Không có ai vừa sinh ra đã là doanh nhân thành đạt, kể cả 5 “gã khổng lồ” này đều từng thất bại đau đớn trước khi học được cách thành công từ chính thất bại lớn nhất của họ.

1. Mất hàng triệu đô la và một người bạn

Chris Plough – một tác giả, diễn giả, nhà cố vấn và đối tác sáng lập của ExponentialU, là huyền thoại trong giới doanh nhân mà ai cũng ngưỡng mộ. Và dưới đây là chia sẻ của doanh nhân này.

“Tôi đã phạm rất nhiều sai lầm, tham gia cùng những đối tác tệ, đầu tư kém cỏi và thua lỗ trong kinh doanh. Những sai lầm khiến tôi trả giá hàng triệu đô, rạn vỡ các mối quan hệ và gây hại cho nhiều người. Nhưng tất cả những thất bại này đều dẫn tới các bài học quý giá giúp tôi thành công ngày hôm nay.

Lúc đó, tôi hợp tác kinh doanh với bạn mình dưới cùng một thương hiệu có giá trị và bắt đầu đem tới lợi nhuận. Chi phí đáng lẽ phải được chia đều. Do tin tưởng nên tôi đã không ghi lại các thỏa thuận ban đầu thành hợp đồng cụ thể nên dần dần, người bạn kia không ngừng tìm cách đẩy các chi phí lên đầu tôi. Mối quan hệ của cả hai dần trở nên căng thẳng và tôi đã đánh mất hàng triệu đô lợi nhuận vì điều đó.

Từ đây, tôi học được bài học quá khó khăn: Cho dù có là bạn bè thân thiết đến đâu đi nữa thì vẫn phải dùng hợp đồng để phân chia rạch ròi quan hệ và quyền lợi. Đôi bên đều thấy công bằng và không khó xử khi làm việc. Nó đem lại sự rõ ràng và đảm bảo tất cả mọi người đều cùng hợp tác, vừa là sự đảm bảo mức độ tin cậy dành cho nhau. Khi đã biết áp dụng cách này, các mối quan hệ đối tác của tôi đã trở nên vô cùng thuận lợi.

Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ thất bại vì thất bại với tôi đồng nghĩa với việc chẳng thu hoạch được gì. Đây là tư duy quan trọng cho bất cứ ai đã và đang học cách phát triển, đặc biệt là một doanh nhân. Chúng ta chỉ phạm sai lầm và nhận được cái bài học cho đến hết đời.

2. Video đắt đỏ

Barbara Corcoran – người sáng lập Tập đoàn The Corcoran Group, “bà trùm” bất động sản đồng thời cũng là nhà đầu tư tài ba của Shark Tank chia sẻ:

“Năm 1992, tôi đã kiếm được một khoản lợi nhuận kha khá nên quyết định đầu tư tất cả vào một ý tưởng mới toanh. Tôi thuê một nhiếp ảnh gia tới chụp lại 73 danh sách bất động sản của mình rồi tạo thành một video. Cuối mỗi danh sách đều đính kèm hình ảnh và số điện thoại của nhân viên bán hàng. Tôi còn thuê cả thợ trang điểm chuyên nghiệp để giúp nhân viên hoàn hảo hơn.

Tại cuộc họp bán hàng toàn công ty, tôi vô cùng kích động khi giới thiệu ý tưởng mới này. Trước 200 nhân viên bán hàng của mình, tôi tự tin nói rằng: “Tất cả thông tin cần thiết cho khách hàng của cả tập đoàn sẽ nằm gọn trong chiếc video này, chỉ với 20 đô, khách hàng đã có trong tay một “Cẩm nang nhà ở” hoàn hảo!”

Cả đội ngũ bán hàng đều nổ ra những tràng pháo tay nhiệt liệt. Đây là ý tưởng tuyệt vời nhất tôi đưa ra!

Thế nhưng, chỉ đến tháng 12 năm 1993, tôi đã phải đứng trong tầng hầm ẩm ướt của cơ quan với 32 chồng băng video “hoàn hảo” đang nằm ngổn ngang dưới ánh đèn vàng leo lắt trên đầu. Ý tưởng “hoàn hảo” đã chết ngóm vì 2 lý do:

Thứ nhất, chính nhân viên đã không đưa ra các video. Họ không muốn cho khách hàng tiếp cận khuôn mặt hoặc số điện thoại của những người bán hàng khác. Thứ hai, các video chứa quá nhiều hình ảnh và hiển thị nhanh đến nỗi mắt cú vọ cũng không thể nhận ra.

Trong khi tôi vẫn đắm chìm trong tự trách về sự ngu ngốc của mình thì một đêm nọ, chồng tôi đã kể về một công nghệ mới được gọi là “mạng Internet”, nơi có thể kết nối tất cả mọi người và thông tin trên toàn thế giới.

Một ý tưởng đã lóe lên trong đầu tôi: Có lẽ mình đã tìm ra cách bù lại số tổn thất trước kia và tận dụng lợi thế công nghệ mới rồi! Ngay lập tức, tôi đi đăng ký tên miền của mình và chuyển các hình ảnh trên băng video lên trang web.

