Sự sụp đổ của dịch vụ chia sẻ xe đạp ở Trung Quốc
Trong hơn vài năm qua, loại hình chia sẻ xe đạp (tương tự chia sẻ ô tô của Uber) đã trở thành xu hướng đầu tư nóng nhất ở Trung Quốc đi kèm sự bùng nổ mạnh mẽ. Tuy nhiên, những “núi rác” xe đạp nằm giữa đô thị đang cho thấy tương lai tăm tối của ngành này.
Theo ông Yu Xue, nhà phân tích tại công ty nghiên cứu thị trường IDC, cách đây khoảng một năm rưỡi, lĩnh vực chia sẻ xe đạp ở nước này có khoảng 60 công ty khởi nghiệp. Tuy nhiên, mọi thứ đã trở nên khó khăn khi nhu cầu thật sự của người dân đối với loại xe truyền thống này không cao, trong khi các công ty cung cấp dịch vụ lại bùng nổ ở quy mô và số lượng ngày càng lớn. Ông Xue dự đoán trong năm 2018 chỉ còn khoảng 10 công ty hoạt động trong lĩnh vực này.
Hiện nay tại Trung Quốc, khách hàng có thể dễ dàng thuê xe thông qua ứng dụng trên smartphone và sử dụng xe tùy theo ý thích của họ như đạp xe đi dạo cùng bạn bè quanh thị trấn và đặc biệt, có thể trả xe tại điểm dừng cuối cùng. Mô hình này nhanh chóng phát huy hiệu quả và được công chúng đón nhận, tuy nhiên, nó đã phát triển quá nhanh, dẫn đến tình trạng cung vượt cầu.
Người dân phàn nàn nhiều bãi xe đạp chiếm dụng vỉa hè, lòng đường gây khó khăn cho việc đi lại. Chính quyền địa phương phải vào cuộc, thiết lập lại trật tự đô thị và ban hành các quy định nhằm hạn số lượng xe đạp.
Một cuộc đào thải khốc liệt đang diễn ra nhanh chóng, nhiều công ty đã phải đóng cửa do kinh doanh thua lỗ. Một số khác lựa chọn giải pháp sáp nhập vào các “ông lớn” trong ngành.
Ông Xue cho biết rất khó ước tính quy mô thiệt hại bởi nhiều công ty đã âm thầm đóng cửa và không đưa ra thông báo.
Zha Songcheng, Phó Chủ tịch của Hellobike, cho biết: “Số lượng người sử dụng xe đạp đã giảm mạnh trong thời gian gần đây”. Hellobike hiện là công ty chia sẻ xe đạp lớn thứ ba ở Trung Quốc.
Công ty chia sẻ xe đạp Bluegogo có trụ sở tại Bắc Kinh đã bị bán cho đối thủ vào tháng 11-2017. Ở thời kỳ đỉnh cao, Bluegogo là một trong những công ty khởi nghiệp (startup) lớn nhất trong lĩnh vực này, phủ sóng khắp các thành phố tại Trung Quốc với 20 triệu khách hàng và sở hữu hơn 600 nghìn xe đạp.
Thất bại của Bluegogo phần nào phản ánh bức tranh chung trên thị trường chia sẻ xe đạp Trung Quốc khi cơn sốt qua đi.
Một vấn đề nảy sinh khi các công ty đóng cửa là việc khách hàng bị mất tiền đặt cọc để sử dụng dịch vụ. Shuting Wang, một nhà tư vấn quản lý ở Bắc Kinh cho biết cô đã mất khoảng 200 Nhân dân tệ (30 USD) cho Bluegogo.
Sau khi cố gắng lấy lại tiền đặt cọc nhưng không thành, Wang thận trọng hơn khi sử dụng dịch vụ của các công ty chia sẻ xe đạp. Một số khách hàng còn mang xe đạp về nhà và rao bán trên mạng vì không thể lấy lại tiền đặt cọc.
Tuần trước, Mingbike đã trở thành công ty chia sẻ xe đạp đầu tiên bị kiện vì không thể hoàn trả lại các khoản tiền gửi đặt cọc.
Tháng 8-2017, Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc cùng chín bộ ngành khác đã ban hành nhiều quy định siết chặt quản lý hoạt động của các công ty chia sẻ xe đạp để bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng và đưa ngành này đi vào ổn định.
Ofo và Mobike là hai công ty lớn nhất trên thị trường chia sẻ xe đạp Trung Quốc hiện nay khi chiếm hơn 90% thị trường. Mobike được hỗ trợ bởi người khổng lồ công nghệ Tencent còn Ofo được hậu thuẫn bởi tập đoàn thương mại điện tử Alibaba.
Mặc dù nhận được sự hậu thuẫn từ các tập đoàn lớn nhưng các công ty này vẫn chưa thu được lợi nhuận tương xứng với tổng chi phí bỏ ra. Cuộc chiến giành thị phần gay gắt đã buộc cả hai phải liên tục tung các chương trình giảm giá, đạp xe miễn phí nhằm thu hút khách hàng. Trước áp lực về lợi nhuận ngày càng tăng lên, hai công ty gần đây đã phải lên kế hoạch đàm phán về việc sáp nhập.
Các công ty còn lại phải cố gắng xoay xở tìm hướng đi mới để tồn tại nếu không muốn lâm vào cảnh phá sản.
Hellobike là ví dụ điển hình. Công ty này gần đây đã tung ra dịch vụ chia sẻ xe máy điện (xe máy điện Uber) với 60.000 chiếc được đưa vào khai thác. Công ty xem đây là biện pháp cứu cánh khi thị trường xe đạp Uber suy thoái.
Trần Ánh – Báo Nhân dân