Thương mại điện tử ở Việt nam: Phần 1 – Trên đà bứt tốc
Tuy còn khá mới mẻ và nhỏ bé so với các cường quốc TMĐT khác, hoạt động TMĐT ở Việt nam vẫn được đánh giá đầy triển vọng trong giai đoạn chạy đà để bắt nhịp đường đua cùng các quốc gia TMĐT phát triển. Ở giai đoạn chuẩn bị bứt tốc này, thị trường chứng kiến những biến đổi mạnh mẽ nhưng cũng hết sức thú vị. Các tên tuổi lớn đã xuất hiện, vài ‘tay đua’ yếu sức đã buông tay, khối lượng giao dịch ngày một lớn với tốc độ gia tăng liên tiếp đạt kỉ lục, các đặc tính của người tiêu dùng cũng như của thị trường đang dần hình thành rõ nét.
Giao dịch tăng nhanh
Hiếm có ngành nào đạt được tốc độ tăng trưởng ngoạn mục như TMĐT trong cả thập niên gần đây. Đặc biệt giai đoạn 2015-2018 là thời gian TMĐT Việt nam có sự bứt phá mạnh mẽ, chỉ trong vòng 3 năm doanh số đã tăng gấp đôi từ 4 tỉ lên 8 tỉ USD.
Giao dịch tăng nhanh đến mức các mốc kế hoạch hay kì vọng đặt ra liên tục được dỡ bỏ để thay thế bằng các con số mới ấn tượng hơn.
Nếu như trước đây người ta kì vọng tốc độ tăng trưởng TMĐT hàng năm ở tầm 18-25% thì năm 2018 con số này đã là 30% và vì vậy nhận định đã thay đổi: tốc độ tăng trưởng dự tính từ năm 2020 sẽ là trên 40%. Con số 10 tỉ USD doanh thu từng kì vọng cho năm 2020 cũng sẽ dễ dàng đạt được vào năm 2019 và hiện giờ ước tính cho năm 2020 đã được nâng lên mức 12 tỉ USD!
Biểu đồ: Doanh số TMĐT Việt nam 5 năm gần đây.
So với các quốc gia TMĐT phát triển, khối lượng giao dịch TMĐT của Việt nam vẫn còn khá khiêm tốn, tuy nhiên trong qui mô khu vực Asean, cái tên Việt nam cũng đã lọt top đầu. Báo cáo gần đây của iPrice cho thấy danh sách 10 trang thương mại điện tử có lượng truy cập cao nhất khu vực ASEAN trong năm 2018 có tới 5 trang hiện đang có mặt ở Việt nam, đó là Lazada, Shopee, Tiki, Thegioididong và Sendo.
10 trang web có lượt truy cập cao nhất khu vực Asean năm 2018. Nguồn: Iprice
Về qui mô thị trường, Việt Nam đã vượt qua Thái Lan và chỉ còn đứng sau Indonesia trong số các nước Asean. Tuy nhiên, với tốc độ tăng trưởng cao như hiện nay, Việt nam sẽ nhanh chóng vượt qua cả Indonexia để trở thành quốc gia có ngành TMĐT đứng đầu.
Định hình danh sách ‘cá mập’
Với thị trường được đánh giá đầy tiềm năng như vậy, không khó hiểu khi cuộc chiến giành thị phần tại Việt nam cũng hết sức quyết liệt với sự tham gia của nhiều cá mập đầy kinh nghiệm và tiềm lực. Danh sách những trang giao dịch TMĐT hàng đầu đã dần được định hình, đồng thời số thương hiệu nhỏ, tiềm lực yếu phải rời bỏ thị trường cũng không hề ít.
Đứng đầu danh sách trang TMĐT có lượng truy cập lớn nhất hiện nay là Shopee, trang web của công ty mẹ SEA (Singapore) với tổng lượng truy cập lên tới gần 35 triệu lượt mỗi tháng. Doanh số chủ yếu của Shopee đến từ các mảng thời trang, làm đẹp, thực phẩm. Bám theo sát nút là Lazada, Tiki với lượt truy cập trên dưới 30 triệu lượt/tháng.
