Tới 2020, thương mại điện tử Việt Nam có thể cán mốc 10 tỷ USD
Fintech và thương mại điện tử đang là những lĩnh vực sôi động bậc nhất trong làng CNTT Việt Nam. Bên cạnh đó, các lĩnh vực mới như trí tuệ nhân tạo, Blockchain… cũng là mảnh đất màu mỡ, nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Việt.
Sôi động thị trường Fintech
Mới đây, TopDev đã công bố báo cáo toàn cảnh các doanh nghiệp IT tại Việt Nam bao gồm các lĩnh vực: thương mại điện tử, logistics, SAAS, Cloud service, CRM, ERP, Fintech, Martech, Blockchain, AI. Báo cáo được dựa trên các dữ liệu tuyển dụng trên toàn thị trường để đem đến cái nhìn toàn cảnh về các ứng dụng công nghệ góp phần thay đổi cuộc sống đến từ các công ty công nghệ tại Việt Nam.
Những số liệu và thông tin trong bản báo cáo được cung cấp từ các chuyên gia, diễn giả, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp cũng như những thông tin được lựa chọn và tổng hợp từ dữ liệu của TopDev.
Theo báo cáo, Fintech là một trong những lĩnh vực sôi động nhất trong thị trường CNTT tại Việt Nam và khu vực. Thống kê chưa đầy đủ cho thấy từ năm 2017-2018, Singapore có khoảng hơn 490 công ty fintech, Malaysia có 196 công ty, Indonesia là 262 công ty thuộc lĩnh vực này.
Tại Việt Nam, các startup về Fintech phát triển mạnh mẽ từ năm 2015, đặc biệt là tại Hà Nội và TP.HCM. Fintech cũng là danh sách hiếm hoi có sự góp mặt các startup Việt đạt tầm thế giới như Momo lọt trong Top 100 fintech thế giới và ứng dụng số 1 thế giới về quản lý chi tiêu Money Lover. Một vài công ty đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo và khoa học dữ liệu vào sản phẩm dịch vụ, đi vào cuộc sống thường ngày của rất nhiều người như FEcredit, Tima và Trusting Social.
Dự báo thị trường Fintech Việt Nam sẽ đạt mức 7,8 tỷ USD vào năm 2020
Các chuyên gia từ Solidiance dự đoán, đến năm 2020, thị trường Fintech Việt Nam sẽ đạt mức 7,8 tỷ USD. Tuy nhiên, nếu so với các quốc gia khác trong khu vực con số này còn rất khiêm tốn.
Cùng với Fintech, các số liệu cũng cho thấy thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam đang sôi động hơn bao giờ hết. Để triển khai một chiến dịch marketing hoặc bán hàng, luôn có những nền tảng giúp doanh nghiệp tiếp cận người dùng cuối dễ dàng và tiện dụng chỉ với vài cú click chuột.
Theo số liệu từ Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cuối tháng 9/2018, doanh thu thương mại điện tử trong năm 2017 của Việt Nam đã đạt 6,2 tỉ USD, tăng trưởng 24% so với cùng kỳ năm trước. Bởi vậy, thương mại điện tử Việt Nam được nhiều chuyên gia đầu tư xem là một thị trường đầy hấp dẫn với quy mô dự đoán có thể đạt 10 tỷ USD vào năm 2020.
Nhiều tiềm năng từ Blockchain, trí tuệ nhân tạo
Các công nghệ, lĩnh vực mới như Blockchain hay trí tuệ nhân tạo cũng được đánh giá là những thị trường có nhiều cơ hội, tiềm năng cho các doanh nghiệp Việt.
Blockchain được xem là giải pháp quan trọng cho các giao dịch đòi hỏi sự minh bạch, điều khó có thể có trong thế giới internet xưa cũ, nơi dữ liệu và quyền hành tập trung ở một số tổ chức.
Theo các chuyên gia đến từ IBL (Infinity Blockchain Labs), thị trường hiện nay đã có hơn 430.000 dự án opensource và 800 công ty khởi nghiệp lớn nhỏ trên thế giới hoạt động trên nền tảng Block-chain. Ở ngành công nghiệp tài chính – thanh toán, Blockchain được dự đoán sẽ đạt giá trị 20,3 tỷ USD vào năm 2030.
Các doanh nghiệp CNTT đang hoạt động trong lĩnh vực Blockchain tại Việt Nam
Với lực lượng kỹ sư hùng hậu, chịu khó học hỏi và sẵn sàng đón nhận cơ hội mới, Việt Nam được xem là một trong những blockchain hub mới nổi ở khu vực. Đa số các sản phẩm và thị trường của các doanh nghiệp ứng dụng blockchain là hướng đến global với các hoạt động và sản phẩm nổi bật đang nỗ lực đưa blockchain vào cuộc sống.
Khảo sát mới đây cho thấy có đến hơn 73% công ty công nghệ đang có ý định ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào các sản phẩm của mình. Con số trên cho thấy tiềm năng rất lớn của thị trường này.
Với sự phát triển của các nền tảng (OpenAI, OpenCV, TensorFlow, Caffe…), vấn đề về thuật toán không còn quá khó khăn, phần còn lại là có đủ dữ liệu để trí tuệ nhân tạo phát huy tác dụng. Điều này cũng khiến cho nhu cầu về nhân sự trong ngành này hiện cũng đang ở mức báo động.
Kết quả khảo sát của Vietnamworks cho thấy các nhà tuyển dụng sẵn sàng chi trả mức lương trung bình hơn 2.200 USD/tháng cho nhân sự có chuyên môn về Blockchain và hơn 1.800 USD/tháng với trí tuệ nhân tạo.
Mức lương nhà tuyển dụng sẵn sàng chấp nhận theo các chuyên môn, kỹ năng trong ngành phần mềm (Nguồn: Vietnamworks)
Cùng với đó, EdTech tại Việt Nam đang chứng tỏ là thị trường hấp dẫn khi đã đón nhận khoảng đầu tư khoảng 55 triệu USD.
Là một trong những xu hướng phát triển tốt và có doanh nghiệp đã hoạt động khá lâu trong ngành như Topica, nhưng các chuyên gia đánh giá EdTech vẫn chỉ đang trong giai đoạn sơ khai tại Việt Nam. Chỉ có chưa tới 5% số dân công sở có sử dụng một trong các dịch vụ giáo dục online, Edtech cho thấy đây vẫn còn là một thị trường rộng lớn đang chờ được khai phá.
Phạm Sơn – Khampha.vn