Sử dụng công nghệ quang phổ trong nông nghiệp
Biết được tình trạng của đất trồng luôn là mối quan tâm hàng đầu của nông dân. Vì thế không khó hiểu khi công ty khởi nghiệp Ceres Imaging đã dễ dàng huy động được tới 25 triệu đô vốn cho giải pháp theo dõi chất lượng đất bằng công nghệ quang phổ của họ.
Ceres Imaging đã gắn máy ảnh và bộ cảm biến lên máy bay để ghi lại hình ảnh trên cao của đất nông nghiệp. Các hình ảnh chụp được sẽ được phân tích quang phổ để cho thấy mức độ ẩm của đất và tình trạng chung, đồng thời cũng đo lường sức khỏe của cây trồng. Thông qua các dữ liệu này, người dùng có thể phát hiện các điểm bất thường trong khu vực trồng trọt mà mắt thường không thể nhận thấy.
Điểm làm nên sự khác biệt của Ceres Imaging chính là bộ đa cảm biến gắn trên máy bay. Mỗi camera sẽ thu thập dữ liệu từ một phần khác nhau của quang phổ ánh sáng, với tối đa 6 dải bước sóng quang phổ khác nhau cùng một lúc. Sau đó, hệ thống công nghệ hiện đại của Ceres Imaging sẽ kết hợp các hình ảnh để tạo thành một bức tranh liền mạch về đối tượng trang trại cần tìm hiểu.
Hệ thống phần mềm Ceres Imaging giúp phát hiện bệnh dịch, ký sinh trùng và cỏ dại; chỉ ra nơi lượng nước và phân bón bị quá tải hoặc không sử dụng; và phân bố các loài thực vật không đều. Người nông dân có thể sử dụng nó để hạch toán thực địa, phát hiện vấn đề, quản lý phân bón và tưới tiêu hàng tuần.
Ceres Imaging còn phát triển ứng dụng điện thoại, giúp người sử dụng có thể dễ dàng xác định vị trí của các khu vực xảy ra vấn đề thông qua định vị GPS. Ứng dụng này có thể truy cập offline, nên người nông dân có thể mang theo điện thoại ra cánh đồng và đi đến những điểm đã đánh dấu trước trên bản đồ.
“Hình ảnh mà chúng tôi cung cấp giúp nhà nông ứng phó với một thế giới thay đổi đầy thách thức như biến đổi khí hậu, tình trạng thiếu lao động và thị trường không mấy sáng sủa”, CEO Ashes Madgavkar của Ceres Imaging cho biết.
Theo ông Michael Gore, giáo sư trường Cao đẳng Nông nghiệp và Khoa học Đời sống Cornell, “Với những gì có thể nhìn thấy bằng mắt thường, việc xử lý trong nhiều trường hợp là quá muộn. Nếu có thể nhìn thấy điều gì đó bất thường sớm hơn, như sâu bệnh, người dân có thể phản ứng nhanh hơn nhiều, từ đó ngăn chặn nguy cơ giảm năng suất”.
Việc ứng dụng những giải pháp theo dõi công nghệ cao như Ceres Imaging ít tốn kém hơn nhiều so việc phun một số chất diệt nấm trên diện rộng, với chi phí dao động từ 1.5 – 2.5 USD mỗi 1.000m2, tùy theo loại cây trồng.
Startup này đã kêu gọi thành công 25 triệu đô la Mỹ từ quỹ đầu tư Insight Venture Partners, và đang phải cạnh tranh với rất nhiều các công ty khởi nghiệp hình ảnh vệ tinh ứng dụng nông nghiệp đang nở rộ như Descartes Lab, FarmShots, OmniEarth, Orbital Insight…
Tính đến thời điểm hiện tại, Ceres Imaging đã kiếm được khoảng 35 triệu đô la nhờ dịch vụ nông nghiệp của mình. Ceres Imaging đã bắt đầu cung cấp công nghệ này cho nhiều nông dân trồng ngô và đậu tương trong năm nay.
Linh Nguyễn Lê