Thử nghiệm có kiểm soát các công nghệ mới hình thành từ CMCN 4.0
Ngày 12-8, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức buổi làm việc với các doanh nghiệp CNTT giới thiệu về Trung tâm liên kết Cách mạng công nghiệp 4.0 Việt Nam – WEF (Diễn đàn Kinh tế Thế giới) và lắng nghe những đề xuất về các vấn đề chính sách công nghiệp 4.0 hợp tác với WEF.
Trước đó, vào tháng 1-2019, tại Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế thế giới tại Đa-vốt, Thụy Sĩ, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Nguyễn Mạnh Hùng đã ký kết hai thỏa thuận hợp tác về Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 với Diễn đàn Kinh tế thế giới, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch sáng lập Diễn đàn Kinh tế thế giới – Giáo sư Klaus Schwab.
Các thỏa thuận ký kết bao gồm: Bản ghi nhớ giữa Chính phủ Việt Nam và Diễn đàn Kinh tế Thế giới về thành lập Trung tâm liên kết về Cách mạng công nghiệp 4.0 tại Việt Nam; Thỏa thuận hợp tác giữa Bộ Thông tin và Truyền thông và Diễn đàn Kinh tế thế giới về dự án nghiên cứu chính sách mobile money.
Việt Nam là nước đầu tiên ký thỏa thuận với Diễn đàn Kinh tế thế giới về hợp tác xây dựng Trung tâm liên kết (Affiliate Center) về CMCN 4.0. Điều này, khẳng định các cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế, cho thấy sự quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong việc xây dựng tầm nhìn, định hướng và chính sách trong các ngành nghề và lĩnh vực kinh tế – xã hội để tận dụng lợi thế vượt trội mà cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư mang lại.
Cách đây một tháng, Bộ TT-TT đã thảo luận với các chuyên gia của WEF. Các chuyên gia đưa thí dụ về trường hợp của nước Anh, nhờ chính sách đổi mới sáng tạo, Nhà nước kết hợp với doanh nghiệp tạo ra không gian đổi mới sáng tạo nên mỗi tháng nước Anh có một doanh nghiệp kỳ lân (unicorn – công ty khởi nghiệp tư nhân có giá trị hơn 1 tỷ USD). Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm của nước Anh, hợp tác cùng WEF để tạo ra không gian đổi mới sáng tạo, bắt đầu từ việc hình thành khuôn khổ thử nghiệm sandbox – khung thử nghiệm chính sách trong giới hạn để các doanh nghiệp có thể thử nghiệm các sản phẩm, ý tưởng đổi mới, đột phá, sáng tạo trước khi cung cấp ra thị trường.
Hợp tác với WEF trong nhiều lĩnh vực công nghệ mới
Tại buổi làm việc, theo đại diện Vụ Hợp tác Quốc tế, WEF là một tổ chức quốc tế độc lập, là nền tảng cho hợp tác khu vực nhà nước và tư nhân (PPP), kết nối chính phủ với doanh nghiệp, trao đổi những câu chuyện, định hình xu hướng thế giới. Các lĩnh vực công nghệ mới dự kiến được nghiên cứu trong phạm vi hợp tác gồm: Trí tuệ nhân tạo và học máy; Thiết bị bay không người lái và hàng không tương lai; Blockchain và các ứng dụng; IoT; Thiết bị tự hành và di động; Dữ liệu và quản trị dữ liệu.
Lợi ích mà các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam có được khi tham gia Trung tâm tâm liên kết CMCN 4.0 Việt Nam – WEF bao gồm: hoạt động theo mô hình franchise của WEF; Có cơ hội kết nối với các nhà phát triển, sáng tạo công nghệ và các chuyên gia trên thế giới; Sử dụng nghiên cứu ở các nước để thí điểm vào Việt Nam; Quảng bá công nghệ của Việt Nam ra thế giới.
Với sự phát triển bùng nổ của công nghệ, công nghệ sẽ thường phát triển nhanh hơn chính sách và hệ thống pháp luật. Những sản phẩm công nghệ bị rơi vào vùng cấm của chính sách thì sẽ không thể triển khai. Nhưng với chính sách sandbox, những công nghệ, sản phẩm đó có thể được thử nghiệm trong một phạm vi hẹp. Sau thử nghiệm, cơ quan quản lý nhà nước sẽ đánh giá và có thể xem xét cho triển khai kèm theo một số điều kiện.
Đại diện Vụ CNTT đưa ra thí dụ về một dự án điển hình của WEF với các nước. Đó là trường hợp của Rwanda (châu Phi), chính phủ nước này đã cho phép máy bay không người lái (drones) chuyên chở máu đến các vùng sâu, vùng xa để giải quyết tình trạng thiếu máu tại các bệnh viện. Thông thường các chính phủ hạn chế đối tượng cũng như phương thức sử dụng drones. Tuy nhiên, sau khi thử nghiệm thành công với sự phối hợp của WEF, Rwanda đã xây dựng bộ hướng dẫn quản lý drones. Nhiều nước trên thế giới trong đó có Ấn Độ đang muốn triển khai theo mô hình này của Rwanda.
