Từ góa phụ 3 con nhỏ, lái taxi, khởi nghiệp ở tuổi 45 và lọt vào danh sách Forbes Ấn Độ
Thay vì đắm mình trong sự tự thương hại, thì Revathi Roy đã cố gắng vượt qua những điều bất hạnh trong cuộc sống của mình và biến chúng thành niềm đam mê đối với kinh doanh.
Một bức chân dung nghiệp dư của nhà văn J.K. Rowling được treo trên một bức tường của cabin chật chội do Revathi Roy sở hữu. Được vẽ cùng bức tranh là dòng chữ in hoa câu nói của nhà văn người Anh: “Rock bottom became the solid foundation on which I rebuilt my life.” (Việc rơi xuống tận cùng trở thành nền tảng vững chắc để tôi xây dựng lại cuộc đời mình).
Roy nói với một nụ cười nở trên môi, chỉnh cặp kính viền đen của cô để đọc câu trích dẫn thành tiếng: “Con trai đã tặng cho tôi bức tranh này. Nó nói với tôi rằng, câu trích dẫn này miêu tả chính xác cuộc đời mẹ.”
Roy đã từng là một bà nội trợ 45 tuổi với 3 con nhỏ khi chồng cô rơi vào trạng thái hôn mê vào năm 2004. Sau 2 năm lo lắng và hóa đơn thuốc thang chồng chất, chồng cô qua đời vì bệnh tật. Cô thành thật chia sẻ: “Tôi thậm chí còn không có tiền để mua thức ăn.” Nhưng thay vì đắm chìm trong sự tự thương hại, Roy cố gắng vượt qua những bất hạnh và bắt đầu xây dựng lại cuộc đời mình.
Thành lập Forsche
Là một người đam mê đua xe – cô từng tham gia và đứng thứ nhì trong cuộc đua dành Women’s Drive ở Lavasa vào năm 2010, Roy đã quyết định biến niềm đam mê của mình thành cơ hội kinh doanh: “Tôi là một người kiêng rượu. Tôi thường là người đưa bạn của mình về nhà sau một buổi tối hội họp bạn bè. Tôi nghĩ là tại sao mình không kiếm sống bằng việc đó”.
Nói là làm, cô mượn một chiếc taxi du lịch từ một người bạn và xin GVK – tập đoàn điều hành sân bay Mumbai – cho cô một vị trí chính thức tại một trong những nhà đón khách ở sân bay. Họ đã đồng ý, và Roy được phép chở khách đến và đi từ sân bay.
Một thời gian sau cô đăng một mẩu quảng cáo trên tờ báo địa phương để kêu gọi các tài xế nữ khác. 2 người khác gia nhập và Roy thành lập công ty “Forsche” – cách chơi chữ với công ty sản xuất xe Porsche và ‘for she’ – đi tiên phong trong dịch vụ xe taxi phụ nữ đầu tiên ở châu Á vào năm 2007.
Roy nhớ lại với một cười tươi: “Chúng tôi từng là 3 người phụ nữ với 3 chiếc taxi. Đó là một niềm vui tuyệt vời. Chúng tôi được truyền thông vô cùng yêu quý. Họ cho chúng tôi lên tất cả các trang bìa.” Sự chú ý đã giúp họ. Công ty tài chính IL&FS ở Mumbai cũng như tập đoàn dịch vụ tài chính của Nhật Bản ORIX đã đầu tư vào Forsche, giúp Roy tăng số lượng taxi lên 30 chiếc.
Tuy nhiên, những bất đồng đã dẫn đến sự rời đi của Roy vào năm 2009. Hiện tại, sau khi được đổi tên là ‘For-She’, công ty này đã ‘xì hơi’. Roy giải thích: “Bạn cần có niềm đam mê thực sự để điều hành một công ty như vậy.” Cô đã sử dụng số tiền thu hồi vốn để thành lập Viira Cabs – dịch vụ taxi ở Mumbai với toàn bộ tài xế là nữ.
Trong vòng vài năm, Roy cũng rời khỏi công ty này: “Khi một công ty đã có thể tự động vận hành, thì ở lại không còn có ý nghĩa gì cả.” Thêm vào đó, trong khi Viira Cabs tiếp tục hoạt động, Roy đã chỉ ra rằng đó là một sai lầm lớn khi mua ô tô và áp dụng mô hình kinh doanh tập trung vào tài sản cố định vì nó rất khó duy trì về lâu dài.
Trở thành CEO của Hey Deedee
Ngành thương mại điện tử ở Ấn Độ đang bùng nổ. Toàn bộ mô hình kinh doanh của Hey Deedee dựa trên việc đáp ứng các nhu cầu logistics của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Đó không phải tất cả. Hoạt động kinh doanh của cô còn tập trung vào nâng cao vị thế cho phụ nữ.
Roy nói: “Những cô gái chúng tôi đào tạo đến từ những gia cảnh nơi mỗi ngày là một cuộc đấu tranh cho sự sống còn. Tôi muốn nâng cao vị thế của họ vơi một kỹ năng để họ có thể độc lập tài chính và được tôn trọng. Nếu tôi có thể làm được điều đó, thì họ cũng có thể.”
Mô hình kinh doanh của Hey Deedee rất đơn giản. Sau 45 ngày đào tạo, bao gồm trong lớp học và thực hành ngoài đường phố, cũng như đào tạo về tiếng Anh cơ bản và phát triển nhân cách, những cô gái giao hàng trả cho công ty này trung bình 30 Rupee/lần giao hàng. Họ thường giao từ 10 – 12 chuyến/ngày. Dịch vụ này hiện đang có mặt ở Mumbai và Bengaluru và có thể là Nagpur trong tương lai.
Quan trọng hơn, mô hình kinh doanh của Hey Deedee không chú trọng vào tài sản cố định. Ngoài các xe 2 bánh được sử dụng cho mục đích đào tạo, công ty này không sở hữu một chiếc xe nào khác. Thay vào đó, Roy liên kết với các tổ chức tài chính để cung cấp các khoản vay cho các cô gái với mức giá hợp lý để mua xe. “Chúng tôi kiểm tra lý lịch các cô gái một cách kỹ lưỡng. Tiền trả góp hàng tháng cũng không phải là một vấn đề vì chúng tôi trả họ 10000 Rupee/tháng.” – Roy nói.
Chi phí đào tạo cho 45 ngày có là 10 000 Rupee/người (khoảng 3,5 triệu VND), nhưng những người được đào tạo chỉ phải trả trước 1500 Rupee/người. Phần còn lại được chi trả bởi Hiệp hội phát triển kỹ năng quốc gia của Maharashtra và quỹ từ thiện của tập đoàn RPG.
Trong vòng 1 năm hoạt động, Hey Deedee đã có 68 nhân viên vận chuyển và 1757 người đang trong các giai đoạn đào tạo khác nhau. Mục tiêu của Roy là đào tạo 15 000 cô gái trong 2 năm tới. Gần đây, công ty của Roy cũng cho ra mắt dịch vụ giao bưu kiện riêng.
Dịch vụ giao hàng không có gì là mới cả, nhưng chính nhiệt huyết và cống hiến của Roy nhằm nâng cao vị thế cho phụ nữ đã tạo nên sự khác biệt và thuyết phục các nhà đầu tư. Sau khi vượt qua bất hạnh của bản thân hơn một thập kỷ trước, cô đã tiếp tục chăm chỉ làm việc. Cô nói nhưng lần này không phải cho bản thân cô, mà là cho các cô gái.
Theo Cafebiz