‘Nếu bắt đầu khởi nghiệp, đặc biệt là về nông nghiệp mọi người hãy suy nghĩ kỹ. Đừng cảm tính như mình rồi lại phải trả giá nhiều…’, chia sẻ thật lòng của thạc sĩ trẻ Nguyễn Thị Minh Ngọc khi quyết định bỏ phố về quê khởi nghiệp…

Khi thạc sỹ đi cuốc đất trồng cà phê

Từng có thời gian du học tại nước ngoài, từng làm việc tại các công ty đa quốc gia, rồi làm việc tại một trường đại học công lập uy tín tại TP.HCM. Thế nhưng nữ thạc sỹ trẻ Nguyễn Thị Minh Ngọc từ bỏ tất cả để về quê nhà, xã Đắk Hring, huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum để làm một nông dân thứ thiệt. Khi đó, cô chưa có ý định khởi sự kinh doanh, chỉ đơn giản là về quê để tiện bề chăm sóc mẹ đau ốm.

Về quê, Nguyễn Thị Minh Ngọc trở thành nông dân trồng cà phê. Sáng sớm đi vào rẫy, tới tận tối mới về. Với một người bao năm chỉ quen đèn sách, chân yếu tay mềm, những ngày đứng cuốc đất dưới nắng, mồ hôi đầm đìa khiến chị luôn đặt câu hỏi vì sao người nông dân cơ cực như thế nhưng cuộc sống của họ lại không được đền đáp xứng đáng.


Chị Nguyễn Thị Minh Ngọc bên khu vườn nguyên liệu trồng mít, chuối.

Nhưng với chị, điều mệt mỏi nhất là luôn phải nghe những tiếng xì xào kiểu như: “Nghe đồn ăn học đàng hoàng, mà giờ làm rẫy.” “Thấy bảo giỏi lắm giỏi vừa, đi du học nọ kia, rồi về làm nông”,… Vậy là vừa làm rẫy, chị vừa phải tìm cách trấn an bố mẹ trước những lời xì xào bàn tán.

Rồi cơ duyên đưa chị đến con đường khởi nghiệp khi chứng kiến và tự tay cảnh phải vứt bỏ những buồng chuối chín vì không tiêu thụ được.

“Nhìn những buồng chuối chín, bố ì ạch chở về, bao xa rồi bao khó nhọc nhưng chín rụng, chẳng ai ăn, bán cũng không được. Ngồi lượm từng buồng chuối nhũn đen quẳng đi, thật sự mình rất tiếc. Chuối này ở Sài Gòn có khi siêu thị bán mười mấy ngàn đồng một ký, mà chưa chắc được bằng ở đây. Chuối được trồng tự nhiên ở bìa rẫy, bìa đồi, chẳng ai phun thuốc hay bón phân bao giờ. Đúng nghĩa chuối tự nhiên, sạch và ngon, mà uổng quá”, chị Ngọc cho biết.

Bão dông bủa vây cô gái trẻ khởi nghiệp

Sau một đêm suy nghĩ, tháng 8/2019, chị Ngọc quyết định thành lập Công ty TNHH Apanax với quyết tâm sản xuất trái cây sấy khô. Tuy nhiên, do không lường trước được chi phí ban đầu, lại muốn đáp ứng luôn đủ mọi tiêu chuẩn, nên từ mức dự tính chỉ vài trăm triệu đồng đã bị đội lên gấp 10, thành vài tỷ đồng, khiến chị phải mướt mồ hôi chạy tìm nguồn vốn.

“Thú thực là mình bị cả nhà phản đối, vì quá mạo hiểm. Một con bé chỉ biết đèn sách học hành bao năm, chẳng kinh doanh buôn bán gì, lại luôn nhìn đời màu hồng và cũng hay tin người,… rồi lại đem gia sản cả đời của bố mẹ ra thế chấp ngân hàng khi số tiền cần huy động cứ ngày một phình to ra. Nhưng rồi bố mẹ cũng đồng ý sau khi nghe mình ra rả thuyết phục mỗi ngày, mà lỡ đâm lao thì lại phải theo lao,…”, chị Ngọc chia sẻ.

