Tái chế mỡ động vật thành vật liệu cao cấp
Từ nguồn nguyên liệu là mỡ động vật, Lê Minh Tuấn và nhóm bạn đã “nâng cấp” thành những vật liệu giá trị và phục vụ hữu ích cho cuộc sống hiện đại.
Nuôi dưỡng đam mê
Tại vòng chung kết cuộc thi Vietnam Startup Wheel năm 2018, dự án sản xuất vật liệu graphene từ mỡ động vật tái chế của anh Lê Minh Tuấn (với tên gọi graphene – Nano technology) đã được đánh giá cao và được trao giải “Ý tưởng sáng tạo nhất” trong số gần 1.500 dự án, mô hình khởi nghiệp sáng tạo tham gia cuộc thi.
Đây là dự án sản xuất vật liệu graphene từ mỡ động vật tái chế ở quy mô lớn với chi phí thấp. Graphene là một vật liệu vượt xa tất cả vật liệu nano hiện nay và chắc chắn không thể thiếu trong việc nghiên cứu và phát triển các thiết bị kỹ thuật số như chip vi xử lý và sản phẩm phụ trợ.
Năm 2016, nano technology nghiên cứu thành công phương pháp tổng hợp graphene, và hiện nay đã vào giai đoạn hoàn thiện quy trình sản xuất. Với sản phẩm của Tuấn, không ai nghĩ anh lại “dám” đi tìm cách bóc tách chất nền mới, quá khác so với hai nhà vật lý đã được trao giải Nobel khi khám phá ra chất liệu graphene này.
Tháng 4/2008, graphene được sản xuất bằng quá trình “tróc” đá, là một trong những nguyên liệu đắt tiền nhất thế giới: một mảnh nhỏ đến nỗi có thể nằm trên đầu sợi tóc con người, có giá hơn 1.000 USD (khoảng 100 triệu USD/cm2). Sau đó, quá trình “tróc” này được hoàn thiện, giá dần rẻ hơn và ngày nay đã có những công ty sản xuất hàng tấn.
Sinh năm 1983, quê ở Bà Rịa – Vũng Tàu, Minh Tuấn học khoá II khoa Công nghệ nano (ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia TPHCM). Tốt nghiệp ĐH, như bao bạn trẻ khác, Minh Tuấn phải làm nhiều nghề khác nhau để mưu sinh và nuôi dưỡng những ấp ủ của mình. Về làm chuyên viên ở Khu Công nghệ cao TPHCM, nhưng để mưu sinh, anh chàng “nano” tương lai này đã làm gia sư, vận chuyển hàng hoá, phân phối… để có tiền trả phòng trọ và nuôi sống bản thân.
Rồi cơ duyên đến, Minh Tuấn gặp lại hai người bạn thời sinh viên đi làm chung, cũng là dân mê nghiên cứu, sáng tạo. Thế là cả ba lập ra một nhóm nghiên cứu, phát triển ứng dụng công nghệ nano mới trên nền tảng graphene khi “gặp” được khám phá của Andre Geim và Konstantin Novoselov- hai nhà vật lý đã khám phá ra graphene và được trao giải Nobel về lĩnh vực Vật lý vào năm 2010. Từ đây, cả 3 đã lao vào một cuộc dấn thân đầy phiêu lưu và thách đố của khoa học với biết bao gian truân, thử thách.
Lấy mỡ động vật làm nguyên liệu
Theo thuyết trình của Minh Tuấn tại Vietnam Startup Day 2018, graphene là một kiểu tấm cấu tạo từ các nguyên tử cacbon liên kết với nhau theo kiểu hình lục giác tuần hoàn. Về cơ bản, nó là chất liệu hai chiều đầu tiên từng được chế tạo. Nó còn là chất liệu bền nhất từng được biết tới, bền hơn thép khoảng 100 lần.
Vì một tấm graphene chỉ dày một nguyên tử, cho nên nó còn trong suốt, và có thể giữ vai trò nhất định trong sự phát triển của công nghệ hiển thị điện tử trong tương lai. Với những sản phẩm cung ứng chất liệu nền về graphene nano trong tương lai mà Lê Minh Tuấn chia sẻ tại cuộc thi, đó là những dòng pin siêu nhỏ, nhẹ, bền, sạc được nhanh; sơn chống thấm, chống cháy, chống ăn mòn, giúp gia cố vật liệu xây dựng; các cảm biến để đo lường an toàn thực phẩm; các loại mỹ phẩm chăm sóc da…
Để có được thành quả như hiện nay là cả một hành trình thử thách đối với Minh Tuấn và những người bạn. “Ban đầu, tôi cùng 3 người bạn lập một nhóm nghiên cứu. Tiền sinh viên mới ra trường thì bữa đói, bữa no nên cũng phải vay mượn, xin xỏ người thân để thuê một căn nhà trọ (và là phòng nghiên cứu) ở huyện Củ Chi, TPHCM từ năm 2010 đến năm 2016.
Rồi sau này hai bạn đó tách ra, một hiện làm cho một công ty về công nghệ này ở Hàn Quốc, một ở Mỹ, nhưng cả 3 đều là tác giả của công nghệ mới này ở Việt Nam. Cũng nợ nần, cũng cơm bờ cơm bụi, cũng đi làm thuê, làm mướn, “cày” đủ kiểu”, Tuấn nhớ lại.
Theo Minh Tuấn, khó khăn nhất là tiền mua trang thiết bị và vật liệu để thí nghiệm, nghiên cứu. Nó rất đắt tiền. “Graphene gốc là than chì, nguyên liệu cơ bản của nó quá đắt với nhóm nên chúng tôi phải mày mò để tìm ra nguyên liệu thay thế là mỡ động vật.
Nói ra thì đơn giản nhưng phải mất cả nhiều năm mới tìm ra được với biết bao hao tổn về tâm trí, sức khoẻ lẫn vật chất để tìm ra nguyên liệu thay thế này. Nó vừa tiết kiệm cho nguồn cung cấp của chúng tôi, mặt khác xã hội sẽ đỡ nguồn kinh phí để xử lý, tái chế, vừa giảm phát thải chất độc hại ra môi trường”, Minh Tuấn chia sẻ.
Đình Du – Báo Tiền phong