nguyên” người dùng để khai thác và đem về doanh thu.
Nhưng điều đáng khen nhất là Venmo luôn đề cao trải nghiệm của người dùng, tất cả những tính năng mang lại doanh thu đều bắt đầu bằng việc gia tăng giá trị cho khách hàng, giữ vững bản chất, khả năng phát triển liên tục và đảm bảo không bao giờ bị “lạc nhịp” với giới trẻ.
Thanh Sang – TTVN