Nhiều ý tưởng mới của doanh nghiệp khi hợp tác với WEF
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Phan Tâm cho biết, doanh nghiệp công nghệ số là lực lượng dẫn dắt thực hiện chiến lược Make in Vietnam, sáng tạo Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam. Chỉ thông qua con đường công nghệ số mới cải thiện được thứ bậc Việt Nam trên trường quốc tế. Trong đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã thể hiện sự nhanh nhạy, năng lực đổi mới, sáng tạo và cung cấp được nhiều giải pháp công nghệ số, giúp cho hoạt động sản xuất kinh doanh của xã hội được diễn ra bình thường, được Nhà nước và xã hội ghi nhận.
Bộ TT-TT đang hợp tác với Diễn đàn Kinh tế Thế giới xây dựng Trung tâm liên kết CMCN 4.0 Việt Nam. Trung tâm sẽ là đầu mối quốc gia trong việc hợp tác với WEF và mạng lưới Trung tâm CMCN 4.0 của WEF trên toàn cầu đề nghiên cứu, thử nghiệm và xây dựng các khung chính sách cho các công nghệ mới, các mô hình kinh doanh mới hình thành từ cuộc CMCN 4.0.
Theo ghi nhận của Bộ TT-TT, trong quá trình triển khai đẩy mạnh phát triển và ứng dụng các sản phẩm công nghệ mới vào thực tế, có một số trường hợp khung pháp lý hiện nay chưa thật sự thúc đẩy việc ứng dụng các sản phẩm mới. Với vai trò là cơ quan thúc đẩy chính về chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, Bộ TT-TT mời doanh nghiệp tham gia các dự án nghiên cứu, thử nghiệm và xây dựng chính sách cho các sản phẩm từ cuộc CMCN 4.0.
Đại diện đến từ Viettel đánh giá cao quá trình làm việc cùng WEF liên quan đến Mobile money. WEF là tổ chức độc lập, đưa ra kiến nghị khách quan trên cơ sở tổng hợp kinh nghiệm triển khai từ nhiều nước và được điều chỉnh lại bởi rất nhiều chuyên gia hàng đầu trên thế giới. Tiếng nói của WEF đối với chính phủ các nước rất có trọng lượng bởi Trung tâm WEF nghe ý kiến nhiều chiều từ các doanh nghiệp, hiệp hội… Trung tâm của WEF không chỉ đưa ra các khuyến nghị chung chung mà theo sát để cùng triển khai trên thực tế.
Về mặt chính sách, quan điểm của trung tâm WEF là tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy phát triển. Trong quá trình làm việc với WEF, xuất phát từ dự án mobile money, Viettel đã được gợi mở ra rất nhiều dự án mới, trong đó có những dự án tưởng như không làm được như dự án thanh toán xuyên biên giới.
Đại diện Công ty Sao Bắc Đẩu đưa ra đề xuất mong được gỡ vướng về khuôn khổ pháp lý đối với các hệ thống quan trắc môi trường, đặc biệt là quan trắc không khí. Theo đó, một vài Nghị định, Thông tư của Bộ Tài Nguyên và Môi trường đã ngăn trở phát triển các hệ thống quan trắc thế hệ mới, đặc biệt là thiết bị IoT. Cụ thể, Thông tư 24 ban hành năm 2017 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định cấu trúc truyền dữ liệu phải sử dụng giao thức FTP. Quy định này chỉ phù hợp với thiết bị loại đắt tiền, không phù hợp với thiết bị IoT nhỏ gọn, chi phí thấp, sử dụng hệ thống cảm biến.
Ngoài ra còn các quy định về sử dụng địa chỉ IP tĩnh thay vì địa chỉ IP động, quy định bảo trì hệ thống quan trắc không khí ít nhất 1 lần/2 tuần…. Những quy định này phù hợp với những phòng lab lớn, nhưng không phù hợp với thiết bị IoT thế hệ mới. Đồng thời khi triển khai đấu thầu, căn cứ vào những quy định này, các sản phẩm IoT không thể tham gia đấu thầu.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Phan Tâm đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp CNTT. Thứ trưởng đề nghị các doanh nghiệp tiếp tục đề xuất các vấn đề chính sách cần nghiên cứu để ban hành khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát đối với các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới hình thành từ cuộc CMCN 4.0.
Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam nắm bắt, đi cùng cộng đồng thế giới trong triển khai ứng dụng công nghệ mới, Thứ trưởng khẳng định.