Tài xế công nghệ – nạn nhân của nền kinh tế bóc lột tàn nhẫn
Các công ty gọi xe Uber và Lyft lôi kéo tài xế bằng những mỹ từ như “ông chủ của chính mình” hay “giờ giấc linh hoạt”, để rồi biến họ thành nạn nhân của một nền kinh tế bóc lột.
Các công ty gọi xe Uber và Lyft lôi kéo tài xế bằng những mỹ từ như “ông chủ của chính mình” hay “giờ giấc linh hoạt”, để rồi biến họ thành nạn nhân của một nền kinh tế bóc lột.
Hơn 10 năm trước, dịch vụ gọi xe UberCab được thành lập tại Thung lũng Silicon (California, Mỹ), sau đó đổi tên thành Uber Technologies. Tính đến nay, công ty này đã đốt hơn 10 tỷ USD tiền đầu tư và vẫn chưa hề sinh lãi. Thành công của Uber là hiện 90 triệu người ở 700 thành phố trên thế giới đang sử dụng dịch vụ gọi xe và đặt đồ ăn của hãng.
Sau khi Uber phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu tại Phố Wall (New York) tháng 5/2019, hai nhà sáng lập của hãng trở thành tỷ phú USD. Trong khi các ông chủ và nhà đầu tư trở nên giàu sụ, những người tài xế hàng ngày lái xe chở hành khách của Uber sống chật vật trong cảnh khó khăn, nghèo nàn.
Khảo sát của đại học California cho thấy thu nhập của tài xế Uber tại Mỹ chỉ khoảng 20.000 USD/năm, thua xa mức thu nhập trung bình của người lao động Mỹ (khoảng 33.700 USD hồi năm 2018). Tại Anh, tài xế Uber chỉ kiếm được vỏn vẹn 5 bảng/giờ trong khi mức lương tối thiểu của lao động Anh trên 25 tuổi là 8,21 bảng/giờ.
Nền kinh tế bóc lột
Uber hay Lyft là đại diện tiêu biểu của “nền kinh tế tạm bợ” (gig economy). Trong nền kinh tế này, người lao động làm việc bán thời gian, tạm bợ trong khi các công ty chỉ muốn sử dụng lao động tự do thay vì lao động có hợp đồng. Người lao động được dán cái nhãn nghe rất kêu là “đối tác độc lập”. Họ làm việc cho các ứng dụng gọi xe, giao đồ ăn, gọi người giúp việc nhà…
Theo Forbes, một khảo sát hồi năm 2018 cho thấy có tới 57 triệu người lao động Mỹ tham gia vào “nền kinh tế tạm bợ”. Ở Anh, khoảng 4,7 triệu người trở thành “đối tác độc lập” của các công ty “kinh tế tạm bợ”. Tại Đông Nam Á, chỉ riêng Grab có ít nhất 2,7 triệu tài xế còn Gojek có khoảng 1 triệu tài xế.
Khi quảng bá dịch vụ mới, các startup công nghệ ở Thung lũng Silicon (hay bất kỳ nơi nào khác) thường khẳng định khả năng “cách mạng hóa công việc” và “trao cho người lao động quyền tự sắp xếp lịch làm việc riêng”. Chẳng hạn, hãng gọi xe Lyft lôi kéo các tài xế với câu hỏi: “Bạn có muốn trở thành ông chủ của chính mình không?”.
TaskRabbi, ứng dụng kết nối các hộ gia đình với người lao động tự do, đưa ra những lời quảng cáo như: “Tìm công việc bạn yêu thích cùng mức lương bạn chọn và lịch làm việc phù hợp với cuộc sống của bạn”. Tuy nhiên, thực tế không phải là màu hồng.
Ví dụ, Uber và Lyft xác định tài xế là “đối tác độc lập” chứ không phải là nhân viên chính thức. Nhờ đó, hai công ty này không phải đóng nhiều loại thuế, chi trả bảo hiểm xã hội và y tế, tiền tăng ca hoặc lương tối thiểu cho hàng trăm nghìn tài xế. Là “đối tác độc lập”, tài xế không có quyền thành lập công đoàn lao động hay thương lượng hợp đồng.
Uber và Lyft lập luận rằng phần lớn tài xế muốn duy trì hình thức “đối tác độc lập” vì có thể linh hoạt giờ giấc làm việc. Tuy nhiên, trên thực tế Uber và Lyft sử dụng các thuật toán để buộc tài xế phải tuân thủ những quy định về đón, trả khách để được nhận đủ thu nhập hoặc thay đổi mức giá để ép tài xế làm việc trong những múi giờ cụ thể.