Ngoài ra những cái tên như Sendo, Thegioididong, Adayroi cũng đang bứt phá mạnh mẽ với lượt truy cập không ngừng tăng lên. Mỗi trang định hình cho mình những lợi thế cạnh tranh riêng, chẳng hạn Thegioididong chuyên và đứng đầu trong mảng công nghệ, điện máy, còn Tiki tập trung chinh phục khách hàng và luôn quảng bá là website đứng đầu về mức độ hài lòng của khách hàng, trong khi Shopee và Lazada đẩy mạnh ‘phủ sóng’ đến mọi phân khúc khách hàng khắp đất nước.
Top website TMĐT lớn nhất 2018 phân theo loại sản phẩm. Nguồn: iPrice
Điều đặc biệt là trong Top 5 trang TMĐT lớn nhất hiện nay, tất cả đều có dòng vốn ngoại, trừ trường hợp Adayroi của tập đoàn Vingroup. Không loại trừ khả năng Adayroi cũng sẽ có lúc cơ cấu lại và huy động thêm nguồn vốn từ bên ngoài. Chỉ riêng điều này cũng đủ cho thấy ngành TMĐT không hề ‘dễ xơi’, chiến thắng dường như chỉ nằm trong tay những công ty có nguồn vốn cực kì dồi dào và kinh nghiệm kinh doanh TMĐT cũng như năng lực công nghệ cực lớn.
Đó cũng là lý do nhiều trang web không đủ tiềm lực đã phải lặng lẽ đóng cửa hoặc bán mình, như Deca, Lingo hay Foodpanda. Thậm chí vài sàn TMĐT còn không thể ra đi lặng lẽ, như trang Beyeu đã phải để lại lời nhắn đầy tâm tư khi rời đi: ‘Thương mại điện tử cần rất nhiều tiền. Nhiều công ty quyết định không đốt tiền nữa. Chúc may mắn cho những người đang tiếp tục cố gắng”.
Các đặc tính khác
Bên cạnh qui mô, tiềm năng thị trường, các thành phần chính tham dự như trên, bức tranh tổng thể cho thấy một TMĐT Việt nam đang mạnh mẽ trở mình, bứt phá tốc độ còn được phác họa bằng nhiều yếu tố khác.
Kinh tế vẫn được dự báo đạt mức tăng trưởng cao trên 6% trong các năm tới, lượng người sử dụng internet và điện thoại thông minh ngày một tăng và có thể lên tới trên 70% dân số là những chỉ báo hết sức tươi sáng hỗ trợ cho sự tăng tốc của TMĐT. Đặc biệt chi tiêu của người dân qua TMĐT mới chỉ đạt trên 4-5% tổng mức tiêu dùng hàng năm cho thấy còn cả một nguồn lực dồi dào to lớn phía sau mà các doanh nghiệp TMĐT có thể khai thác.
Các mặt hàng chính trong giao dịch TMĐT khá ổn định qua các năm, chủ yếu là điện tử, đồ chơi, sách, mỹ phẩm, giày dép, quần áo, gia dụng, vé các loại… Thế hệ khách hàng chủ lực là người trẻ nhưng có xu hướng ngày càng mở rộng. Thói quen trực tiếp mua sắm để được ‘thấy, sờ, thử’ vẫn còn khá phổ biến.
Thanh toán bằng tiền mặt khi nhận hàng vẫn là chủ đạo với trên 75% lượng giao dịch. Mạng xã hội ngày càng phổ biến trở thành một kênh bán hàng hữu ích đối với các doanh nghiệp, đồng thời cho phép các cá nhân nhỏ lẻ tham gia bán hàng trực tuyến khá dễ dàng.
Tất cả các yếu tố này tạo nên một môi trường TMĐT đa dạng, nhiều yếu tố biến động nhưng cũng không quá khó nắm bắt, và đó vừa là cơ hội nhưng đồng thời cũng là những là những thách thức rất lớn đối với các doanh nghiệp TMĐT.
Cũng giống như chạy đua trong thể thao, cuộc bứt tốc của TMĐT Việt nam đòi hỏi các doanh nghiệp phải nỗ lực hết cỡ, vượt lên đối thủ, vượt qua các chướng ngại vật trên đường, nhưng hơn thế nữa, doanh nghiệp còn phải tự tìm ra lối đi đến đích dễ dàng nhất hay thậm chí phải tự mở đường chạy trong sự bám đuổi sát nút của các đối thủ. Đó là một ‘cuộc chơi’ đầy thử thách, khó khăn, nhưng cũng vì thế, càng trở nên hấp dẫn và kích thích.
Hà