Thị trường edtech Việt hút mạnh vốn đầu tư
Start-up công nghệ giáo dục (edtech) Việt Nam đang thu hút sự quan tâm của các quỹ đầu tư mạo hiểm trong và ngoài nước.
Edtech là mảnh đất màu mỡ cho những start-up muốn nhắm đến khoản chi tiêu cho giáo dục của phụ huynh Việt Nam.
Tuần trước, CoderSchool – start-up dạy lập trình trực tuyến của Việt Nam – công bố nhận được khoản đầu tư trị giá 2,6 triệu USD trong vòng gọi vốn pre-series A được dẫn dắt bởi Quỹ đầu tư mạo hiểm Monk’s Hill Ventures. Hồi đầu năm, ứng dụng học tiếng Anh ELSA huy động thành công 15 triệu USD trong vòng gọi vốn Series B do Vietnam Investments Group và SIG đồng dẫn đầu.
Trong 8 tháng đầu năm 2021, nhiều start-up edtech Việt Nam đã huy động vốn thành công. Cụ thể, Marathon đã gọi vốn thành công 1,5 triệu USD cho vòng tiền hạt giống (pre-seeding) từ các quỹ Forge Ventures, Venturra Discovery, iSeed cùng với sự tham gia các nhà đầu tư thiên thần. Educa nhận khoản đầu tư trị giá 2 triệu USD tại vòng gọi vốn Series A từ Quỹ đầu tư Redefine Capita. Edmicro đã hoàn tất khoản gọi vốn vòng Series A+ từ Quỹ đầu tư Beenext, Qualgro (Singapore) và Insignia Ventures.
Chia sẻ về lý do rót vốn vào thị trường edtech Việt Nam, ông Justin Nguyen, Giám đốc Quỹ Monk’s Hill Ventures nhận định, Việt Nam là một thị trường hấp dẫn với tầng lớp trung lưu trẻ đang phát triển nhanh chóng, giáo dục luôn được coi trọng và Chính phủ cũng tích cực thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này. Đây là những yếu tố hấp dẫn thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư đối với thị trường edtech của Việt Nam.
“Kể từ năm 2008, Chính phủ Việt Nam đã phân bổ 15-20% chi tiêu công cho giáo dục, thuộc hàng cao nhất thế giới và chỉ đứng sau Malaysia ở Đông Nam Á. Vì vậy, dù thị trường edtech Việt Nam vẫn còn non trẻ, nhưng chúng tôi nhận thấy, thị trường rất sôi động khi các nhà sáng lập đang cố gắng nắm bắt những cơ hội chưa được khai phá bằng cách đổi mới, cải thiện kết quả học tập tốt hơn”, ông Justin nói thêm.
Theo bà Lê Hoàng Uyên Vy, Giám đốc điều hành Do Ventures (quỹ đầu tư mạo hiểm đã đầu tư vào 2 nền tảng giáo dục trực tuyến VUIHOC và Manabie), thị trường giáo dục trực tuyến tại Việt Nam có tiềm năng lớn với hơn 23 triệu học sinh, thu nhập của tầng lớp trung lưu ngày càng tăng và tỷ lệ sử dụng Internet cao nhất thế giới. Người Việt chi tới 30% thu nhập khả dụng cho giáo dục và các bậc phụ huynh sẵn sàng trả thêm tiền để đảm bảo giáo dục chất lượng cao cho con cái.
Có thể thấy, edtech là mảnh đất màu mỡ cho những start-up muốn nhắm đến khoản chi tiêu cho giáo dục của phụ huynh Việt Nam. Tuy nhiên, các start-up vẫn còn một chặng đường dài để đạt được quy mô lớn hơn trong lĩnh vực edtech. “Trong đại dịch, một số công ty edtech đã phát triển mạnh mẽ, nhưng vẫn chưa có công ty nào thống lĩnh thị trường. Đây là cơ hội hấp dẫn cho các nhà đầu tư”, bà nói Vy thêm.
Phạm Đức, nhà đồng sáng lập Marathon cho rằng, những năm qua, một số nền tảng giáo dục đã ghi trước nội dung bài giảng hay nội dung trực tiếp, nhưng chưa đảm bảo học sinh có thể hiểu bài và đạt điểm cao. Các lớp học được ghi hình trước có chỉ số tương tác kém hơn đáng kể so với các lớp học trực tiếp, vì sinh viên thường thiếu kỷ luật tự giác và sẵn sàng xem lướt qua các video.
“Chỉ cần đặt chất lượng học tập lên trên lợi nhuận, tôi tin rằng, các start-up edtech sẽ gặt hái nhiều thành quả, đặc biệt khi họ có thể tận dụng công nghệ để thay đổi suy nghĩ của các bậc phụ huynh và đảm bảo chất lượng đo lường đúng bằng kết quả học tập của học sinh”, ông Đức lưu ý.
Tuy vẫn còn những rào cản nhất định để giáo dục trực tuyến được chấp nhận đại trà, nhưng ông Michael Ngo, Giám đốc Quốc gia của ELSA Vietnam tin rằng, giáo dục trực tuyến sẽ trở thành một tiêu chuẩn mới trong tương lai, đặc biệt là trong đại dịch. Kỹ thuật số giúp giảm chi phí cho người học và điều này sẽ tăng khả năng tiếp cận nền giáo dục chất lượng nói chung.
Việt Nam là một thị trường tiềm năng cho học trực tuyến, nhưng hiện chưa có công ty edtech nào được định giá trên 100 triệu USD. Một số ý kiến cho rằng, các công ty edtech Việt Nam vẫn thiếu những công nghệ đột phá để có thể phát triển lớn mạnh.
Về vấn đề này, bà Vy cho rằng, thị trường edtech Việt Nam vẫn ở giai đoạn sơ khai, start-up Việt cần có thời gian để bắt kịp tốc độ phát triển của các công ty khác tại các thị trường lớn hơn trong khu vực. Điều cần thiết đối với các start-up edtech là phát triển các mô hình doanh thu lành mạnh hướng đến tăng trưởng bền vững. Một yếu tố quyết định khác là tỷ lệ giữ chân người dùng cao thông qua tài liệu học tập chất lượng và hệ thống theo dõi tiến độ toàn diện.
THEO THÀNH VÂN
(Báo Đầu tư)