Theo báo cáo của quỹ đầu tư mạo hiểm Cento Ventures, năm 2019, Đông Nam Á đã thu hút được 7,7 tỷ USD đầu tư vào lĩnh vực công nghệ, giảm 36% so với con số 12 tỷ USD năm 2018. Tuy không có nhiều khoản đầu tư lớn nhưng các giao dịch nhỏ hơn lại gia tăng đáng kể.

Cụ thể, tổng số tiền đầu tư quy mô nhỏ (dưới 50 triệu USD) đã lập kỷ lục mới là 2,4 tỷ USD so với 1,5 tỷ USD vào năm 2018. Ngược lại, số tiền được triển khai trong các giao dịch lớn (hơn 50 triệu USD) là 5,3 tỷ USD vào năm 2019, so với 10,5 tỷ USD năm 2018.

“Do hoạt động ở các giai đoạn trước đã tăng (theo số lượng và giá trị), đầu tư năm 2019 giảm có thể do việc đầu tư vào các giai đoạn sau giảm hơn. Tuy nhiên, kết hợp giữa việc gọi vốn đang diễn ra của các kỳ lân hiện tại và nhóm các doanh nghiệp công nghệ mới hơn đang bước vào các giai đoạn sau và tăng các vòng gọi vốn lớn hơn sẽ tạo ra khả năng cho xu hướng tăng vốn đầu tư trở lại vào năm 2020”, Mark Suckling, một trong những tác giả của báo cáo và một đối tác tại Cento Ventures, cho KrAsia biết.

Một trong những xu hướng đáng chú ý nhất của năm 2019 là sự tăng đột biến về số lượng với ​​tổng số 608 giao dịch đầu tư vào lĩnh vực công nghệ. Đây là một dấu hiệu cho thấy mối quan tâm hàng đầu của các quỹ đầu tư vào các công ty khởi nghiệp trong khu vực.

Một điểm quan trọng khác trong năm 2019 là việc đầu tư của các quỹ hầu hết ở giai đoạn đầu, giai đoạn thỏa thuận. Các giao dịch nhỏ  (dưới 0,5 triệu USD và thường là vòng hạt giống) nhiều hơn gấp đôi về số lượng và gần gấp đôi về giá trị. Trong khi đối với các giao dịch từ 0,5 triệu USD đến 10 triệu USD (thường là Series A & B) chỉ tăng hơn 50% cả về số lượng và giá trị.

Đáng chú ý nhất chính là 2 thương vụ đình đám của năm 2019 khi Traveloka đã huy động được 420 triệu USD và VNPay 300 triệu USD. Một số cái tên ít quen thuộc hơn có Nhà cung cấp dịch vụ e-logistics của Việt Nam Scommerce (100 triệu USD), công ty khởi nghiệp công nghệ đào tạo của Indonesia là Ruangguru (150 triệu USD) và công ty khởi nghiệp AI – Advance.ai có trụ sở tại Singapore (80 triệu USD).

Tất nhiên, cũng có những khoản đầu tư lớn mới tại Grab và Gojek, dường như nhỏ hơn so với năm trước. Đáng lưu ý là những con kỳ lân này đang liên tiếp thành lập những công ty vệ tinh (chẳng hạn như trong dịch vụ tài chính) có sự huy động vốn độc lập với công ty mẹ. Mặc dù có vẻ như tổng vốn đầu tư vào năm 2019 thấp hơn so với năm 2018, đây chỉ có thể là một hiện tượng tạm thời.

Trong năm 2019, khởi nghiệp tại Việt Nam cũng ghi dấu ấn với sự tăng trưởng về đầu tư so với các nước trong khu vực. Đầu tư cho các công ty khởi nghiệp có trụ sở tại Việt Nam lên đến 741 triệu USD, tăng mạnh so với con số  287 triệu USD năm 2018.

Đã có nhiều cuộc thảo luận trong năm qua về việc ưu tiên lợi nhuận để tránh khả năng “đầu tư mùa đông” (capital winter) có thể có đối với các công ty mới khởi nghiệp, sau thất bại của WeWork. Tuy nhiên, báo cáo nhấn mạnh rằng các yếu tố cơ bản của khu vực vẫn tích cực: dân số đông, số hóa nhanh chóng đòi hỏi các dịch vụ trực tuyến và nhiều ngành công nghiệp áp dụng công nghệ mới để chuyển đổi hoạt động.