Tập đoàn giao món từ Đức cần phải làm nhiều việc nếu muốn đạt mục tiêu của họ tại thị trường Việt Nam khi đã phải rút vốn một lần trước đây.

Delivery Hero gia nhập thị trường giao đồ ăn Việt Nam vào năm 2012, vào thời điểm đó Foodpanda là ứng dụng giao đồ ăn quốc tế lần đầu xuất hiện tại Việt Nam và nhanh chóng mở rộng ra 5 tỉnh, thành cả nước.

Tuy nhiên, “chưa đúng thời điểm” là câu nói đúng với trường hợp của Foodpanda. Sau 3 năm, startup này phải rút khỏi Việt Nam sau khi bán lại cho hang giao đồ ăn gốc Việt là Vietnamm. Nguyên nhân sự thất bại của Foodpanda được các chuyên gia chỉ ra là vì thời điểm đó người Việt chưa có thói quen gọi đồ ăn giao tại nhà.

Tuy nhiên, chỉ sau đó vài năm thị trường Việt mở rộng ra với nhiều thương hiệu giao đồ ăn, đầu tiên là Foody/Now (gia nhập năm 2014) và sau đó là Grab (2018), GoViet (nay là GoJek), Baemin (2019). Cùng với dân số trẻ khá am hiểu và yêu thích công nghệ, người Việt dần quen với các ứng dụng gọi đồ ăn. Thị trường giao đồ ăn được xem là thị trường tiềm năng khi tốc độ đô thị hóa tại Việt Nam diễn ra khá nhanh, đồng thời tỉ lệ dân số trẻ chủ yếu và đa số sử dụng smartphone. Theo báo cáo của Công ty nghiên cứu thị trường Kantar TNS, doanh thu thị trường giao đồ ăn trực tuyến Việt Nam năm 2018 là 148 triệu USD và có tốc độ tăng trưởng trung bình 28.5%/ năm. Các chuyên gia ước tính doanh thu năm 2023 ước tính có thể lên tới 449 triệu USD.

Quy mô thị trường giao đồ ăn trực tuyến – Ảnh: Kantar TNS

Khi dịch Covid-19 lan rộng ra các nước, cùng với lệnh giãn cách xã hội của chính phủ, thị trường giao đồ ăn Việt Nam chứng kiến sự phát triển bùng nổ.  Đầu năm 2019, “kì lân” Hàn Quốc Woowa Brothers quyết định mua lại Vietnammm và triển khai Baemin tại Việt Nam. Tuy nhiên cũng chưa đầy một năm, Delivery Hero lại thâu tóm chính Woowa Brothers, đánh dấu lần trở lại thị trường Việt Nam sau nhiều năm.

Khi tuyên bố “dừng cuộc chơi”, Foodpanda cho rằng họ sẽ cần nhiều tiền để đi tới mục tiêu. Số tiền này vượt quá khả năng mà Foodpanda sẵn sàng đầu tư. Thay vào đó, hãng tuyên bố muốn tập trung vào các thị trường đã tạo ra lợi nhuận.

Tuy nhiên, với lần trở lại này, Delivery Hero đang rất kì vọng sẽ tạo ra sự khác biệt. Cùng với kinh nghiệm 8 năm chinh chiến thị trường tương tự Việt Nam là Hàn Quốc, Baemin tự tin sẽ thành công tại Việt Nam nhờ lợi thế là 100% tập trung vào mảng kinh doanh giao đồ ăn.

Ngoài ra, Baemin cũng hợp tác với Momo và ZaloPay, hai trong số những ví điện tử hàng đầu tại Việt Nam. Đây cũng là một lợi thế cạnh tranh khi khách hàng GrabFood buộc phải thanh toán qua Moca, còn GoFood thậm chí chưa tích hợp tính năng thanh toán phi tiền mặt.

Baemin vẫn có phần thất thế khi so với các đối thủ cạnh tranh. Ảnh: Qandme.

Lần trước, Delivery Hero đã không đủ vốn để trụ tại thị trường Việt Nam. Lần trở lại này, đại diện Baemin tuyên bố họ sẵn sàng đầu tư một lượng tiền lớn vào thị trường Việt Nam, ít nhất là ngang các đối thủ cạnh tranh.

Một khảo sát khác của Qandme vào tháng 5 cho thấy, Baemin đang là nền tảng giao đồ ăn xếp thứ 4 tại Việt Nam, xếp sau GrabFood, GoFood và Now.

Đương nhiên, Baemin sẽ đối mặt với sự cạnh tranh đáng gờm từ các đối thủ. Năm ngoái, Grab đã cam kết 500 triệu USD vào thị trường Việt Nam để tiếp tục xây dựng hệ sinh thái, đồng thời mở rộng các mô hình kinh doanh mới như GrabMart hay GrabKitchen.

Gojek Việt Nam (tiền thân là GoViet) vốn là một ứng dụng đẩy mạnh vào mảng giao món với hàng loạt các chính sách ưu đãi cho tài xế và khách hàng. Hiện sau khi hợp nhất thương hiệu, Gojek tiếp tục cho thấy tham vọng khi tung ra nhiều chính sách ưu đãi lớn.

Hàng loạt khó khăn đang chờ đón Baemin. Công ty TNHH Việt Nam MM, chủ sở hữu của Vietnammm (tiền thân của Baemin) đã có một năm tài chính không thật sự như ý, ít nhất về mặt kết quả kinh doanh.

Woowa Brothers thâu tóm Vietnam MM từ tháng 2/2019. Song 2019 là năm đầu tiên kể từ 2016 có mức lợi nhuận gộp âm (41,9 tỉ đồng). Trước đó, lợi nhuận gộp các năm của Vietnam MM tăng trưởng đều từ 12,5 tỉ đồng lên 25,6 tỉ.

Không phải mọi ứng dụng kết nối trong lĩnh vực giao đồ ăn đều thành công. ZaloFood, ứng dụng giao món của Zalo cũng từng ra mắt rầm rộ năm 2018 trước khi chìm dần vào quên lãng. Ứng dụng gọi xe Be cũng có ý định làm mảng giao món, nhưng sau đó đã phải hủy kế hoạch. Với Delivery Hero liệu sẽ có một cái kết khác?

Tú Oanh