Thương mại hóa bằng sáng chế – Con đường thành công của Startup T-Farm
“Sáng chế là hành trình từ ý tưởng đến thị trường, vì thế mình cần hợp tác với các đối thủ, biến họ thành bạn hàng, là người giúp mình, thì tất cả sẽ cũng sẽ có lợi”.
Phạm Anh Tuấn, 29 tuổi, CEO startup T-Farm vừa giành Quán quân cuộc thi Startup Wheel, đã chia sẻ như vậy khi nói về hành trình từ ý tưởng đến bằng sáng chế và thương mại hóa bằng sáng chế với dự án khởi nghiệp của mình.
T-Farm của Tuấn có câu slogan rất ấn tượng “Mang cả khu vườn vào căn nhà của bạn”. Đây là một hệ thống thiết bị kỹ thuật tự động tích hợp vào kiến trúc căn nhà giúp người dùng có thể trồng bất cứ loại rau, củ, quả, cây dược liệu… Hệ thống sẽ tự động điều chỉnh môi trường (giả lập khí hậu và thổ nhưỡng) cho phù hợp với loại cây do gia chủ lựa chọn và nuôi dưỡng cây phát triển. Theo đó, T-Farm sẽ cung cấp thực phẩm sạch, mảng xanh trang trí, lọc không khí, cung cấp ô xy tươi (vì cho cây quang hợp về đêm)… ngay chính trong ngôi nhà của bạn.
Trong cuộc trò chuyện với Tạp chí Khám phá, Tuấn mong muốn chia sẻ về hành trình 3 bước “ý tưởng – bằng sáng chế – thương mại hóa” của mình để nhắn nhủ với các bạn trẻ, mỗi ý tưởng sẽ chỉ có giá trị khi biết hợp tác và chia sẻ giá trị, chất xám với người khác.
Phạm Anh Tuấn đã có những chia sẻ về hành trình từ sáng chế đến thị trường. Đây là vấn đề rất nhiều bạn trẻ khởi nghiệp quan tâm.
Nhiều bạn trẻ hiện nay rất sợ chia sẻ ý tưởng của mình với người khác, họ sợ bị đánh cắp, bị sao chép. Theo bạn, tại sao vậy?
Khi một ai đó muốn được chia sẻ về ý tưởng, sáng chế, suy cho cùng là họ quan tâm và muốn cùng phát triển. Cần xác định rõ, họ gặp vì mục đích gì. Nếu là mục đích kinh doanh, thì chỉ biết về kinh doanh là đủ. Và nếu họ đến vì mục đích cùng tạo sản phẩm, thì chỉ cần nói về chuyện kỹ thuật. Cần phải có sự rõ ràng ngay từ đầu như vậy.
Với T-Farm, chúng tôi nhận thức rõ ràng rằng, khi đã có ý tưởng và thực thi ý tưởng thì thị trường sẽ cực kỳ rộng lớn. Chúng tôi xây dựng hệ thống tự động hóa để có thể mang cả khu vườn vào nhà – điều mà thế giới chưa có ai làm cả. Chúng tôi là những người đầu tiên trong ngành nghề này vì thế, chúng tôi cần có nhiều nhiều bạn hàng hơn.
Đó là lý do chúng tôi cần hợp tác để càng nhiều người làm thì thị trường càng rộng, càng có nhiều người hưởng thụ hơn. Khi đã trở thành một ngành rồi thì giá thành sản phẩm giảm xuống. Nhà sản xuất, nhà phân phối, khách hàng cùng hưởng lợi.
Tại sao bạn không giữ để mình ở thế độc quyền. Bạn không sợ đối thủ cạnh tranh với nguồn lực dồi dào hơn, tài chính mạnh hơn sẽ “đè” chết mình?
Kinh doanh độc quyền là chết. Mình có nhiều bạn hàng thì mình có nhiều sự hỗ trợ hơn. Vì đây là một ngành mới, nên các công đoạn làm khuôn, chi tiết máy… sẽ không có sẵn linh kiện ở ngoài. Vì thế mình không thể nào bứt lên được. Khi tạo ra ngành rồi, tức là có nhiều nhà sản xuất, cung cấp nguyên liệu, thì mọi thứ nó rất dễ dàng. Thị trường rất lớn, đừng nghĩ nó nhỏ mà mình có thể chiếm lĩnh hết. Chia sẻ thì mọi thứ đến với mình hơn.
Có bạn hàng rồi thì có cuộc chơi chung, tất cả các bên đều được hưởng lợi. Nếu độc quyền, một mình chúng tôi chỉ có thể làm phục vụ 10 khách hàng với giá 5 đồng. Nhưng khi có nhiều bạn hàng hơn thì có thể có 1.000 khách hàng và giá rẻ hơn chỉ 1 đồng. Nhưng tổng doanh thu của chúng tôi sẽ tăng lên nhiều lần. Thế giới đã tiến tới mô hình kinh tế chia sẻ, hãy bỏ suy nghĩ là mình là người độc quyền. Làm ăn phải luôn có sự đối kháng mới phát triển được.
Nhưng có nhiều nhà cung cấp, nhiều người cùng sản xuất, thì đâu là giá trị cạnh tranh của mình?
