Quyết định nghỉ việc để ra làm riêng chỉ với 5 triệu đồng nhưng sau 2 năm, chị Phương đã sở hữu 2 cửa hàng với thu nhập khoảng 100 triệu đồng/tháng.

Khẳng định mình có máu kinh doanh từ khi còn đang đi học, chị Lê Thị Phương (SN 1992), quê ở xã Dạ Trạch, huyện Khoái Châu (Hưng Yên) cho biết, ngay từ khi đang theo học Đại học chuyên ngành Quản trị Kinh Doanh chị đã đi theo nghề thị trường và kiếm được tiền từ công việc tiếp thị truyền thông.

Sau khi ra trường, chị đã trải qua hàng loạt công ty, từ công ty sữa, xúc xích đến quản lý đội PG, PB của công ty tiếp thị truyền thông. Tuy nhiên, dù lương cao từ 18-20 triệu đồng/tháng nhưng nhiều công việc đòi hỏi chị phải đi xa. Vất vả, áp lực khiến chị không thể tìm được niềm vui trong công việc.


Chị Phương quyết định ra kinh doanh riêng sau nhiều năm đi làm công ăn lương.

“Tiền lương làm ra đến đâu tôi tiêu hết đến đó, không để ra được đồng nào. Vì vậy, tôi luôn băn khoăn, suy nghĩ phải làm cách nào đó để thay đổi và tìm thấy niềm vui trong công việc”, chị Phương kể.

Bước ngoặt lớn nhất khi chị đi công tác đến các tỉnh ven biển, thấy nguồn hải sản ngon và rẻ, bản thân lại thích ăn hải sản nên chị nghĩ ngay đến việc nhập hải sản về vừa ăn vừa bán.

“Tôi nhớ đợt đó, loại hải sản đầu tiên tôi bán là tôm sắt Quảng Ninh. Không ngờ mọi người ủng hộ nhiều, hàng nhập về bao nhiêu được bán hết đến đó”, chị Phương kể.

Đặc biệt, vào tháng 3/2020, cả nước rầm rộ phong trào giải cứu tôm hùm. Thấy tôm hùm rẻ quá, chị mua về ăn thử và bàn với bạn tìm mối để kinh doanh tôm hùm.

Với 5 triệu có trong tay, chị Phương cùng với bạn tự lên mạng mày mò tìm mối hàng tận Khánh Hòa để nhập về bán. Tiền ít, chị lấy hàng nợ, cọc tiền hàng rồi hết ngày bán xong mới gửi trả cho mối.

Kinh doanh hải sản online khá chạy hàng nên chị Phương quyết định thuê cửa hàng để bán.

Ngày nào hàng nhập về bán hết ngày đó, mỗi kg tôm hùm chỉ lời từ 30-50.000 đồng nhưng ngày nào chị cũng bán được cả tạ. Thậm chí, chị còn vào tận Nha Trang để trực tiếp làm hợp đồng với người nuôi tôm hùm, nhập hàng tận gốc.

Khách ngày một đông, căn phòng trọ không còn đủ sức chứa hàng, chị Phương quyết định đi thuê cửa hàng để bán hải sản.

“Tôi quyết định nhanh lắm. Bảo nghỉ việc bán hàng là nghỉ ngay. Bảo mở cửa hàng là đi tìm mặt bằng và thuê luôn. Cửa hàng đầu tiên tôi mở vào tháng 7/2020 ở Xuân Đỉnh (Bắc Từ Liêm, Hà Nội), tiền thuê nhà hết 4 triệu đồng/tháng, đóng 6 tháng 1 lần. Tiền mua tủ kính và set up toàn bộ cửa hàng hết khoảng 20 triệu đồng”, chị Phương cho hay.

Lượng khách hàng đến mua hàng khá đông, hàng ngày nào được bán hết ngày đó. (Ảnh chụp trước tháng 4/2021).

Ngoài tôm hùm, chị còn nhập thêm các loại cua, ghẹ, ốc hương, hàu, bào ngư, tôm hùm nhập khẩu Alaska, cua hoàng đế… phục vụ đa dạng khách hàng từ bình dân đến cao cấp.

Lượng khách ngày một đông, thậm chí chủ nhà còn thấy chị làm ăn được nên đòi lại mặt bằng. Vì vậy, chị lại đi tìm thuê mặt bằng khác ngay gần đó, đồng thời tiếp tục mở thêm cửa hàng thứ 2 tại Trần Cung (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) với chi phí thuê mặt bằng 6 triệu đồng/tháng, thuê thêm 3 nhân viên bán hàng và nhập thêm các loại hải sản về bán.

“Tôi lựa chọn bán hải sản trong nước và nhập khẩu nhưng hàng nhập khẩu tôi chỉ làm hàng ngộp để giảm thiểu rủi ro, hơn nữa giá lại rẻ, chỉ bằng ½ hàng bơi. Tôi xác định ngay từ đầu, ví dụ như cua hoàng đế hay tôm hùm Alaska đang bơi, nếu chết là mình cũng hết luôn, tỷ lệ rủi ro quá cao. Hơn nữa không phải ai cũng có tiền để ăn hàng tươi sống. Vì vậy tôi đánh mạnh vào mặt hàng này”, chị Phương phân tích.

Ngoài hải sản trong nước, chị Phương còn đẩy mạnh bán hàng ngộp nhập khẩu.

Theo chị Phương, với hàng ngộp, bên chị bao ăn, bao bù 100%. Kho sỉ họ cũng sẽ chịu trách nhiệm khi khách của mình gặp vấn đề về chất lượng hàng hóa. Ngoài ra, chị sẽ cân đối lượng hàng hóa bán trong ngày của từng cửa hàng để tính toán thu – chi dứt điểm ngay khi hết ngày và rút được kinh nghiệm mỗi ngày nếu xảy ra sự cố hàng hóa.

Ngoài bán theo cân, chị Phương còn set up cho nhân viên bán hàng theo từng mâm, từng set cố định. Đối với những set có sẵn này sẽ phục vụ từ hàng mini đến hàng to, từ khách bình dân đến khách cao cấp, tùy nhu cầu của khách.

“Bán hàng cũng bận tối mắt tối mũi nhưng lại mang cho mình niềm vui đặc biệt lắm, mình có thể chủ động ở công việc hơn, khác hẳn cảm giác mình đi làm công ăn lương. Vì vậy, dù ngày nào cũng bơ phờ vì quá đông khách nhưng tôi không hề thấy chán nản”, chị Phương bộc bạch.

Chị còn bán hải sản theo set nhằm phục vụ tối đa nhu cầu khách hàng.

Làm việc với nhiệt huyết, đam mê của tuổi trẻ dám nghĩ, dám làm, vì vậy, hiện tại, với 2 cửa hàng kinh doanh hải sản, mỗi cửa hàng cho doanh thu khoảng 30-50 triệu đồng/ngày. Sau khi trừ chi phí mặt bằng, điện nước, tiền thuê nhân viên cùng các chi phí phát sinh, mỗi tháng chị thu về từ 80-100 triệu đồng.

Nói về dự định của mình trong thời gian tới, cô gái 29 tuổi cho biết, dự định của chị là sẽ đa dạng hơn các mặt hàng tại cửa hàng, đồng thời mở thêm bếp chế biến hải sản để phục vụ được nhiều hơn nhu cầu của khách hàng đồng thời tăng doanh thu, lợi nhuận cho cửa hàng.

THEO HỒNG CẢNH
(Báo Dân Việt)