Một mình chị tự lên ý tưởng thiết kế nhà xưởng, ký hợp đồng với đối tác thi công. Tuy nhiên, sau khi ký và thanh toán trước 30% giá trị hợp đồng, đối tác liên tục khất lần, không chịu triển khai thi công. Khi thi công dang dở thì phải dừng vì chị phát hiện đối tác làm ăn gian dối.


Sau bao vất vả, xưởng sản xuất cũng được hình thành.

Lo xong khâu xây dựng xưởng sản xuất, những rắc rối khác lại xảy đến. Lần này là đối tác nhận thiết kế, sản xuất và lắp đặt dây chuyền thiết bị đơn phương hủy hợp đồng khi thời hạn bàn giao máy móc chỉ còn 2 tuần.

“Thật sự mình sốc, không tin nổi. Nghĩ là anh ấy (đối tác của công ty) chỉ giận gì nói vậy thôi. Hai ngày sau, khi mà còn 1 tiếng nữa mình phải ngồi với các anh lãnh đạo Sở Công Thương để báo cáo tiến độ máy móc, do mình có xin tham gia 1 dự án nho nhỏ ở đây, thì nhận được tin nhắn trả tiền cọc. Lúc đó mình chân tay rụng rời, nước mắt cứ thế rơi”, chị Ngọc kể.

Không bỏ cuộc, chị Ngọc tự mình mày mò tìm cách, tìm đối tác khác. Chỉ sau 3 tháng kể từ ngày bị đơn phương hủy hợp đồng, công ty TNHH Apanax đã sản xuất ra những sản phẩm đầu tiên vào cuối năm 2020 là chuối sấy và mít sấy. Từ đó, bà con nơi đây không còn phải vứt bỏ những buồng chuối, những trái mít, cuộc sống của người dân nhờ thế cũng bớt cơ cực hơn.

“Nhiều khi nghe được mấy cô chú nói cảm ơn con, nhờ có con, có công ty ở đây là giúp được cho dân nhiều lắm rồi, thực sự, mình rất vui và mong là sau này mình cố gắng phát triển để giúp được thêm cho nhiều người khác nữa”, chị Ngọc cho hay.


Những trái chuối được trồng tự nhiên dùng làm nguyên liệu chuối sấy khô.

Chỉ sau vài tháng đi vào hoạt động, đến giữa năm 2021, nhà máy bỗng dưng phải dừng hoạt động vì đợt dịch Covid-19 bùng phát ở các tỉnh phía Nam. Hệ thống máy móc của công ty bị trục trặc, chuyên gia kỹ thuật của đối tác ở TP.HCM không thể lên Kon Tum vì dịch bệnh. Ở một nơi hẻo lánh, việc tìm một người thợ có chuyên môn về máy công nghiệp quả thực quá khó.

Nhà xưởng dừng hoạt động, hàng hoá bị ứ đọng, chị Ngọc như ngồi trên đống lửa. Đó cũng là thời gian chị phải “gồng lỗ”, chạy vạy khắp nơi chỉ mong duy trì công ty. Chỉ riêng việc lo trả lãi hàng tháng cũng đã khiến người khởi nghiệp như chị có thể gục ngã nếu không có đủ quyết tâm và cả yếu tố may mắn được người thân hỗ trợ.

Tuy nhiên, quãng thời gian nghỉ dịch cũng là lúc chị Ngọc và những người lao động trong công ty tập trung vào farm (trang trại), mở rộng vùng nguyên liệu đã trồng từ trước đó.

Đến nay, mọi hoạt động của nhà máy đã khôi phục trở lại. Sản phẩm mít sấy, chuối sấy với thương hiệu JOY dần chinh phục được các khách hàng thông qua các đại lý, siêu thị ở các thành phố lớn.

