Vì là thương hiệu bản địa, khách hàng có thể ủng hộ startup một vài lần. Nhưng để họ trở thành khách hàng trung thành, startup cần làm gì?

Gần đây, cụm từ “Make in Vietnam” được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhắc đến nhiều lần khi nói về chiến lược phát triển ngành công nghiệp số của Việt Nam.

Ông Hùng cho rằng: “Chính những công ty công nghệ sẽ tạo lên một cuộc cách mạng toàn dân về phát triển và ứng dụng công nghệ tại Việt Nam. Chính từ những khởi nghiệp công nghệ này sẽ hình thành lên một số người khổng lồ công nghệ Việt Nam”.

Theo đó, công nghệ đã và đang giúp sức giải những bài toán của Việt Nam. Đây là thị trường để sinh ra và phát triển các doanh nghiệp công nghệ, đồng thời cũng là cái nôi để các doanh nghiệp công nghệ nội địa đi ra toàn cầu, giải những bài toán toàn cầu.

Các chuyên gia cho rằng, một sản phẩm, dịch vụ “Make in Vietnam” trên hết phải am hiểu và làm chủ được thị trường trong nước trước khi tính đến những câu chuyện, sứ mệnh lớn lao. Trong đó, yếu tố bản địa của mỗi doanh nghiệp là rất quan trọng.

Bà Nguyễn Phi Vân, Chủ tịch Công ty Retail & Franchise Asia, thành viên sáng lập World Franchise Associates Đông Nam Á, chia sẻ quan điểm: “Bản địa không đơn thuần là sản phẩm, bản địa là trải nghiệm, là cái hồn, là cảm xúc”.

Theo bà Vân, tính bản địa nên được hiểu rộng là “bao trọn” trải nghiệm khách hàng từ lúc nghĩ về sản phẩm, tìm thông tin về sản phẩm, đặt hàng, đóng gói và sử dụng nó. Để làm được điều đó, ngoài áp dụng những công nghệ mới, các doanh nghiệp, startup cần thấu hiểu khách hàng và phân khúc khách hàng.

“Bạn phục vụ khách hàng cao cấp, hay bình dân? Sản phẩm có được cá nhân hóa? Có được kết nối và len lỏi vào lối sống của khách hàng như giám đốc công nghệ Google từng chia sẻ “từ nay về sau, chúng tôi luôn muốn vào phòng ngủ của bạn”? Đây chính là xu hướng mà các doanh nghiệp cần quan tâm”, bà Vân nhận xét.

Các chiến dịch quảng bá của Loship “rất thấu hiểu” người Việt Nam

Ông Nguyễn Hoàng Trung, nhà sáng lập và CEO Loship cho rằng, để có thể đứng vững trên thị trường đầy “cá mập”, quan trọng nhất là startup phải thấu hiểu và tập trung vào trải nghiệm của khách hàng.

Ra đời cách đây ba năm, Loship được biết đến là startup “bản địa” duy nhất đủ sức cạnh tranh với các kỳ lân châu Á trong lĩnh vực giao đồ ăn tại Việt Nam là SEA (Now.vn), Grab và Gojek (Go-Viet).

“Startup Việt rất dễ để điều chỉnh chiến lược khi bạn có thể nhìn thấy mỗi ngày người tiêu dùng thích và không thích gì. Đây chính là lợi thế cốt lõi khi bạn thực sự đặt khách hàng vào vị trí trung tâm cần chăm sóc, vì khi đó bạn có thể thay đổi mọi thứ đủ nhanh mà không cần đợi sự cho phép từ các bộ phận đang không ngồi tại Việt Nam,” ông Trung nói.

Như lĩnh vực giao đồ ăn, các công ty nước ngoài sở hữu lợi thế về nguồn lực, dễ dàng phân tích, đánh giá thị trường, nhưng chưa chắc đã hoàn toàn hiểu người tiêu dùng.

