TP.HCM có lợi thế để trở thành thành phố khởi nghiệp
TP.HCM có thể được xem là bài học rất rõ ràng về mô hình thành phố khởi nghiệp số 1 Việt Nam. Nơi đây đã xây dựng được hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo khá hoàn chỉnh, xây dựng được đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp đông đảo, chất lượng…
Quan điểm được CEO Đặng Đức Thành (Chủ tịch Câu lạc bộ Các nhà Kinh tế, Ủy viên BCH Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – VCCI) chia sẻ tại hội thảo “Thành phố khởi nghiệp” do Viện Kinh tế Việt Nam, Trường Đại học Hoa Sen, Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ TP. HCM và CLB Các nhà Kinh tế tổ chức ngày 05/8/2022.
Theo CEO Đặng Đức Thành, TP.HCM giữ vai trò đi đầu trong nền kinh tế Việt Nam. Thành phố chiếm 0,6% diện tích và 8,34% dân số của Việt Nam, nhưng chiếm tới 20,5% tổng sản phẩm GDP, 27,9% giá trị sản xuất công nghiệp và 37,9% dự án nước ngoài. Tính đến tháng 5/2022, TP.HCM là địa phương có số lượng doanh nghiệp đang hoạt động lớn nhất cả nước (khoảng 268.000 doanh nghiệp trên 866.000 doanh nghiệp đang hoạt động của cả nước, chiếm 31%). Số lượng doanh nghiệp đang hoạt động tại TP.HCM ngày càng tăng qua nhiều năm cho thấy Thành phố có môi trường tốt, thuận lợi để xây dựng và phát triển doanh nghiệp.
Theo diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), có 8 yếu tố hình thành nên hệ sinh thái khởi nghiệp, bao gồm thị trường; nguồn nhân lực; nguồn vốn và tài chính; hệ thống hỗ trợ khởi nghiệp (Mentors, Advisors); khung pháp lý và cơ sở hạ tầng; giáo dục đào tạo; các trường đại học, học viện và văn hóa quốc gia.
TP.HCM được xem là nơi hội tụ đủ các yếu tố và đã xây dựng, hình thành được hệ sinh thái khởi nghiệp tương đối hoàn chỉnh. Đây là tiền đề để TP.HCM trở thành thành phố khởi nghiệp tiên phong của cả nước và trong khu vực.
Xét về yếu tố thị trường, theo CEO Đặng Đức Thành, TP.HCM có hệ thống giao thông, cơ sở hạ tầng, vị trí địa lý thuận lợi, quy mô dân số đông,… Đây là những yếu tố thuận lợi để thu hút đầu tư, sản xuất kinh doanh và phát triển kinh tế.
CEO Đặng Đức Thành trình bày báo cáo Vì sao thành phố Hồ Chí Minh lại là thành phố khởi nghiệp số 1 Việt Nam?
Về nguồn nhân lực, TP.HCM là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực lớn của đất nước, với 53 trường đại học và 49 trường cao đẳng, chiếm tỷ trọng 22,17% cả nước (cả nước có 460 trường đại học và cao đẳng). Đây là “cái nôi” để đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho Thành phố, khu vực và quốc gia, trong đó hầu hết các trường đều có các khoa, môn học chuyên ngành về khởi nghiệp và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Về hệ thống hỗ trợ khởi nghiệp, TP.HCM có 34 cơ sở ươm tạo, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo cũng như 19 không gian sáng tạo đầu tư. Thành phố cũng có khoảng 2.000 startup, trong đó hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin chiếm đến 65%, tiếp đến là lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, chế biến lương thực thực phẩm chiếm 21%. Ngoài ra, Thành phố có nguồn cung cấp Mentors rất lớn, đầy đủ năng lực thực tiễn từ 268.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Đây chính là trường đào tạo doanh nghiệp khởi nghiệp, là nơi tập trung nguồn Mentors rất lớn cho khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp tại TP.HCM và cả nước.
Ngoài ra, dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo TP.HCM vẫn phát triển mạnh mẽ, trở thành cái nôi của cộng đồng khởi nghiệp cả nước. Lượng vốn đầu tư mạo hiểm thu hút được của các startup là hơn 1,1 tỷ USD (chiếm 60% lượng vốn và 70% số thương vụ của cả nước về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo). Thông qua hệ sinh thái khởi nghiệp, Thành phố đã phát triển mạnh mẽ số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở mức cao nhất so với các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Do đó, CEO Đặng Đức Thành cho rằng, TP.HCM rất rõ ràng đã hội đủ các yếu tố của “cái nôi” để trở thành thành phố khởi nghiệp. Nếu bổ sung thêm một số điều kiện khác (ví dụ như sàn giao dịch công nghệ ảo), có thể khẳng định TP.HCM là thành phố khởi nghiệp số 1 Việt Nam.
