Thanh toán và công nghệ bảo hiểm trong thời Covid-19
Mỗi người, mỗi ngành trên thế giới đều đang phải tìm kiếm các giải pháp thích nghi với bối cảnh dịch bệnh Covd-19. Và khi các nền tảng tài chính kỹ thuật số có vai trò nổi bật hơn trong cuộc sống của người dân trong suốt cuộc khủng hoảng này, một số hành vi đó sẽ gắn chặt với người dân.
Sự bùng phát dịch bệnh Covid-19 năm 2020 đã gây ra sự hỗn loạn đối với ngành du lịch, thương mại và các thị trường tài chính trên toàn cầu.
Các cơ sở chăm sóc sức khỏe ở nhiều nơi, bắt đầu với Vũ Hán ở Trung Quốc và sau đó bao gồm cả Iran và Ý gần như vỡ trận. Chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy và thị trường chứng khoán trải qua biến động chưa từng thấy.
Các công nghệ kỹ thuật số đang đóng một vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống lại virus Corona theo cách trực tiếp, chẳng hạn thông qua nghiên cứu y học công nghệ sinh học.
Đồng thời theo những cách gián tiếp giúp giảm bớt sự ảnh hưởng đối với cuộc sống của con người. Ví dụ, nhiều trường học trên thế giới đã thử nghiệm và nhanh chóng nâng cao kỹ năng của đội ngũ giáo viên để tổ chức các lớp học từ xa (thông qua Skype, Zoom hoặc các dịch vụ tương tự).
Một lĩnh vực mà công nghệ đã hỗ trợ rất nhiều trong việc giảm thiểu tác động của Covid-19 đối với cuộc sống hàng ngày là lĩnh vực tài chính.
Mặc dù, trên hết, đây là một cuộc khủng hoảng nhân đạo, nhưng rõ ràng, các sự kiện trong những tuần gần đây liên quan đến tài chính kỹ thuật số nói riêng đáng được chú ý, vì chúng đã giúp giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo.
Chúng ta hãy tìm hiểu một số bài học phát sinh từ việc sử dụng các nền tảng tài chính kỹ thuật số trong cuộc khủng hoảng Covid-19.
Những ví dụ này nhấn mạnh tính linh hoạt, nhanh nhẹn của công nghệ tài chính và chứng minh làm thế nào cơ sở hạ tầng tài chính kỹ thuật số mới nổi lại mạnh mẽ, vững vàng và quan trọng nhất là phản ứng nhanh trước các sự kiện khó lường.
Khi mọi người, các công ty và chính phủ phải tổ chức lại các hoạt động của mình, có một câu hỏi được đặt ra là điều gì sẽ xuất hiện khi chúng ta đã vượt qua cơn khủng hoảng?
Chúng tôi đang xem xét 2 yếu tố riêng biệt có cùng hệ quả: Tăng sự chuyển đổi sang tài chính số. Tại sao?
Thứ nhất, đây là giai đoạn phản ứng. Các doanh nghiệp và công ty khởi nghiệp đang điều chỉnh lại tuyên bố giá trị của mình trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19. Thanh toán không tiếp xúc không chỉ thuận tiện hơn, mà còn an toàn hơn.
Thứ hai, sự sụp đổ hành vi đã xảy ra do việc thực hiện các chính sách kiểm dịch và giãn cách xã hội để đối phó với Covid-19. Nghiên cứu của một trường đại học năm 2010 tập trung vào tâm lý con người đã kết luận rằng, phải mất 66 ngày để tạo một thói quen.
Những gì bắt đầu như một sự thay đổi lối sống tạm thời, nếu có đủ thời gian, có thể sẽ trở thành một chuẩn mực hàng ngày mới. Khi các nền tảng tài chính kỹ thuật số có vai trò nổi bật hơn trong cuộc sống của người dân trong suốt cuộc khủng hoảng này, một số hành vi đó sẽ gắn chặt với người dân.
Thanh toán điện tử và chuyển tiền: Hỗ trợ tài chính và tránh lây nhiễm
Trong thời kỳ biến động, mọi người cần các phương tiện để đảm bảo nhu yếu phẩm như thức ăn, nơi ở và quần áo.
Chừng nào điều kiện thị trường cơ bản vẫn còn và tình hình không diễn biến xấu đi, trở thành thành bạo loạn và cướp bóc, trao đổi thương mại vẫn là cách hợp pháp duy nhất để đảm bảo các nhu cầu cần thiết.
Các nền tảng tài chính kỹ thuật số và ví điện tử, đặc biệt, có thể chuyển tiền cho những người có nhu cầu nhanh chóng và chính xác.
Một trong những lời chỉ trích chống lại các ngân hàng trong cuộc khủng hoảng Covid-19 ở Trung Quốc là phản ứng tương đối chậm chạp trong việc giúp giảm bớt gánh nặng tài chính cho các nạn nhân của dịch bệnh.
Mặc dù một số ngân hàng tại Trung Quốc đã ứng phó với khủng hoảng bằng các biện pháp như giảm nợ thế chấp, hoãn thời hạn thanh toán thẻ tín dụng và điều chỉnh khoản vay của doanh nghiệp, nhưng họ vẫn bị chỉ trích vì mất quá nhiều thời gian để phản ứng.
Tuy nhiên, tại Úc và các quốc gia phát triển khác, các ngân hàng phải mất nhiều thời gian hơn và họ chỉ có các biện pháp hỗ trợ sau khi chính phủ yêu cầu. Khung thời gian cho các biện pháp cứu trợ này tính theo “tuần và tháng” kể từ khi Covid-19 được phát hiện lần đầu tiên.
Nếu các ngân hàng hiện tại muốn có một vị trí trong lòng khách hàng thì phải phản ứng theo cách mà các công ty công nghệ lớn làm và xem chính mình như là một phần của hệ sinh thái mà ngân hàng đang phục vụ.
Các công ty công nghệ lớn của Trung Quốc như Alibaba và Tencent vốn đã được công chúng Trung Quốc biết đến với dịch vụ nhanh chóng và tùy biến trong gần như tất cả các lĩnh vực của cuộc sống số.
Chúng ta hiện đang sống trong một thế giới giải trí theo nhu cầu và khung thời gian của Amazon Prime (tức mọi dịch vụ được đáp ứng nhanh).
Tuy nhiên, trong thời đại công nghệ chớp nhoáng, thời gian phản hồi của các ngân hàng đã bị nhiều người coi là quá chậm.
Theo ghi nhận của Finews.asia, khi càng nhiều công ty công nghệ có được giấy phép ngân hàng số, các ngân hàng không còn có thể hoạt động như trước đây.
Họ cũng không thể tự nhận là “những chiếc phao cứu sinh” quan trọng cho khách hàng của mình nếu không đưa ra được các hành động kịp thời trong những thời điểm quan trọng.
Nếu các ngân hàng hiện tại muốn có một vị trí trong lòng khách hàng thì phải phản ứng theo cách mà các công ty công nghệ lớn làm và xem chính mình như là một phần của hệ sinh thái mà ngân hàng đang phục vụ.
Công nghệ bảo hiểm: Khủng hoảng đồng nghĩa với rủi ro, rủi ro tức là bảo hiểm
Bảo hiểm thông qua các nền tảng trực tuyến (y tế, du lịch, thú cưng…) đã tăng theo cấp số nhân trong những năm gần đây. Khi Covid-19 lan rộng, nhu cầu bảo hiểm cũng tăng theo.
Tuy nhiên, đáng chú ý, việc tuyên bố Covid-19 là một đại dịch khiến nhiều chính sách bảo hiểm du lịch hiện tại không có tác dụng và khiến nhiều người khác rơi vào “vùng xám” khi yêu cầu bồi thường những sự cố liên quan đến xác định ngày đặt phòng, điều khoản hủy và các tiêu chí liên quan khác. Do đó, dự kiến sẽ có một khối lượng đáng kể các tranh chấp bảo hiểm phát sinh do Covid-19.
Để giảm bớt tổn thất và đơn giản hóa việc giải quyết tranh chấp tài chính liên quan đến bảo hiểm, các dịch vụ giải quyết tranh chấp trực tuyến như dịch vụ tư nhân của Anh “Resolver”, cũng như các nền tảng giải quyết tranh chấp trực tuyến công và tư nhân khác có thể đóng vai trò quan trọng trong quá trình phục hồi (đặc biệt là khi bắt đầu có hướng dẫn về giãn cách xã hội).
Đưa bảo hiểm lên các nền tảng kỹ thuật số chưa bao giờ dễ dàng hơn thế. Khả năng phản ứng của các nền tảng công nghệ bảo hiểm đối với Covid-19 được thấy rõ nhất ở Trung Quốc, đặc biệt là WeSure, một nhánh bảo hiểm của gã khổng lồ công nghệ Tencent.
WeSure đã nhanh chóng tung ra một gói sản phẩm bảo hiểm hướng đến bảo vệ những đối tượng có khả năng trở thành nạn nhân Covid-19, bao gồm các chủ hợp đồng tiềm năng, từ nhân viên y tế đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Xiang Hu Bao, một nền tảng hỗ trợ lẫn nhau (mutual-aid platform) của Trung Quốc (ví dụ nhà cung cấp bảo hiểm thuộc sở hữu của Ant Financial) thậm chí đã thí điểm sử dụng xác thực dữ liệu thông qua công nghệ chuỗi khối (Blockchain) để theo dõi nhanh các khoản thanh toán cho nạn nhân Covid-19 và tránh giao dịch trực tiếp.
Ngoài việc là một nền tảng tài chính thông minh, WeSure thậm chí còn đưa ra chính sách bảo hiểm miễn phí dành cho tất cả công dân Trung Quốc trong độ tuổi 0-65 như một phần nghĩa vụ trách nhiệm xã hội của Công ty nhằm hỗ trợ thêm cho người dân Trung Quốc, cũng như cuộc chiến chống lại Covid-19.
Động thái này cũng truyền tải rõ ràng thông điệp rằng, “bạn an toàn trong hệ thống sinh thái của chúng tôi”, làm mờ ranh giới giữa thế giới thực và ảo.
Andrew M. Dahdal, Janos Barberis, Gordon Walker, Jon M. Truby và Douglas Arner CFTE , UK (Center for Finance, Technology and Entrepreneurship – CFTE tạo nên nền tảng giáo dục giúp các chuyên viên tài chính và công nghệ tỏa sáng trong kỷ nguyên Fintech)/Đặc san Ngân hàng 2020