Thay đổi tư duy để đưa hệ sinh thái khởi nghiệp từ quê ra… toàn cầu
Để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp của từng địa phương, quan trọng nhất chính là thay đổi tư duy cán bộ, lãnh đạo để họ nhận thấy ứng dụng KH&CN và đổi mới sáng tạo là thực sự cần thiết.
Đây là điều được các đại biểu nhấn mạnh tại Hội thảo “Thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại địa phương”. Hội thảo nằm trong khuôn khổ Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia – Techfest 2018 được tổ chức tại Đà Nẵng.
Phát triển hệ sinh thái dựa trên nội lực địa phương
Chia sẻ về kinh nghiệm xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp tại TP. Đà Nẵng, ông Đặng Việt Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Đà Nẵng, cho rằng mặc dù hệ sinh thái mới hình thành và phát triển được hơn 3 năm nhưng hành lang pháp lý đã cơ bản hoàn thiện, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo cũng đạt được một số kết quả nổi bật.
Để phong trào khởi nghiệp đi vào thực chất, Đà Nẵng đã thành lập Hội đồng điều phối mạng lưới khởi nghiệp thành phố, quy tụ được một mạng lưới thành viện đa đạng và rộng khắp. Hội đồng tập hợp được nhiều nguồn lực nhằm phân phối, chia sẻ mô hình để phát triển hệ sinh thái.
Bên cạnh đó, Đà Nẵng còn là nơi thành thành lập vườn ươm doanh nghiệp DNES đầu tiên của cả nước theo hình thức công – tư, sử dụng nguồn quỹ hỗ trợ của thành phố và kêu gọi được 12 doanh nhân góp vốn. Hiện đã xuất hiện nhiều đơn vị ươm tạo lớn như PISI-CIT, Sông Hàn Incubator…
Đà Nẵng hiện ươm tạo 50 công ty khởi nghiệp hoạt động trên nhiều lĩnh vực, 100 doanh nghiệp khởi nghiệp tự thành lập và phát triển. Nhiều công ty ươm tạo như Hekate, Zody… đều gọi vốn thành công và cạnh tranh được với thế giới.
Theo ông Đặng Việt Dũng, bài học kinh nghiệm trong phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo chính là nội lực, nếu không có nội lực không thể phát triển. Tuy nhiên, ông cũng nêu ra những thách thức mà tỉnh này đang gặp phải đó chính là thách thức về con người, hạ tầng không gian, huấn luyện viên hỗ trợ khởi nghiệp, đặc biệt là thiếu vốn đầu tư.
Khác với Đà Nẵng, ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM, cho rằng cách tiếp cận chính là thiết lập cơ chế chính sách, vấn đề chính vẫn là để cho cộng đồng tự phát triển.
Ông Dũng cũng thông tin, qua 3 năm triển khai tập trung đào tạo, hiện TP.HCM có 4 nghìn nhóm khởi nghiệp được huấn luyện, 140 giáo viên của 20 trường đại học được trang bị kiến thức về khởi nghiệp sáng tạo.
Để mở rộng hoạt động kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, TP.HCM đã mở rộng hợp tác quốc tế, thúc đẩy các mô hình ươm tạo để hỗ trợ nhà nước và tư nhân trên tổng mặt bằng là 24 nghìn m2. Trong 2 năm qua, nhà nước với vai trò bà đỡ đã hỗ trợ cho hơn 1.500 dự án khởi nghiệp thông qua các cuộc thi.
Quan trọng nhất là thay đổi tư duy
Theo ông Dominic Mellor – Chuyên gia đầu tư cao cấp, khối tư nhân và chương trình đầu tư mạo hiểm của ADB, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo khỏe mạnh bao gồm nhiều thành phần như nhà nghiên cứu, viện, trường, cơ quan quản lý, doanh nghiệp… mới có thể tạo nấc thang quan trọng của sự thành công.
“Hiện Việt Nam đã có nhiều tiến bộ mang tính khích lệ. Ở đây, Chính phủ đang đóng một vai trò hết sức quan trọng, cách thức mà Chính phủ chỉ đạo sẽ tạo không gian, hạ tầng cứng giúp Việt Nam trên con đường hướng hệ sinh thái khởi nghiệp địa phương ra quốc tế”, ông Dominic Mellor nhận định.
Đồng quan điểm trên, bà Martin Webber – Phó Chủ tịch Thường trực của Công ty J.E. Austin, cho rằng, vấn đề hỗ trợ hệ sinh thái sáng tạo địa phương rất quan trọng. Hệ sinh thái địa phương cần có một mạng lưới và chúng ta phải làm thế nào để nó tương tác được với nhau, hỗ trợ nhau, kết nối cùng phát triển.
Từ góc nhìn của một trong những địa phương dẫn đầu về hoạt động khởi nghiệp, ông Nguyễn Việt Dũng cũng đồng ý với các ý kiến chia sẻ của các diễn giả. Tuy nhiên, ông Dũng cũng cho rằng khởi nghiệp đồng nghĩa với quan niệm cộng sinh, tức là làm sao để các thành phần hệ sinh thái phải làm việc cùng nhau mới có thể phát triển bền vững. Mặc dù vậy, nhìn nhận thực tế tại Việt Nam, với văn hóa của Việt Nam cũng tạo nhiều rào cản cho phát triển hệ sinh thái, trong đó hạn chế lớn nhất chính là Việt Nam còn quá ít các doanh nghiệp đầu đàn đóng vai trò dẫn dắt, trong khi đó hợp tác giữa trường đại học – Viện nghiên cứu và doanh nghiệp còn hạn chế.
Theo Thứ trưởng Trần Văn Tùng, hiện Bộ KH&CN đã và đang cùng với các địa phương chung tay phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp. Đặc biệt được sự chỉ đạo của Chính phủ và trực tiếp là Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ KH&CN đã kết nối các địa phương bằng cơ chế chính sách và các dự án như: Chương trình Nông thôn Miền núi, Đề án 844, Chương trình Quốc gia phát triển các sản phẩm chủ lực địa phương…
Kết thúc phiên đối thoại, các ý kiến diễn giải đều thống nhất cho rằng, để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp của từng địa phương cần nhấn mạnh yếu tố bản địa, nhưng phải có tính cộng đồng, mới có thể nuôi dưỡng tốt cho khởi nghiệp.
Tuy nhiên, quan trọng nhất chính là thay đổi tư duy cán bộ, lãnh đạo các tỉnh, thành phố để họ nhận thấy ứng dụng KH&CN và đổi mới sáng tạo là cần thiết cho phát triển kinh tế xã hội địa phương.
Liên Cơ – Khampha.vn