PGS. TS. Bùi Quang Tuấn trình bày báo cáo Một số vấn đề về hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Đồng quan điểm tại hội thảo, PGS. TS. Bùi Quang Tuấn (Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam) cho rằng, TP.HCM có lợi thế trở thành thành phố khởi nghiệp. Yếu tố lợi thế đầu tiên phải kể đến là quy mô của một thành phố đông dân, dân số trẻ có thể tiếp cận công nghệ tốt. Yếu tố tiếp nữa là khơi dậy tinh thần khởi nghiệp và các yếu tố của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo như môi trường kinh doanh và môi trường đầu tư, văn hóa và thái độ doanh nhân,… Để xây dựng mô hình thành phố khởi nghiệp, theo TS. Tuấn, cần nhấn mạnh các yếu tố quan trọng như rà soát các điều kiện để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; vai trò của nhà nước và môi trường chính sách; kết nối, kích thích tinh thần sáng tạo, nâng tầm văn hóa của TP.HCM như một thành phố khởi nghiệp ở tất cả các mặt, nhưng đặc biệt thiết kế trọng tâm vào một khu vực/lĩnh vực để xây dựng một mô hình cụ thể,…
Hội thảo “Thành phố khởi nghiệp” được tổ chức nhằm thu hút sự tham dự của các chuyên gia hàng đầu Việt Nam và quốc tế, đưa ra những giải pháp – hiến kế cho mô hình thành phố khởi nghiệp tại Việt Nam, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế của TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung.
Hội thảo còn có sự tham gia, phát biểu, trình bày báo cáo của các chuyên gia, doanh nhân trong và ngoài nước như: PGS.TS. Võ Thị Ngọc Thúy (Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen); TS. Võ Trí Thành (Phó Chủ tịch CLB Các nhà Kinh tế, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu cạnh tranh); TS. Nguyễn Anh Tuấn (Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM); bà Thạch Lê Anh (Nhà sáng lập Vietnam Silicon Valley); ông Tero Blomqvist (CEO Kaira Clan và Giám đốc an ninh mạng, IoT và Thành phố thông minh Tampere – Phần Lan); ông Lưu Tường Bách (Chủ tịch HĐQT Quỹ Đầu tư khởi nghiệp Aptus Capital);…
Tại hội thảo cũng diễn ra lễ ký kết thỏa thuận hợp tác 4 bên: Viện Kinh tế Việt Nam, Trường Đại học Hoa Sen, Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ TP.HCM và CLB Các nhà Kinh tế nhằm mục tiêu tăng cường quan hệ hợp tác, phát huy thế mạnh của mỗi bên để huy động rộng rãi các chuyên gia, doanh nghiệp, cá nhân tham gia cộng đồng khởi nghiệp. Qua đó, cùng nhau xây dựng các chương trình mang tính đột phá về công nghệ hiện đại, gắn kết các hoạt động xúc tiến đào tạo, đầu tư nhằm thúc đẩy và nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, sẵn sàng hội nhập quốc tế của doanh nghiệp khởi nghiệp sau này.
Đại diện Viện Kinh tế Việt Nam, Trường Đại học Hoa Sen, Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ TP.HCM và CLB Các nhà Kinh tế ký kết thỏa thuận hợp tác tại hội thảo
Ngoài ra, tại hội thảo, bà Phan Thị Quý Trúc (Phó trưởng phòng Quản lý công nghệ và thị trường công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) cũng giới thiệu về Giải thưởng I-Star 2022 (Giải thưởng Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp TP.HCM).
Theo đó, Giải thưởng Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp TP.HCM là giải thưởng thường niên do UBND TP.HCM chủ trì, Sở Khoa học và Công nghệ là đơn vị triển khai. Đây là hoạt động nhằm góp phần tạo dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, lan tỏa tinh thần đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Đối tượng tham gia giải thưởng gồm 4 nhóm là doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (đối tượng 1), giải pháp đổi mới sáng tạo (đối tượng 2), tác phẩm truyền thông (đối tượng 2) và các tổ chức, cá nhân hỗ trợ (đối tượng 4). Mỗi nhóm sẽ có 3 giải thưởng đồng hạng, mỗi giải trị giá 50 triệu đồng.
Bà Phan Thị Quý Trúc cho biết, qua 4 năm tổ chức (2018 – 2021), I-Star đã có hơn 1.000 hồ sơ của 4 nhóm đối tượng tham gia, trong đó 43 hồ sơ đã được trao giải. Năm 2022, ban tổ chức sẽ nhận hồ sơ tham dự giải thưởng đến hết ngày 31/8. Lễ công bố kết quả và trao giải thưởng sẽ được tổ chức trong tháng 10/2022. Toàn bộ bài dự thi Giải thưởng I-Star 2022 sẽ được ban tổ chức đăng tải công khai và cập nhật liên tục trên website chính thức (www.doimoisangtao.vn/giaithuong2022).
Lam Vân (CESTI)