Do đó, trên thực tế các tài xế buộc phải làm việc liên tục hàng ngày và bị giám sát nghiêm ngặt, không hề được hưởng chế độ làm việc linh hoạt như Uber và Lyft quảng cáo. “Các tài xế không thể tự kiểm soát công việc và số phận của họ”, luật sư Bryant Greening của hãng luật LegalRideshare nhấn mạnh.
Theo Vox, thực tế là đằng sau những lời quảng bá đường mật, “nền kinh tế tạm bợ” thực chất hoạt động trên cơ sở bóc lột người lao động một cách tàn tệ. Ví dụ, hồi năm 2019, Uber mạnh tay cắt giảm tiền ăn chia cho tài xế ở các thành phố lớn tại Mỹ để tô hồng kết quả kinh doanh và thu hút các nhà đầu tư.
Sống trong túng quẫn
Kiếm sống trong một nền kinh tế bóc lột như vậy, người lao động tạm bợ không thể dư dả. Theo báo cáo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) hồi năm 2019, có tới 58% người lao động tạm bợ làm việc toàn thời gian cho biết họ không kiếm đâu ra đủ tiền mặt nếu cần chi 400 USD để thanh toán một hóa đơn khẩn cấp.
Với người lao động không làm việc trong nền kinh tế tạm bợ, tỷ lệ này chỉ 38%. Điều đó là rất dễ hiểu, bởi người lao động làm việc trong nền kinh tế tạm bợ là những đối tượng dễ bị tổn thương. Họ không có bảo hiểm y tế, trợ cấp thất nghiệp, ngày nghỉ được trả lương và phúc lợi lao động cơ bản khác.
Trong một cuộc khảo sát hồi tháng 7/2019 của đại học California Berkeley, hơn 50% tài xế lái xe của các ứng dụng gọi xe tại thành phố New York làm việc toàn thời gian. Khoảng 50% trong số đó phải nuôi gia đình và có con nhỏ. Thu nhập của họ thấp đến nỗi hơn 40% tài xế đủ điều kiện nhận bảo hiểm y tế Medicaid và khoảng 18% đủ tiêu chuẩn nhận phiếu thực phẩm.
Do khó khăn tài chính, hàng chục nghìn tài xế Uber và Lyft đã biểu tình đòi quyền lợi tại các thành phố lớn ở Mỹ, Australia và Brazil hồi năm 2019. Và chính quyền nhiều địa phương tại Mỹ đã ra tay can thiệp. Tuần trước, tòa án cấp cao California ra phán quyết buộc Uber và Lyft phải công nhận các tài xế là “nhân viên chính thức” thay cho “đối tác độc lập”.
Điều đó đồng nghĩa với việc Uber và Lyft phải đảm bảo các phúc lợi như bảo hiểm y tế và xã hội, lương ngoài giờ, nghỉ bệnh có lương… cho tài xế. Quy định này sẽ được thực thi từ ngày 20/8. Uber và Lyft dọa sẽ ngừng hoạt động tại California, nhưng nếu làm như vậy sẽ đánh mất một thị trường to lớn trong thời điểm doanh thu lao dốc vì dịch Covid-19.
Trên Medium.com, nhà phân tích Brian Merchant nhận định các startup như Uber và Lyft trở nên nổi tiếng nhờ rao bán đủ loại ảo tưởng, từ dự báo sẽ sớm có lãi nhờ chiếm lĩnh thị trường cho đến “cách mạng hóa công việc”. Nhưng cuối cùng thì đó chỉ là những công ty taxi lợi dụng cái tiếng “công nghệ”, và hoạt động dựa trên hành vi bóc lột sức lực của người lao động.
Theo ông Merchant, phán quyết của tòa án cấp cao California sẽ đặt dấu chấm hết cho mô hình kinh doanh của Uber và Lyft. Việc hai hãng này tuyên bố sẵn sàng rút khỏi California chỉ là lời đe dọa vô nghĩa, cho thấy họ đang lo lắng và bối rối.
“Chúng ta nên mừng vì những ảo tưởng mà các công ty này rao bán đang vỡ vụn. Bởi nếu mô hình kinh doanh này trở thành tiêu chuẩn hàng ngày, chúng ta sẽ đối mặt với tương lai vô cùng u ám. Ở đó, người lao động sẽ sống mòn với mức lương bèo bọt trong khi các ông chủ nền tảng giàu to”, nhà phân tích này nhấn mạnh.
Thảo Cao
Theo Zing