Thầy giáo khởi nghiệp từ đam mê nâng chất đặc sản địa phương
Hài lòng với công việc của một giáo viên dạy văn, song thầy giáo Lê Văn Lộc Kiềng (Trường THCS và THPT Giồng Thị Đam) vẫn luôn suy nghĩ cần làm điều gì đó nâng cao giá trị cho sản vật địa phương.
Thầy giáo Lộc Kiềng và gian hàng giới thiệu, bán sản phẩm đặc sản Tân Hồng – Ảnh: Đ.TUYẾT
Ý nghĩ ấy đã thôi thúc thầy giáo vùng biên từ thời sinh viên. Và anh nuôi giấc mơ khởi nghiệp, vừa mong được góp sức cho sản vật quê nhà, vừa giúp tăng thu nhập cho gia đình.
Từng kinh doanh rất thuận lợi, rồi phá sản trắng tay song giấc mơ đưa sản vật quê mình đi xa vẫn không ngừng thôi thúc trong tôi.
LÊ VĂN LỘC KIỀNG
Vất vả để có tiền đi học
Anh Kiềng sinh ra và lớn lên tại vùng quê biên giới xã Tân Công Chí, huyện Tân Hồng (Đồng Tháp). Gia đình không mấy khá giả, đi lại cũng cách trở nhưng anh may mắn khi được đến trường đầy đủ. Ký ức tuổi thơ trong anh là những ngày phụ giúp ông ngoại đưa đò để có thêm tiền đi học.
Ngày nhỏ đi học, Kiềng vẫn luôn thắc mắc sao quê mình khá giàu sản vật thiên nhiên, nguồn lợi thủy sản cũng phong phú mà bao người làm lụng quanh năm mới đủ cái ăn. Anh quyết tâm đi học để thay đổi cuộc sống. Từ huyện biên giới phía bắc tỉnh Đồng Tháp, anh cố gắng học tập và thi đậu ngành sư phạm ngữ văn Trường ĐH An Giang cách nhà chừng 100km.
Thầy giáo trẻ ấy nói, thời sinh viên, để có tiền trang trải việc học, sinh hoạt, mỗi khi ở thành phố Long Xuyên mở hội chợ, anh đều đăng ký đi bán hàng thời vụ. “Những lúc như vậy, tôi ước một ngày nào đó mình cũng sẽ có một mặt hàng nào đấy bán trong hội chợ, một sản phẩm mang thương hiệu của vùng đất Tân Hồng. Sản phẩm đầu tiên mà tôi nghĩ đến là con mắm cá đồng”, anh Kiềng kể.
Rời trường đại học, về nhận nhiệm sở tại Trường THCS và THPT Giồng Thị Đam, song anh giáo trẻ ấy vẫn chưa bao giờ thôi nghĩ về đam mê kinh doanh dù công việc giảng dạy khá ổn định. Và anh bắt đầu hiện thực hóa ước mơ của mình.
Có thể nói từ 2016-2019 là quãng thời gian phất lên như diều gặp gió khi việc kinh doanh của thầy Kiềng khá thuận lợi. Nhưng rồi cũng không tránh khỏi va vấp, có giai đoạn thất bại, phá sản đến mức phải quay về nương nhờ nhà mẹ ruột.
Đó là khoảng thời gian bốn năm anh kinh doanh nhà hàng, khách sạn với nhiều thăng trầm mà kết quả cuối cùng gần như tay trắng. “Tôi quay về nhà như một khoảng lặng để nhìn lại những gì đã làm. May mắn là nghề đi dạy cho tôi một bệ đỡ vững chắc, có học trò làm động lực cùng đam mê giúp tôi vực dậy tinh thần”, thầy Kiềng bộc bạch.
Nâng cao giá trị sản vật quê nhà
Khắp các con đường xứ Tân Hồng, đi đâu cũng dễ dàng gặp cây me, tới mùa rụng đầy đường không ai lượm. Mẹ anh Kiềng tận dụng cây me gần nhà làm me ngào đường cùng mắm cá đồng bưng từng thau ra chợ bán. Hình ảnh đó khiến anh nghĩ đến cần đóng gói, thêm nhãn mác giúp mẹ bán hàng qua mạng.
Mất chừng hai năm thăm dò nhu cầu của thị trường, anh quyết định phát triển sản phẩm me ngào theo hướng chuyên nghiệp hơn, có đăng ký nhãn mác và bao bì rõ ràng. Đó là năm 2020, với số vốn ban đầu chỉ gần 15 triệu đồng, anh gói ghém mua máy móc hỗ trợ các công đoạn sản xuất me ngào và đăng ký thương hiệu. Rồi gia đình có thêm ba người phụ các công đoạn đóng hộp, dán nhãn mác.
Vậy là sản phẩm “Me ngào Tân Hồng” đa dụng “3 trong 1” có thể dùng nấu canh, pha nước uống hoặc ăn trực tiếp đều được mà không cần pha chế thêm. Mỗi hộp đóng gói 500g giá 50.000 đồng, hạn dùng một năm khi để trong môi trường điều kiện bình thường. Ngoài me ngào, cơ sở đặc sản Tân Hồng còn có nước mắm cá linh nguyên chất, khô cá đồng các loại… hiện có mặt tại nhiều tiệm tạp hóa ở các tỉnh miền Tây.
Ba tháng trước, trong và sau Tết vừa rồi, cơ sở đặc sản Tân Hồng tiêu thụ khoảng 2 tấn me nguyên liệu, tương đương 4.000 hộp, cho lợi nhuận chừng 20 triệu đồng/tháng. “Nhờ địa phương kết nối, sản phẩm của chúng tôi được giới thiệu, bày bán trong các hội chợ thương mại. Đặc biệt sau sự kiện ngày hội sản phẩm OCOP cấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long tổ chức tại Đồng Tháp, sản phẩm của chúng tôi đã được phân phối đến nhiều cửa hàng hơn”, anh Kiềng khoe.
Anh Nguyễn Văn Đây – chủ nhiệm Câu lạc bộ khởi nghiệp huyện Tân Hồng – nói sản phẩm me ngào đa dụng của thầy Lộc Kiềng đã được chứng nhận OCOP và dự án khởi nghiệp này đã vào top 12 vòng thi cấp tỉnh năm 2022.
“Chúng tôi đã hướng dẫn các thủ tục, hỗ trợ một khoản tiền để anh Kiềng mở rộng cơ sở sản xuất. Hiện sản phẩm đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao và chúng tôi tiếp tục hỗ trợ vay vốn không lãi suất 100 triệu đồng, mặt bằng bày bán để phát triển sản phẩm thêm nữa”, anh Đây nói.
THEO ĐẶNG TUYẾT
(Báo Tuổi trẻ)