Ưu tiên hàng đầu là xây dựng cơ chế quản lý thử nghiệm FinTech
1. Một hệ sinh thái FinTech nói chung là sự kết hợp tổng hòa của nhiều nhân tố khác nhau nhưng có mối liên kết chặt chẽ với nhau, trong đó 4 nhân tố chính là chính phủ, các tổ chức tài chính, các doanh nghiệp FinTech và khách hàng.
Những thành phần này sẽ có những đóng góp riêng vào sự phát triển của hệ sinh thái FinTech và hoạt động của các công ty FinTech, cũng như được thừa hưởng những lợi ích mà hệ sinh thái sẽ mang lại.
Thứ nhất, Chính phủ đóng vai trò điều tiết, định hướng dẫn dắt và thiết lập một môi trường pháp lý vững chắc nhằm tạo thuận lợi cho sự phát triển của các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực FinTech tại Việt Nam. Trên thực tế, thời gian vừa qua, Chính phủ đã có những hỗ trợ rất tích cực cho các doanh nghiệp khởi nghiệp nói chung và doanh nghiệp FinTech nói riêng.
Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về việc “Tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” và Quyết định số 844/QĐ-TTg về việc phê duyệt “Đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia đến năm 2025”. Đây là tiền đề quan trọng để thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam.
Thứ hai, một thành phần khá quan trọng trong việc thúc đẩy hoạt động FinTech tại Việt Nam là các tổ chức tín dụng. Các công ty FinTech hoạt động thường thiếu những nền tảng khách hàng và kinh nghiệm lâu năm trong việc phục vụ khách hàng, cũng như thiếu các khuôn khổ pháp lý chính thức để hoạt động. Bởi vậy, các công ty FinTech sẽ có cơ hội phát triển hơn nếu có thể hợp tác với các tổ chức tín dụng.
Thứ ba, các doanh nghiệp FinTech với thế mạnh về công nghệ và tư duy đổi mới sáng tạo đã cung cấp cho hệ sinh thái FinTech những ý tưởng, giải pháp công nghệ sáng tạo và đột phá, mang đến cho khách hàng những trải nghiệm mới với các sản phẩm, dịch vụ tiện lợi, chi phí thấp hơn so với các dịch vụ tài chính ngân hàng truyền thống.
Thứ tư, bản thân khách hàng khi đã có kiến thức tốt hơn về công nghệ và sử dụng thành thạo công nghệ sẽ có xu hướng sử dụng các dịch vụ tài chính trên nền tảng công nghệ với trải nghiệm tốt hơn, thân thiện và có chi phí hợp lý hơn.
Như vậy, từng thành phần kể trên đều có vị trí, vai trò khác nhau trong hệ sinh thái FinTech và là nhân tố không thể thiếu để thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của lĩnh vực này tại Việt Nam.
2. Khuôn khổ pháp lý là một trong những thách thức lớn nhất để phát triển hệ sinh thái FinTech ở Việt Nam nói chung và hoạt động của các công ty FinTech nói riêng.
Hiện nay, cơ chế chính sách về lĩnh vực này mới chỉ đáp ứng được một phần cho lĩnh vực thanh toán, những lĩnh vực khác (như huy động và cho vay ngang hàng, công nghệ blockchain/sổ cái phân tán – DLT…) hiện chưa có khuôn khổ pháp lý hoàn chỉnh để quản lý và giám sát.
Kinh nghiệm quốc tế của một số nền kinh tế có hệ sinh thái FinTech phát triển mạnh trong khu vực và trên thế giới (như Singapore, Indonesia, Hồng Kông, Úc…) đã cho thấy, quy định pháp lý luôn đóng vai trò rất quan trọng và là nhân tố then chốt cho sự phát triển của FinTech, hướng đến xây dựng một hệ sinh thái FinTech phát triển lành mạnh, cạnh tranh và bền vững.
Có thể kể đến như khung pháp lý thử nghiệm về FinTech của Cơ quan Quản lý Tiền tệ Singapore (MAS), Cơ quan Dịch vụ tài chính Indonesia (OJK), Ngân hàng Trung ương Thái Lan (BOT), Ủy ban Đầu tư Chứng khoán Úc (ASIC); Khung Giám sát về FinTech của Cơ quan quản lý Tiền tệ Hồng Kông (HKMA)…
Trong bối cảnh của Việt Nam hiện nay, ưu tiên trước mắt là xây dựng một cơ chế quản lý thử nghiệm có kiểm soát (regulatory sandbox) cho lĩnh vực FinTech để thúc đẩy đổi mới sáng tạo các sản phẩm, dịch vụ, hỗ trợ sự phát triển của hệ sinh thái FinTech tại Việt Nam, cũng như hạn chế những rủi ro có thể phát sinh cho khách hàng.
Hiện nay, Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo FinTech Ngân hàng Nhà nước đang hoàn thiện Dự thảo Đề án về cơ chế thử nghiệm này để trình Chính phủ trong thời gian tới.
