TMĐT có thể nói là tuyến ‘mặt trận’ khốc liệt nhất trên thị trường nền tảng trực tuyến hiện nay. Các doanh nghiệp TMĐT tại Việt nam hiện đang phải ‘vật lộn’ chèo chống trước những con sóng đổi thay không ngừng của thị trường và trước sự ganh đua sát nút của đối thủ. Tuy nhiên, cứ nhìn những tấm gương thành công rực rỡ như Amazone, Ebay hay Alibaba trên vũ đài TMĐT thế giới, hẳn sẽ thấy dễ hiểu tại sao mặt trận này đầy khó khăn khốc liệt nhưng vẫn đầy sức hấp dẫn bởi ‘phần thưởng’ cho người chiến thắng là vô cùng  xứng đáng.

Những cuộc ‘ganh đua’ tốn kém

Sau những màn rót vốn khổng lồ vào các trang TMĐT của các ông lớn, đợt này hoành tráng hơn đợt trước, trang này gây sốc hơn trang kia, người ta đã phải kết luận rằng đây là ‘cuộc đua nướng tiền’ của các đại gia. Những sàn TMĐT lớn nhất hiện nay như Lazada, Shopee, Tiki, Sendo… đều thua lỗ trong nhiều năm và dự báo sẽ còn tiếp tục thua lỗ, nhưng vẫn tiếp tục được rót tiền đầu tư mở rộng không ngừng.

Shopee, ngôi sao lớn nhất vừa dành vị trí dẫn đầu của Lazada trong vài tháng gần đây, đã huy động được hơn 4 tỷ USD cho công cuộc chinh phục thương mại trực tuyến kể từ khi thành lập vào tháng 8 năm 2016. Dù năm 2017 lỗ lũy kế lên tới hơn 600 tỷ, nhưng chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2018, công ty mẹ vẫn tiếp tục bơm thêm 1.200 tỷ vốn điều lệ cho Shopee Việt nam, và ngay lập tức số tiền này được chi cho các chiến dịch để giành ‘ngôi vương’ trong ngành.

Lazada bị mất ngôi vị đứng đầu từ tay Shopee, tất nhiên không thể buông xuôi chịu trận. Năm 2018 tập đoàn Alibaba đã rót thêm 2 tỷ USD vào Lazada và dự kiến sẽ tiếp tục rót thêm con số đó trong năm 2019 để đua tranh giành lại vị thế số 1, vị thế mà Lazada cũng vất vả mãi mới giành lại được từ tay Thegioididong hồi cuối năm 2017 sau khi chấp nhận con số lỗ lên đến hàng nghìn tỉ đồng mỗi năm.

Không chịu thua kém hai ‘tay đua’ hàng đầu, Tiki cũng tiếp tục được ‘nạp nhiên liệu’ để tăng sức cạnh tranh bằng con số hàng trăm triệu USD trong năm 2018, sau khoản rót vốn gần 50 triệu USD của nhà đầu tư JD năm 2017. Dự kiến năm 2019, Tiki sẽ tiếp tục gọi rót vốn thêm với quy mô khoảng 50-100 triệu USD.

Khiêm tốn hơn chút, khi chỉ ‘dám’ gánh mức lỗ khoảng hơn 100 tỉ mỗi năm, nhưng giữa 2018 Sendo cũng đã huy động thêm 50 triệu USD từ các nhà đầu tư để tiếp tục tham gia cuộc đua tốn kém.

Các ông lớn khác như thegioididong, adayroi, dienmayxanh… cũng ‘ném’ vào hàng trăm tỉ đồng để tăng sức cạnh tranh,  nhưng do đặc thù mặt hàng của các trang này chủ yếu là thiết bị điện tử, nên lượt truy cập cũng như độ phổ biến sẽ dần bị các đối thủ trên vượt mặt. Bằng chứng là thegioididong sau 1 năm đứng đầu đã mất về tay Lazada và giờ xem như không còn cơ hội trở lại ngôi số 1.

Và tất nhiên, trong cuộc ganh đua tốn kém này, nhiều sàn TMĐT không đủ tiềm lực đã phải bán mình hoặc lặng lẽ ra đi.

Cạnh tranh quyết liệt

Rót số vốn lớn cũng đồng nghĩa với việc chi khủng cho các chiến dịch marketing, khuyến mại, lôi kéo người dùng, nâng cấp chất lượng website, cải thiện chất lượng dịch vụ… Các trang TMĐT so kè với nhau các hoạt động này hàng tuần, hàng tháng, thậm chí hàng giờ.

Nếu Lazada đi theo hướng của Amazone, triển khai hệ thống kho bãi tự đóng gói hàng hóa và giao hàng, thì Shopee và Sendo học theo cách của Alibaba, để người bán chủ động lo liệu đóng hàng và giao hàng. Mỗi hình thức đều có những thế mạnh khác nhau và tất nhiên, trang nào cũng tích cực khẳng định lợi thế của mình.

Giá cả sản phẩm – tiêu chí được đánh giá là tối quan trọng đối với người mua hàng online, cũng là mặt trận mà các doanh nghiệp TMĐT cạnh tranh khốc liệt nhất. Và nguồn vốn khổng lồ được sử dụng phần lớn vì mục đích đạt được mức giá cạnh tranh so với đối thủ. Hầu như các sàn TMĐT ban đầu đều không thu phí thường niên hoặc phí gian hàng từ người bán, mà tự chịu tất cả các chi phí xây dựng, phát triển, quảng bá website.

Phí vận chuyển, giao hàng được hỗ trợ giảm thiểu, chẳng hạn Lazada tự vận hành giao hàng để giảm phí, còn Shopee, Tiki có các chính sách hỗ trợ chi phí vận chuyển, sendo cũng thường có gói khuyến mại cước vận chuyển, trong khi thegioididong hay adayroi giao hàng miễn phí.

Tóm lại, cứ khi một đối thủ có chiến lược để giảm giá thành, ngay lập tức các công ty kinh doanh TMĐT khác cũng sẽ tung chiêu để mình có lợi thế cạnh tranh tương tự.

Quảng bá, khuyến mại, chăm sóc khách hàng, mở rộng nhà cung cấp, mở rộng các kênh bán hàng…, vô số các hoạt động kinh doanh khác của các trang TMĐT cũng đều cạnh tranh với nhau quyết liệt ở mọi thời điểm.

Chẳng hạn vào ngày được coi là số đẹp, 9 tháng 9 năm 2018, khi shopee tung ra chiến dịch “9.9 ngày mua sắm với 99.999 ưu đãi” thì Sendo cũng có “deal sốc 99.000” và ngay lập tức Lazada xuất hiện chương trình “9/9 – Trải nghiệm cực đỉnh, giảm giá đến 50%”. Thậm chí bất kể lúc nào trên các trang TMĐT cũng có những chương trình khuyến mại, những chiến dịch marketing hấp dẫn, không để mình ‘thua kém’ đối thủ.

Tương lai lạc quan

Dù con số lỗ khổng lồ trên kia cùng sự cạnh tranh quyết liệt của các trang TMĐT khiến bất kì doanh nghiệp nào muốn bước chân vào ngành này cũng phải e dè, nhưng viễn cảnh ngành TMĐT Việt nam không hề bi quan, ngược lại vẫn được đánh giá bằng những gam màu sáng.

Mức tăng trưởng hàng năm và kì vọng tăng trưởng của ngành TMĐT là con số mơ ước của rất nhiều ngành nghề khác. Cuộc chơi khó khăn nhưng cũng đã dần định hình các tên tuổi trong ngành và mỗi trang TMĐT tồn tại đến giờ này đều đã xác định được những chiến lược riêng để phát triển.

Nghiên cứu của Google và quỹ đầu tư Temasek hồi tháng 11/2018 cũng nhận định ngành thương mại điện tử Việt Nam từ nay đến năm 2025 sẽ đạt mức tăng trưởng lên tới 43%, cao nhất trong các nước Đông Nam Á.

Qui mô giao dịch TMĐT có thể lên tới trên 25 tỉ USD trong 5 năm tới và lượng khách hàng giao dịch TMĐT có thể lên tới 50% dân số. Những con số này và những thành công của các trang TMĐT lớn thực sự là liều thuốc kích thích lớn để các sàn TMĐT nỗ lực bước qua những khó khăn hiện nay để tiến về phía trước.

Tất nhiên, phía trước càng huy hoàng, con đường đi đến sẽ càng khó khăn. Chắc chắn những năm tới thị trường sẽ còn chứng kiến những màn rượt đuổi thú vị của đủ mọi nền tảng TMĐT, những màn vung tiền của các ông lớn sẽ còn tiếp diễn, và những màn ‘luồn lách’ tìm thị trường của các trang nhỏ cũng sẽ vẫn hết sức sôi nổi.

Dù kết quả thế nào, phía trước cũng là những điều thú vị, đáng để người tiêu dùng như chúng ta trải nghiệm và chờ mong.