TP.HCM đề xuất rút ngắn năm học, tự công nhận tốt nghiệp
TP.HCM đề xuất cho phép các trường rút ngắn thời gian học xuống dưới 9 tháng, học sinh ở địa bàn xa xôi được học trực tuyến…
UBND TP.HCM vừa có báo cáo gửi Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội về việc thi hành Luật giáo dục. Liên quan báo cáo này, ông Đỗ Minh Hoàng – chánh văn phòng Sở GD-ĐT TP.HCM – cho biết:
– TP.HCM đưa ra một số vấn đề góp ý sửa đổi, bổ sung Luật giáo dục như cần có định hướng mở trong biên chế năm học (thay vì 9 tháng/năm học như hiện nay); cơ cấu giờ, tiết học cũng linh hoạt (học 1 buổi, 2 buổi hoặc học cả ngày) để tiếp cận xu hướng thế giới và giảm ùn tắc giao thông, phù hợp đặc điểm của địa phương; cho phép sĩ số lớp học linh hoạt theo loại hình trường: trường chuyên, trường tiên tiến – hiện đại, trường bình thường…
* Định hướng mở trong biên chế năm học cụ thể như thế nào, thưa ông?
– Tức là các trường không thực hiện cứng nhắc đủ 9 tháng/năm học mà thời gian có thể rút ngắn, kéo dài hoặc giữ nguyên 9 tháng, tùy từng điều kiện cụ thể. Ví dụ: có học sinh không có nhu cầu nghỉ hè suốt 3 tháng, mà chỉ nghỉ 1-2 tháng hè.
Như vậy, các em có thể đăng ký học trong mùa hè để rút ngắn thời gian hoàn thành chương trình bậc học, sớm tiếp cận bậc học cao hơn. Ngược lại, cũng có học sinh lâm vào hoàn cảnh đặc biệt không thể hoàn thành chương trình năm học trong 9 tháng thì có thể học bổ sung vào thời gian sau đó.
Định hướng mở tức là chuyển hình thức giáo dục truyền thống theo biên chế sang một hình thức khác linh động hơn, phù hợp hơn với từng điều kiện, hoàn cảnh của học sinh và địa phương.
Đây mới là chủ trương mang tính ý tưởng và đang đề xuất, nên tôi chưa thể nói nhiều hơn. Tuy nhiên, có thể hiểu rằng: hình thức giáo dục mới gần giống với hình thức đào tạo theo dạng tín chỉ.
Từ việc thực hiện biên chế mở, TP.HCM cũng đề xuất: Luật giáo dục sửa đổi cần tính toán thêm để đảm bảo tính liên thông trong toàn bộ hệ thống giáo dục quốc dân. Nghiên cứu và luật hóa một số hình thức học tập không chính quy, học qua mạng Internet…
Cho phép cơ chế để các địa phương thí điểm thực hiện một số mô hình trường học mới như mô hình trường tiên tiến hiện đang áp dụng ở TP.HCM. Nếu điều này được thực hiện, học sinh ở bất cứ hoàn cảnh nào cũng được tiếp cận với giáo dục.
* Ông có thể nói rõ hơn việc này?
– Như học sinh ở ấp đảo Thiềng Liềng, huyện Cần Giờ: hiện tại các em phải đi tàu sang xã đảo Thạnh An học tập, rất vất vả và nguy hiểm. Nếu có chương trình học trực tuyến qua mạng thì các em không phải đi đâu cả, ngồi tại Thiềng Liềng và kết nối với một lớp học ở Q.1 với những giáo viên giỏi, thậm chí là giáo viên giỏi nhất TP.
Rồi những gia đình không muốn cho con đến trường, mà tự dạy con ở nhà như báo Tuổi Trẻ từng phản ánh (bài “Nghỉ học phổ thông, tự học ở nhà” – Tuổi Trẻ ngày 2-5-2017), những học sinh thường xuyên phải đi tập huấn ở nước ngoài về thể thao, âm nhạc…
Cơ quan quản lý sẽ có quy định cụ thể về những trường hợp này: học sinh sẽ đăng ký ở đâu để được hướng dẫn và nhận tài liệu tự học ở nhà, bao lâu các em phải lên lớp gặp gỡ, trao đổi với thầy cô giáo, học sinh phải làm gì để được công nhận tốt nghiệp…
* Như vậy, cơ quan nào sẽ công nhận học sinh TP.HCM tốt nghiệp THPT, Bộ GD-ĐT hay Sở GD-ĐT?
– Trong đề án phát triển ngành GD-ĐT TP.HCM đến năm 2020 – tầm nhìn 2030, TP.HCM đề xuất Bộ GD-ĐT cho phép TP tự thực hiện kiểm tra, đánh giá công nhận tốt nghiệp THPT.
Với cơ chế “mở” như đã nói ở trên, Sở GD-ĐT TP sẽ giao quyền tự chủ về giảng dạy cho nhà trường và giáo viên, cho phép các trường chủ động trong việc điều chỉnh thời lượng giảng dạy của mỗi bộ môn trên cơ sở đảm bảo chuẩn kiến thức, kỹ năng; chủ động xây dựng chương trình giảng dạy tích hợp, liên môn và đa dạng hóa việc kiểm tra, đánh giá học sinh…
TP.HCM cũng sẽ có bài thi chuẩn nhằm kiểm tra và công nhận tốt nghiệp THPT cho học sinh trên địa bàn. Bài thi này được tổ chức nhiều lần trong năm để đáp ứng biên chế mở.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Thu:
Nằm trong khuôn khổ thi hành Luật giáo dục
Đề xuất về việc định hướng mở trong biên chế năm học (thay vì 9 tháng/năm học như hiện nay) là đề xuất của UBND TP, nằm trong khuôn khổ văn bản báo cáo về tình hình thi hành Luật giáo dục trên địa bàn TP.HCM.
Đây là tài liệu nhằm phục vụ buổi làm việc giữa UBND TP với đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội trong thời gian sắp tới. Đề xuất này chỉ là một trong số nhiều đề xuất liên quan đến giáo dục của UBND TP.
Tại buổi làm việc với đoàn giám sát, các vấn đề này sẽ được bàn thảo cụ thể hơn. Sở GD-ĐT TP – cơ quan tham mưu cho UBND TP – sẽ là đơn vị giải trình, thông tin cụ thể các đề xuất đó. Theo quy trình thông thường, đoàn giám sát của Quốc hội sẽ ghi nhận, xem xét cụ thể từng đề xuất.
Nếu nhận thấy đề xuất hợp lý, Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội sẽ lắng nghe, ghi nhận thêm ý kiến của các bộ, ngành. Trên cơ sở đó mới có đề xuất cụ thể trình Quốc hội xem xét quyết định.
Hoàng Hương – Vĩnh Hà – Mai Hương (Tuổi trẻ)