3. Để đạt được mục tiêu hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về lĩnh vực FinTech nói chung luôn đòi hỏi sự phối kết hợp rất chặt chẽ giữa chủ thể quản lý (các cơ quan quản lý/ngân hàng trung ương) và các đối tượng chịu sự điều chỉnh (các công ty FinTech).
Trong đó, sự tham gia của các công ty FinTech trong việc hoàn thiện cơ chế chính sách đóng vai trò rất quan trọng, cụ thể là các công ty FinTech cần xác định được những khó khăn, vướng mắc gặp phải trong quá trình cung ứng các sản phẩm, dịch vụ trên nền tảng công nghệ hiện đại; hoặc yêu cầu phải được sự cấp phép hoạt động của các cơ quan quản lý/ngân hàng trung ương, cũng như những bất cập về pháp lý hiện nay cản trở hoạt động của các doanh nghiệp…
Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp FinTech cần đưa ra những đề xuất, kiến nghị cụ thể, khả thi với các cơ quan chức năng để xem xét, giải quyết và từ đó nghiên cứu ban hành cơ chế chính sách phù hợp để hỗ trợ hoạt động của các doanh nghiệp FinTech tại Việt Nam phát triển phù hợp với chủ trương, định hướng của Chính phủ (như cơ chế cho phép các công ty FinTech startup được thí điểm/thử nghiệm các sản phẩm, dịch vụ trước khi cung ứng sản phẩm chính thức ra thị trường; miễn trừ giấy phép cho một số loại hình dịch vụ của các công ty FinTech…).
4. Ban chỉ đạo FinTech của Ngân hàng Nhà nước được thành lập vào tháng 3/2017 với mục tiêu đề xuất những giải pháp nhằm hoàn thiện hệ sinh thái (bao gồm cả khuôn khổ pháp lý) để hỗ trợ sự phát triển của các công ty FinTech hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam.
Từ thời điểm thành lập, Ban chỉ đạo FinTech Ngân hàng Nhà nước đã tích cực triển khai nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực như xây dựng báo cáo đánh giá hiện trạng sự phát triển của hệ sinh thái FinTech tại Việt Nam; thực hiện khảo sát trực tuyến đối với hoạt động của các công ty FinTech tại Việt Nam;
Phối hợp với các tổ chức quốc tế như ADB, Microsoft, SWIFT và các đối tác từ Nhật Bản và Hàn Quốc… tổ chức các buổi tọa đàm, hội thảo để chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong quản lý và phát triển lĩnh vực FinTech…
Đặc biệt, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với Dự án Sáng kiến Kinh doanh Khu vực vùng Mê Kông (Mekong Business Initiative) của ADB tổ chức cuộc thi “Thử thách sáng tạo cùng công nghệ tài chính lần thứ nhất tại Việt Nam”(FinTech Challenge Vietnam – FCV)với mục tiêu thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phổ cập tài chính tại Việt Nam.
Cuộc thi FCV năm 2018 đã có kết quả rất ấn tượng khi thu hút được số lượng đăng ký tham gia lớn (141 hồ sơ) của các công ty FinTech trong nước và nhiều nước trên thế giới.
Có thể nói rằng, cuộc thi FCV đã tạo một sân chơi lành mạnh cho các tổ chức khởi nghiệp FinTech có cơ hội giới thiệu các giải pháp sáng tạo, hiện đại trên nền tảng công nghệ thông tin và mang đến những trải nghiệm thú vị cho người sử dụng và xã hội.
Sự kiện này đã tạo tiếng vang tích cực, khẳng định vai trò tiên phong của Ngân hàng Nhà nước trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra rất mạnh mẽ trong các lĩnh vực của nền kinh tế.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước đã ký một số thỏa thuận hợp tác (MoU) về FinTech với Cơ quan Quản lý Tiền tệ Singapore (MAS), Cơ quan Giám sát Tài chính Hàn Quốc (FSC), sắp tới sẽ ký thỏa thuận tương tự với Ngân hàng Trung ương Thái Lan (BOT)… để tăng cường hợp tác phát triển FinTech trong khu vực.
Đồng thời, Ban chỉ đạo FinTech cũng ký MoU với Bộ Khoa học công nghệ, Trung ương Đoàn TNCS HCM về hợp tác phát triển đổi mới sáng tạo tài chính và hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp.
Như đã đề cập ở trên, ưu tiên hàng đầu của Ban chỉ đạo FinTech Ngân hàng Nhà nước hiện nay là xây dựng Đề án về cơ chế quản lý thử nghiệm (sandbox).
Hy vọng trong thời gian tới, khi cơ chế quản lý thử nghiệm này được ra đời, song song với đó là việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho các khía cạnh khác nhau của FinTech, Ngân hàng Nhà nước sẽ hỗ trợ tích cực cho sự phát triển an toàn, lành mạnh của các doanh nghiệp FinTech hoạt động tại Việt Nam.
Nghiêm Thanh Sơn, Vụ Phó Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam