Tháng 1 năm 2021 là một tháng “bom tấn” để gây quỹ của các công ty fintech, với ít nhất 13 startup gọi vốn thành công số tiền từ 100 triệu USD trong tháng này, với tổng số vốn đầu tư là 2.746 triệu đô la Mỹ. Con số này chưa bao gồm khoản tài trợ dưới 100 triệu USD của nhiều startup khác.

Năm ngoái, các startup trong lĩnh vực fintech cũng đã huy động được tổng cộng 41,7 tỷ USD, là số tiền huy động lớn thứ hai trong thập kỷ qua.

Dưới đây là các startup được đầu tư nhiều nhất trong tháng 1/2021.

1. Checkout.com: 450 triệu USD

Nhà cung cấp giải pháp thanh toán có trụ sở tại Luân Đôn, Checkout.com đã kết thúc vòng Series C trị giá 450 triệu USD đưa giá trị công ty sau gọi vốn lên 15 tỷ USD. Công ty cho biết họ sẽ sử dụng số tiền thu được để phát triển hơn nữa bảng cân đối kế toán và thúc đẩy các giải pháp sáng tạo.

Checkout.com là nhà điều hành và phát triển nền tảng thanh toán trực tuyến nhằm theo dõi và bảo mật các khoản thanh toán kỹ thuật số trên Internet. Nền tảng tích hợp với công nghệ thanh toán end-to-end giúp loại bỏ các bên trung gian, chấp nhận nhiều thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ, kết nối các nhà bán lẻ với tài khoản ngân hàng của người mua sắm và hỗ trợ tất cả các ví điện tử chính. Nó cũng cung cấp các công cụ quản lý gian lận, phân tích và các tính năng báo cáo toàn diện.

2. Grab Financial: 300 triệu USD

Grab Financial, công ty fintech của siêu ứng dụng Grab ở Singapore, đã huy động được hơn 300 triệu USD trong vòng gọi vốn Series A. Số tiền đầu tư sẽ được sử dụng để thuê nhân tài mới và mở rộng các dịch vụ của Grab ở Đông Nam Á.

Grab Financial cho biết tổng doanh thu của công ty đã tăng hơn 40% vào năm 2020 nhờ những phát triển quan trọng bao gồm việc ra mắt sản phẩm quản lý tài sản bán lẻ AutotInvest và sự tăng trưởng của mảng kinh doanh bảo hiểm. Một tin vui khác là Liên danh Grab-Singtel gần đây đã được Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS) cho phép thành lập một ngân hàng kỹ thuật số hoàn chỉnh.

3. Rapyd: 300 triệu USD

Công ty dịch vụ công nghệ tài chính Rapyd đã huy động được 300 triệu USD trong vòng Series D. Số tiền đầu tư sẽ được sử dụng để mở rộng đội ngũ, phát triển công nghệ và thực hiện các thương vụ mua lại.

Rapyd cung cấp nền tảng dựa trên API bao gồm thanh toán, dịch vụ ngân hàng, chống gian lận và nhiều dịch vụ khác. Công ty phục vụ khoảng 5.000 doanh nghiệp, bao gồm các chợ điện tử và các doanh nghiệp thương mại điện tử.

4. Blend: 300 triệu USD

Công ty cho vay kỹ thuật số Blend có trụ sở tại Hoa Kỳ đã huy động được 300 triệu USD trong vòng tài trợ Series G, tăng gấp đôi mức định giá lên 3,3 tỷ USD kể từ vòng tài trợ cuối cùng và nâng tổng số tiền huy động được cho đến nay lên hơn 650 triệu USD. Công ty cho biết họ sẽ sử dụng số vốn mới để phát triển và đầu tư vào các sản phẩm và dịch vụ “may đo” theo yêu cầu của các tổ chức tài chính.

Blend cung cấp nền tảng cho vay thế chấp và quy trình mua nhà cho cả người mua và người cho vay. Nền tảng cho vay kỹ thuật số Blend được sử dụng bởi hơn 285 tổ chức tài chính hàng đầu.

5. MX Technologies: 300 triệu USD

Công ty khởi nghiệp dữ liệu fintech có trụ sở tại Hoa Kỳ MX Technologies đã hoàn tất vòng tài trợ Series C trị giá 300 triệu USD, tăng gấp bốn lần mức định giá lên 1,9 tỷ USD. Cho đến nay, MX đã huy động được tổng cộng 475 triệu USD.

MX là nhà phát triển nền tảng chuyển đổi kỹ thuật số cho các ngân hàng, công ty tín dụng, đối tác và các công ty công nghệ tài chính. Nền tảng này cho phép các tổ chức tài chính kết nối với dữ liệu tài chính của thế giới thông qua tổng hợp tài khoản, API ngân hàng và nâng cao dữ liệu giao dịch.

Công ty hiện đang hợp tác với hơn 2.000 tổ chức tài chính và 43 trong số 50 nhà cung cấp ngân hàng kỹ thuật số hàng đầu.

6. PPRO: 180 triệu USD

Nhà cung cấp cơ sở hạ tầng thanh toán có trụ sở tại London, PPRO, đã huy động được 180 triệu USD, nâng mức định giá của nó lên hơn 1 tỷ USD. Công ty cho biết họ sẽ sử dụng vốn mới để tiếp tục đẩy mạnh việc mở rộng toàn cầu và phát triển công nghệ cho dịch vụ thanh toán xuyên quốc gia.

