Thái Chương, CEO cổng học tập Cohota: Giúp các trường đại học chuyển dịch lên “đám mây”
Thái Chương kỳ vọng, Cohota – nền tảng quản lý học tập và đào tạo ở mọi cấp độ sẽ góp phần đổi mới phương pháp dạy và học tại Việt Nam theo hướng sáng tạo, linh động hơn.
Đổi mới phương pháp dạy và học
“Đại dịch Covid-19 đã giúp thuật ngữ LMS (hệ quản trị – PV) về hệ thống quản trị trung tâm nổi lên và Cohota là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam cung cấp dưới dạng cloud nguồn mở, kết nối thẳng với các trường đại học, đơn vị đào tạo chính quy”, Thái Chương giới thiệu về Cohota tại vòng chung kết cuộc thi Startup Việt 2020.
Với khẩu hiệu “giáo dục là chìa khóa”, Cohota (viết tắt của từ “cổng học tập”) hỗ trợ các nhà trường, giáo viên tạo một LMS với tên miền riêng và có thể tùy chỉnh theo nhu cầu. LMS là phần mềm giúp phân phối các tài liệu học trực tuyến (e-learning) tới học viên, đồng thời hỗ trợ nhà quản lý theo dõi, điều chỉnh và đánh giá quá trình đào tạo.
Cohota đi sâu vào phương pháp giáo dục, giúp người học chủ động hơn, giúp giáo viên tự do thể hiện phương pháp giảng dạy (theo nhóm, dự án…), đa dạng nguồn tài liệu, tích hợp các công cụ theo dõi việc dạy và học.
Chương cho biết, giải pháp này đang được sử dụng ở nhiều trường đại học, cao đẳng, trung cấp, trung tâm đào tạo… như Trường cao đẳng An ninh mạng iSpace, Đại học An Giang, Đại học Quốc gia TP.HCM, Đại học Sư phạm Đà Nẵng…
“Với sự hỗ trợ của Cohota, các trung tâm đã tìm được mô hình mới, thay đổi phương pháp giảng dạy online, tạo môi trường cho học viên tương tác, tự tin thuyết trình qua các công cụ trực tuyến”, Chương nói.
Cohota có 4 thành phần quan trọng: hệ thống quản lý học tập, trung tâm lưu trữ dữ liệu (gồm hành vi của người dạy và người học), giao diện linh hoạt và ứng dụng tiện ích mở rộng.
“Cohota không chỉ cung cấp dịch vụ triển khai hệ thống, mà còn cung cấp phương pháp giảng dạy – điều đang thiếu đối với nhiều giáo viên”, Chương nói. Theo nhà sáng lập Cohota, nhiều giáo viên vẫn duy trì phương pháp giảng dạy theo sách mẫu, khiến người học nhàm chán, thiếu động lực học tập, thiếu gắn kết giữa người học và người dạy…
Ứng dụng mã nguồn mở trong ngành giáo dục
Sở dĩ lựa chọn khởi nghiệp với một dự án về cổng học tập là bởi, Chương đam mê lĩnh vực học thuật từ nhỏ. Anh được đào tạo chuyên ngành kỹ sư khoa học máy tính tại Trường đại học Bách khoa TP.HCM.
Năm 2015, khi tham gia viết đề xuất về hệ thống E-learning giáo dục giới tính của 9 nước Nam Á cho Tổ chức
IPPF (International Planned Parenthood Federation), Chương nhìn thấy sự phát triển của giáo dục trực tuyến cũng như các bất cập trong nhận thức về vấn đề chuyển đổi số trong giáo dục tại các nước đang phát triển. Đó là sự thiếu hụt lực lượng chuyên gia và đơn vị chuyên môn.
Năm 2016, Chương tìm hiểu và thử nhiều giải pháp mã nguồn mở; gặp gỡ, giao lưu với các chuyên gia. Trong thời gian này, các giải pháp của Shopify (nền tảng thương mại điện tử cho phép người dùng tạo website bán hàng online) đang nổi tiếng khắp thế giới.
Chương đã tìm hiểu về công nghệ của Shopify, kết hợp với hệ quản trị đào tạo nguồn mở Canvas – nền tảng đang được sử dụng ngày càng nhiều ở các trường đại học và các tập đoàn của Mỹ, châu Âu.
Đến năm 2017, Chương quyết định viết thư và trao đổi với tổ chức chủ sở hữu của Canvas và mời họ về Việt Nam. Tuy nhiên, mã nguồn mở của Canvas đưa về Việt Nam chưa thể triển khai được ngay ý tưởng “Shopify in Education” (một hệ quản trị đào tạo riêng, đầy đủ, dựng sẵn, có thể cài giao diện và tính năng linh động theo nhu cầu triển khai khác nhau của các phương pháp đào tạo khác nhau).
Không dừng lại ở đó, Chương đã mời những đồng nghiệp của mình, kể cả đồng nghiệp tại Ấn Độ về Việt Nam, tìm nguồn hỗ trợ từ các doanh nghiệp để hiện thực hóa ý tưởng “Shopify trong lĩnh vực giáo dục”. Đây là tiền đề để nền tảng Cohota ra đời.
Hoạt động theo mô hình thuê bao, trong năm 2020, Cohota ghi nhận doanh thu trên 100.000 USD từ các khách hàng trả phí định kỳ hàng tháng hoặc cả năm. Start-up này đang trong quá trình gọi vốn 1,5 triệu USD sau khi nhận khoản đầu tư 80.000 USD từ Trung tâm Dữ liệu (Đại học Quốc gia TP.HCM) và 10.000 USD từ Công ty TNHH T&H.
Số tiền này được kỳ vọng sẽ giúp 5% trường đại học tại Việt Nam chuyển dịch lên “đám mây” (cloud) và khoảng 30% doanh nghiệp chuyên cung cấp các công cụ hỗ trợ giảng dạy, đặc biệt là trước xu hướng chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ.
Cohota được đánh giá có lợi thế kết nối với trường đại học, nhưng trong bối cảnh hiện tại, mức độ cạnh tranh trong lĩnh vực công nghệ giáo dục đang rất cao, vì đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến khó lường, hàng loạt trường học phải triển khai dạy học trực tuyến.
Dẫu vậy, Chương tự tin rằng, đội ngũ Cohota sẽ giữ được lợi thế của mình. “Thứ nhất, đội ngũ Cohota đang rất máu lửa. Thứ hai, tất cả công nghệ của chúng tôi đều là dịch vụ mã nguồn mở, nên có thể cùng nhiều thành tố khác chung tay xây dựng với tâm huyết và niềm tin vào sứ mệnh phục vụ nền giáo dục của Việt Nam”, Thái Chương lý giải.
Theo Báo Đầu tư