Đó là sự luôn lắng nghe khách hàng và đổi mới sản phẩm của mình. Tôi nghĩ rằng, lắng nghe khách hàng luôn là “chìa khóa” cho sự đổi mới. Trước đây, tôi làm thiết bị giả lập khí hậu với mong muốn phá vỡ đặc trưng vùng miền. Cụ thể, sâm Hàn Quốc chỉ có Hàn Quốc, sâm Ngọc Linh chỉ trồng ở Quảng Nam…
Khi giả lập được hoàn toàn khí hậu và thổ nhưỡng ở vùng đó, đồng nghĩa với việc những sản phẩm này có thể trồng ở bất cứ đâu. Nhưng khi đưa ra sản phẩm, tôi mới nhận ra là chưa có nhiều người cần sản phẩm này.
Nhìn lại vấn đề, chúng tôi thấy thị trường quá nhỏ, chưa đủ độ lớn. Tôi quay lại bài toán làm thị trường lớn hơn. Đi lắng nghe khách hàng, tôi thấy họ cần máy trồng cây, trồng rau sạch trong nhà. Phân tích tiếp, chúng tôi thấy trồng rau sẽ phải cạnh tranh rất nhiều với các máy trồng rau bây giờ.
Vì thế, chúng tôi mở tiếp thị trường máy trồng được gia vị, dược liệu, hoa… giống hệt khu vườn mang vào trong nhà, người ta thích gì trồng đó. Thậm chí khách hàng không cần biết gì về nông nghiệp cũng trồng được vì hệ thống hoàn toàn tự động.
Và cũng chính khách hàng giúp chúng tôi đổi mới, sáng tạo hơn. Khi khách hàng sử dụng sản phẩm và bắt đầu đòi hỏi những cải tiến mới, tức là thị trường đang cần cái đó. Nhà sản xuất cần đổi mới công nghệ để đáp ứng nhu cầu khách hàng. Vì mỗi sản phẩm chỉ có vòng đời nhất định, không ai hấp thụ mãi được. Khách hàng chính là người chỉ cho startup của mình đi ra sao. Triết lý của chúng tôi là luôn thay đổi và thích nghi để theo đuổi mục tiêu.
Mọi sự thay đổi lấy nền tảng từ công nghệ lõi của chúng tôi, là giải pháp mà chúng tôi đã đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ tại Mỹ. Từ công nghệ lõi này, chúng tôi cải tiến, phát triển sản phẩm ở mức độ cao hơn. Vì thế, bằng sáng chế đóng vai trò rất quan trọng giúp chúng tôi mở cánh cửa thị trường.
Nhưng không phải ai cũng có thể thương mại hóa sáng chế thành công. Hành trình từ ý tưởng đến thương mại hóa sáng chế của anh diễn ra như thế nào?
Các bạn trẻ khi làm nghiên cứu phải đi tìm cho mình mục đích lý tưởng sống, phải nhìn thấy những vấn đề xung quanh mình và phải xác định mình phải là người giải quyết những vấn đề đó. Từ đó, các bạn sẽ đưa ra được những giải pháp phù hợp.
Tôi từng phải nằm bệnh viện 4 tháng trời vì một tai nạn làm chấn thương cột sống, và xương cổ. Quãng thời gian ở trong bệnh viện giúp tôi nhận ra cuộc sống hiện tại có nhiều vấn đề như ô nhiễm môi trường, thực phẩm bẩn, biến đổi khí hậu… trở nên thực tế hơn ngay trước mắt mình. Điều đó xuất phát từ sự gia tăng dân số.
Tôi bắt đầu nghĩ đến giải pháp giúp không khí trở nên sạch hơn, luống rau trở nên tươi hơn, an toàn hơn, cho cộng đồng bằng một hệ thống khu vườn trong gia đình. Tôi tin sản phẩm của mình sẽ có thị trường.
Sau đó, hãy tìm những người cùng tầm nhìn với mình. Tôi đã tìm những người thích mảng xanh và có tấm lòng mang đến những giá trị cho cộng đồng như mình. Như vậy việc hợp tác sẽ tốt hơn, họ sẽ nhiệt tình hơn để cùng mình gầy dựng dự án.
Anh Duy Bùi (CEO của DB Home) chính là người đi cùng tôi trong những ngày đầu tiên sản phẩm thương mại hóa. Anh Duy là một người yêu thích yêu thích mảng xanh, thích đưa cây cỏ vào nhà, sống cùng thiên nhiên như tôi. Sang tháng 10, chúng tôi bắt đầu bàn giao 100 máy trong Dự án 1.000 căn hộ chung cư tại Quận 2 mà hai bên đang thực hiện.
Chúng tôi đang trong quá trình gọi vốn, để chuyển mô hình từ đặt hàng sang sản xuất tồn kho. Việc làm này giúp chúng tôi có số linh kiện lớn, sản xuất hàng loạt, khách hàng có mức giá tốt hơn, nhà phân phối có nhiều hoa hồng hơn. Phát triển để hợp tác là điều mà chúng tôi luôn hướng tới.
Hà An