PPRO đã xây dựng một nền tảng để giúp các sàn TMĐT, nhà cung cấp thanh toán ở hơn 190 quốc gia; cho phép thanh toán bản địa hóa bao gồm ví điện tử, chuyển khoản ngân hàng, thẻ nội địa và tiền mặt.

7. GCash: 175 triệu USD

Ví điện tử của Philippines GCash đã huy động được hơn 175 triệu USD, nâng mức định giá công ty lên gần 1 tỷ USD.

GCash là ứng dụng dành cho thiết bị di động cho phép người dùng thanh toán hóa đơn, mua hàng, gửi tiền, mua sắm, v.v. Đây là một trong những ví điện tử lớn nhất của Philippines.

GCash đã ghi nhận mức giao dịch kỷ lục 1 nghìn tỷ PHP vào năm 2020 và số người dùng đã tăng lên hơn 33 triệu người.

8. Divvy: 165 triệu USD

Startup fintech có trụ sở tại Hoa Kỳ Divvy đã hoàn tất vòng tài trợ Series D trị giá 165 triệu USD với mức định giá 1,6 tỷ USD. Công ty cho biết sẽ sử dụng số tiền thu được để đầu tư mạnh mẽ vào phát triển sản phẩm và kỹ thuật nhằm đẩy nhanh lộ trình trong tương lai.

Divvy cung cấp thẻ công ty vàphần mềm quản lý chi phí cho các doanh nghiệp nhỏ. Vào năm 2020, công ty cho biết họ đã ghi nhận mức tăng trưởng khách hàng 120% và tăng trưởng doanh thu hơn 100%.

9. Mambu: 133 triệu USD

Nền tảng dịch vụ phần mềm ngân hàng Mambu đã huy động được 110 triệu EUR (tương đương với 133 triệu USD), nâng mức định giá công ty sau gọi vốn là 1,7 tỷ EUR (2 tỷ USD). Công ty cho biết họ sẽ sử dụng số tiền thu được để tăng gấp đội ngũ vào năm 2022 và mở rộng sang các thị trường mới bao gồm Brazil, Nhật Bản và Mỹ.

Mambu là startup fintech của Đức cung cấp các sản phẩm cho vay, tiền gửi và ngân hàng bằng APIs, phục vụ các ngân hàng và các công ty dịch vụ tài chính khác.

Trong năm 2021, Mambu cho biết họ sẽ tiếp tục tập trung vào khu vực Đông Nam Á và mở rộng dấu ấn của mình tại các thị trường bao gồm Nhật Bản, Singapore, Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Australia, New Zealand và Malaysia.

10. LendingPoint: 125 triệu USD

LendingPoint có trụ sở tại Hoa Kỳ đã huy động được 125 triệu USD từ Warburg Pincus. Số tiền sẽ dùng để đầu tư vào trí tuệ nhân tạo (AI) và trải nghiệm người dùng, phát triển các tính năng và khả năng mới cho ứng dụng di động.

LendingPoint đã phát triển một nền tảng fintech cung cấp các giải pháp tài chính cho các đối tác thương mại điện tử, điểm bán hàng và tổ chức tài chính.

11. Melio: 110 triệu USD

Melio, một startup fintech có trụ sở tại New York và Israel, đã huy động được 110 triệu USD tài trợ với mức định giá 1,3 tỷ đô la Mỹ.

Melio cung cấp nền tảng thanh toán điện tử cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) bằng cách chuyển khoản ngân hàng, thẻ ghi nợ hoặc thẻ tín dụng.

Số lượng người dùng hoạt động hàng tháng của Melio đã tăng hơn 2.000% vào năm 2020. Công ty cho biết họ sẽ sử dụng nguồn vốn mới để tăng trưởng và tiếp tục xây dựng nền tảng cho phép các đối tác cung cấp dịch vụ thanh toán B2B cho khách hàng của họ.

12. SimpleNexus: 108 triệu USD

SimpleNexus có trụ sở tại Hoa Kỳ đã hoàn tất vòng Series B trị giá 108 triệu USD. SimpleNexus cung cấp nền tảng thế chấp kỹ thuật số và ứng dụng di động kết nối người cho vay với người đi vay và đại lý bất động sản.

SimpleNexus đang phục vụ hơn 29.000 người cho vay, 123.000 đại lý bất động sản và hơn 3 triệu người vay. Cho đến nay, nền tảng đã xử lý hơn 13 triệu khoản vay với tổng số tiền giao dịch hơn 3 nghìn tỷ USD.

13. Ví điện tử MoMo: 100 triệu USD

M_Service, công ty chủ quản của ví điện tử MoMo lớn nhất Việt Nam, đã huy động được hơn 100 triệu USD từ sáu nhà đầu tư toàn cầu, trong đó có Warburg Pincus. Số tiền này sẽ được sử dụng để phát triển MoMo thành siêu ứng dụng như Grab và GoJek.

MoMo hiện có khoảng 20 triệu người dùng. Công ty hy vọng sẽ lên sàn trong giai đoạn 2021-2025.

Hàn Mai

Theo Fintechnews