Tôi công bố giai đoạn hai của “Cẩm nang nhà ở” hoàn hảo vào tháng 1 năm 1994 và đưa Tập đoàn Corcoran trở thành một trong những công ty đầu tiên của Mỹ xuất hiện trên không gian ảo! Trong vòng một tháng, bốn khách hàng mới đã tìm đến chúng tôi qua mạng và tôi trở thành một anh hùng đi trước thời đại.

3. Bị Hollywood chối từ

Roberto Orci – Nhà sản xuất và biên kịch siêu hạng của Hollywood với nhiều bộ phim và chương trình truyền hình thu về hơn 5 tỷ đô la trên toàn thế giới – chia sẻ:

“Sau khi viết ra và sản xuất hai phần đầu của bộ phim “Star Trek” mà không cần bất cứ can thiệp nào từ studio, tôi đã quá tự tin vào mình với suy nghĩ, cho dù mình viết ra cái gì thì nó cũng sẽ thành công. Tôi đã sai hoàn toàn. Kịch bản thứ ba được viết ra cùng một nhóm tài năng trẻ đã bị Brad Grey – cực chủ tịch và CEO của Hãng phim Paramount nhận xét thẳng thừng: Quá “Trek” cũ! Lúc đó tôi đã không sớm nhận ra quy tắc lâu đời trên tòa án: Phải hiểu thẩm phán của mình.

Trớ trêu thay, chính khoảnh khắc ấy đã đem lại cho tôi sức mạnh để làm lại từ đầu và ấp ủ một cú huých khác, đạt được thành tựu lớn hơn mà không dựa vào cái bóng xưa cũ. Tôi đã luôn biết ơn sự thẳng thắn của ông Brad và tất cả những thành công chúng ta đã có cùng nhau”.

4. Chọn đối tác sai lầm

Steve Griggs – Người sáng lập và CEO của Steve Griggs Design, chuyên gia phục vụ các khách hàng giàu có với yêu cầu cao – chia sẻ:

“Những ngày đầu sự nghiệp, tôi thường chọn người cùng lĩnh vực với mình để hợp tác nhằm phân chia khối lượng công việc và cùng gặt hái lợi ích với nhau. Thế nhưng, nhược điểm của cách làm việc nhanh chóng hiện ra. Có người luôn thấy mình làm nhiều hơn người khác và lợi nhuận chia ra cũng trở nên không công bằng. Phương án không thành công khiến tất cả đều thua lỗ và phải bắt đầu lại từ đầu.

Thay vì tìm người tương đồng, một cá nhân khác có những kỹ năng bổ sung và kết hợp với mình mới là nhân tố sáng suốt. Cả hai cùng hợp tác, hoàn thành công việc tốt nhất có thể sẽ khiến tổng chất lượng đi lên rất nhiều.

Sau này, tôi nhận ra các mối quan hệ hợp tác quá giống với hôn nhân và vợ tôi mới là đối tác duy nhất tôi cần trong cuộc đời còn lại của mình. Tôi bắt đầu thích việc liên doanh có kỳ hạn hợp tác cụ thể, kỳ vọng mục tiêu rõ ràng. Khi công việc hoàn thành, quan hệ kết thúc. Không ai bó buộc ai quá lâu dài”.

5. Kỷ lục thất bại nhiều đến khó tin

Com Mirza – CEO của Mirza Holdings, từng thất bại với tám công ty nhưng ngày nay, ông điều hành cả một đế chế lớn có 9 con “quái vật” và hơn 600 nhân viên – chia sẻ:

“Tám công ty đầu tiên tôi xây dựng đều liên tục thất bại. Hơn 70 khoản đầu tư không đem lại chút lợi nhuận nào nhưng khiến tôi đánh mất hàng chục triệu đô la.

Thay vì đổ lỗi cho hoàn cảnh, con người, thời tiết, thị trường hoặc chính phủ hay bất cứ điều gì khác, tôi bắt đầu tự trách mình. Thay vì tức giận và thất vọng, tôi bắt đầu chủ động và tháo vát hơn. Thay vì từ bỏ kinh doanh, tôi bắt đầu xây dựng một hệ thống hiệu quả, chính xác để kiểm soát lại cuộc sống của mình.

Thông qua những thất bại cần thiết, cuộc đời tôi đã thay đổi nhờ học được 3 điều: không bao giờ bỏ cuộc, xây dựng một tư duy vượt trội, xây dựng và thực hiện một hệ thống niềm tin không thể lay chuyển.

Thất bại dạy cho bạn cách tìm ra những mảnh ghép còn thiếu trong trò xếp hình để đạt đến thành công thực sự. Sở hữu thất bại và chịu trách nhiệm với nó đồng nghĩa bạn có được sức mạnh, trí tuệ và sự trưởng thành to lớn. Có một tâm hồn cởi mở, lòng dũng cảm và ý thức sâu sắc về mục tiêu chinh phục nghịch cảnh”.

Dương Mộc – Cafef

Bài gốc