“Loship cung cấp rất nhiều danh mục thực phẩm, nhà hàng đúng theo thị hiếu của khách hàng để khách có thể thoải mái lựa chọn. Ngoài ra, chúng tôi là dịch vụ duy nhất bao trọn toàn bộ nhu cầu trong một ngày của người dùng. Khách hàng cần mua đồ ăn, Loship có. Cần mua thuốc, có luôn. Giặt là hay mua bàn chải đánh răng, tất cả đều sẵn sàng.

Chính vì vậy, người dùng đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác khi họ liên tục thấy cửa hàng mà họ muốn xuất hiện trên Loship. Vì họ đã quen với trải nghiệm, mua cái gì cũng được giao ngay. Loship làm được điều đó, vì thế người dùng cứ ở lại với chúng tôi mà không cần đi đâu”, ông Trung tiết lộ.

Không chỉ cung cấp các dịch vụ, sản phẩm “bản địa”, chiến dịch quảng bá của Loship cũng cho thấy họ “rất thấu hiểu” người Việt. Cụ thể, trong chiến dịch mới nhất, startup này đã tận dụng những cây dù và bạt che nắng từ mạng lưới hơn 500 cửa hàng đối tác để tạo độ phủ truyền thông, thông qua việc trưng cầu ý kiến khách hàng trên Facebook.

500 mẫu câu được in trên 500 dù, bạt khác nhau trong vòng 30 ngày và đặt tại bốn thành phố lớn – thông thường cần đến 5 tháng để triển khai đủ số lượng. Hơn 1.000 khách hàng tham gia sáng tạo nội dung, một số lượng mà ít có thương hiệu nào quy tụ được.

Đặc biệt, chiến dịch diễn ra trong giai đoạn căng thẳng của dịch bệnh Covid-19, cho thấy không như các doanh nghiệp lựa chọn phương án ngủ đông để tồn tại qua khủng hoảng, Loship vẫn tiếp tục thực hiện những bước đi marketing một cách tinh tế và cẩn trọng.

Việc am hiểu thị trường và người tiêu dùng Việt cũng đã giúp Luxstay – startup trong lĩnh vực “home sharing” đem tới những trải nghiệm chất lượng và tinh gọn cho khách hàng, thay vì dàn trải như các “đại gia ngoại” vốn chỉ coi Việt Nam như một thị trường nhỏ, có hạn mức đầu tư nhất định.

Bên cạnh đó, các startup “bản địa” như Luxstay cũng không chạy theo cuộc đua “đốt tiền” như các đối thủ toàn cầu. Theo lãnh đạo doanh nghiệp này, đây không đơn thuần là vấn đề tiền, mà quan trọng là giải quyết được bài toán của thị trường, và phát triển đủ nhanh để trở thành tiên phong và chiếm lĩnh thị phần lĩnh vực cho thuê homestay trong khu vực

Trên thế giới, Airbnb bao phủ khắp ngõ ngách. Tại Việt Nam, Luxstay từng bước chiếm lĩnh thị trường đặt phòng lưu trú, cho thuê chỗ nghỉ ngắn ngày. Theo công ty nghiên cứu AirDNA, thị trường homestay tăng trưởng gần 5 lần trong vòng một năm qua, cao hơn rất nhiều so với ngành khách sạn truyền thống và đạt doanh thu 130 triệu USD.

“Luxstay đang tạo ra một sân chơi đóng góp vào sự phát triển cho hệ sinh thái bất động sản, dịch vụ liên quan đến du lịch của Việt Nam. Cụ thể là Luxstay trở thành kênh khai thác, tạo thu nhập cho chủ nhà, những người đầu tư vào bất động sản dài hạn. Điều này sẽ giúp cho ngành bất động sản phát triển bền vững hơn”, ông Nguyễn Văn Dũng, nhà sáng lập và CEO Luxstay chia sẻ.

Việt Hưng