Trung bình mỗi tháng công ty thu mua 30-50 tấn chuối và khoảng 100 tấn mít từ bà con nông dân. Những ngày cao điểm có thể thu mua 2 tấn chuối và 4 tấn mít/ngày.

Hiện Joy có mít sấy giòn, chuối sấy giòn, chuối dẻo nguyên vị, chuối dẻo vị gừng, chuối dẻo vị mè, chuối dẻo quế và sắp tới có mắc ca. Công ty cũng đang dự định mở rộng ra các sản phẩm trái cây, rau củ khác như xoài, một số loại rau củ có tính dược liệu, tốt cho sức khoẻ như sâm dây, diếp cá, đinh lăng,…

Sản phẩm mít và chuối sấy khô của công ty được bày bán tại siêu thị, cửa hàng.

Chị Ngọc chia sẻ thêm: “Khi sản phẩm của mình hoàn thiện hơn, ngon hơn và tạo được sự yêu quý của khách hàng, đó như là động lực lớn lao cho mình. Bên cạnh những lo toan, những bộn bề, những ì ạch và cả những khắc nghiệt ngoài kia, chỉ cần có niềm tin, nỗ lực và cố gắng với tấm lòng thật sự thiện lành và thuần khiết, ắt sẽ có thuận lợi”.

Không biết bao nhiêu mồ hôi, nước mắt để có được những thành công ban đầu. Điều may mắn với chị là 99% trong số những người từng dùng thử đều khen sản phẩm mít, chuối sấy ngon, giữ được vị nguyên bản.

Giờ đây, khi nhìn lại những ngày tháng vất vả đã qua, chị Ngọc cho hay: “Bài học cho các bạn trẻ muốn về quê khởi nghiệp là phải chuẩn bị tinh thần vững. Vì nếu đi làm thuê bạn áp lực một – hai mà muốn buông bỏ thì khoan nghĩ khởi nghiệp vì khởi nghiệp áp lực gấp năm – mười lần. Làm thuê thì bạn chỉ cần lo làm tốt việc của mình, khởi nghiệp thì bạn cần lo tất cả mọi thứ to nhỏ.

Do đó, muốn khởi nghiệp trước tiên phải có sự chuẩn bị rất kỹ về tinh thần, tìm hiểu kỹ cái mình định làm và chuẩn bị kỹ. Thêm một điểm quan trọng nữa là phải có nguồn lực tài chính của mình hay có chỗ để vay. Khởi nghiệp thì tài chính rất quan trọng vì cái gì cũng cần tiền trong khi ban đầu chưa có thu. Đa số các công ty khởi nghiệp “chết” vì không có dòng tiền để xoay xở, do đó, khi khởi nghiệp bạn phải lên phương án nếu trong vòng 6 tháng – 1 năm mình chưa có thu thì tiền ở đâu để duy trì dự án khởi nghiệp của mình.

Mong anh chị em nếu bắt đầu khởi nghiệp, đặc biệt là về nông nghiệp hãy suy nghĩ kỹ càng. Đừng cảm tính như mình rồi lại phải trả giá nhiều về tiền bạc và sức khoẻ. Đam mê thì tốt nhưng chưa đủ, còn phải tính toán kỹ lưỡng, vì nếu ẩu chúng ta phải trả giá rất nhiều”.

Tuy nhiên, chị Ngọc cho rằng không nên vay quá khả năng của mình vì việc trả lãi ngân hàng sẽ rất mệt mỏi. Đặc biệt cần tuyệt đối tránh xa vay lãi cao ngoài xã hội.

“Vay lãi cao ngoài xã hội là cách khiến bạn phá sản nhanh nhất đấy”, chị Ngọc đưa ra lời khuyên.

THEO TUÂN NGUYỄN
(Infornet – Vietnamnet)