Startup Việt muốn liên kết các hãng taxi tại Việt Nam nhằm cạnh tranh Uber, Grab
Vivu, một ứng dụng gọi xe Việt Nam, muốn cung cấp miễn phí nền tảng cho các hãng taxi tại Việt Nam nhằm giảm chi phí, tăng cạnh tranh trước các đối thủ Uber, Grab.
Startup gọi xe Vivu của Việt Nam cho biết, họ muốn cung cấp miễn phí ứng dụng này cho các công ty taxi đang hoạt động trong nước. Với ứng dụng Vivu, các công ty taxi sẽ được sử dụng các tính năng quản lý thông minh, gọn nhẹ, chẳng hạn công cụ gọi xe thay thế tổng đài truyền thống, hoặc cung cấp công cụ thay thế nhân viên điều hành tại các điểm công cộng nhà hàng, khách sạn, trung tâm mua sắm… như hiện nay các hãng taxi đang làm. Việc này giúp giảm chi phí đầu tư thiết bị, nhân công, giảm thiểu thời gian chạy rỗng, từ đó tăng doanh thu cho tài xế và giảm giá thành dịch vụ nhằm cạnh tranh tốt với các ứng dụng gọi xe khác.
Ông Nam Trần, phụ trách phát triển ứng dụng Vivu, cho biết, các hãng taxi truyền thống khi hợp tác với Vivu sẽ được cung cấp tổng đài thông minh. Thông thường khi một khách gọi điện lên tổng đài và yêu cầu xe, tổng đài taxi sẽ gọi bộ đàm để các xe taxi gần khách hàng nhất chạy đến đón. Việc này khiến nhiều taxi chạy đến cùng lúc, xe đến trước sẽ đón được khách trong khi các xe khác phải chịu xe rỗng.
Ông Nam cho biết, tổng đài thông minh sẽ thay bộ đàm bằng ứng dụng, nhân viên tổng đài khi nhận cuộc gọi từ khách chỉ cần sử dụng ứng dụng để yêu cầu taxi, sẽ chỉ có một chiếc được chọn chạy đến đón khách, việc này hạn chế tình trạng giành khách và giúp giảm thiểu xe rỗng.
Ông Nguyễn Ánh Dương – Giám đốc điều hành Vivu cho biết thêm, thời gian tới công ty sẽ trình đề án thí điểm sử dụng đồng hồ công nghệ thay thế đồng hồ taxi truyền thống gửi các Bộ ngành và Chính phủ để đưa vào vận hành chính thức cho loại hình kinh doanh này.
Theo quy định, xe taxi phải có đồng hồ tính cước, mức cước này cũng cố định, do đó ông Nam cho rằng đây là hạn chế của taxi truyền thống. Đồng hồ mới của Vivu nếu được gắn lên xe taxi có thể điều chỉnh được giá, có thể giảm giá khi trong giờ thấp điểm để cạnh tranh với các ứng dụng khác. Trong khi đó, mức giá cao nhất sẽ bằng với mức giá hiện nay quy định của các hãng taxi chứ không cao hơn.
“Chúng tôi muốn cung cấp ứng dụng cho các hãng taxi nhằm giảm chi phí, từ đó giảm giá thành nhằm cạnh tranh với các ứng dụng gọi xe nước ngoài. Bên Nhật nhiều hãng taxi liên kết lại dùng chung một ứng dụng, ước gì các hãng taxi tại Việt Nam cũng thế”, ông Nam nói.
Tại Nhật, luật chỉ cho phép tài xế có giấy phép hành nghề mới được lái xe đưa đón hành khách, cấm xe tư nhân hoạt động taxi. Do đó tại Tokyo, được xem là thị trường taxi lớn nhất thế giới, Uber vẫn chưa chen chân vào được. Chỉ một vài khu vực rất nhỏ và hẻo lánh nơi phương tiện công cộng không hoạt động được thì lái xe bán thời gian mới được hành nghề, và Uber đang bắt đầu mở thị trường tại đây.
Trong bài viết cách đây một năm trên tờ Bloomberg, bài báo cho biết chính phủ có xu hướng siết chặt hơn về luật vận chuyển hành khách sau khi một tai nạn xe buýt do tư nhân vận hành khiến 15 người tử vong, trong đó có nhiều học sinh, đồng nghĩa với việc các ứng dụng tận dụng xe tư nhân càng khó hoạt động hơn tại Nhật.
Tuy nhiên trong bối cảnh các ứng dụng như Uber ngày càng phát triển tại nước ngoài, và đã đặt chân lên Nhật, các công ty trong nước không ngồi yên. Bài báo cho biết tại thời điểm đó, Japan Taxi Co. – một công ty chuyên cung cấp đồng hồ tính cước và công nghệ cho ngành taxi – đã ra một ứng dụng trên smartphone cho phép người dùng gọi trong hệ thống khoảng 49.000 xe taxi và trả tiền ngay trên điện thoại.
Thời điểm cách đây hai tháng, bài viết trên tờ Nikkei (Nhật) cho biết 44 công ty taxi tại Nhật, chiếm khoảng 1/9 thị phần tại đây, đã bắt tay nhau ra ứng dụng chung tương tự Uber. Ứng dụng cho phép người dùng biết trước giá cước sau khi chọn điểm đi và điểm đến, tuy nhiên mức cước sẽ không thay đổi dù lái xe đi tuyến đường khác dài hơn hay bị kẹt xe quá thời gian dự kiến. Trừ các cuốc xe có điểm đến cố định (như sân bay chẳng hạn), lần này là lần đầu người Nhật được biết trước giá cước trước khi đi đi taxi, theo Bộ Giao thông nước này.
Do các quy định về luật tại Nhật, hiện Uber vẫn chỉ được cung cấp dịch vụ giao hàng và dịch vụ thuê theo yêu cầu (on-demand hire services), không được hoạt động tương tự taxi.
Mặc dù thị trường taxi tại Nhật vẫn do các hãng taxi truyền thống nắm giữ, tuy nhiên trước áp lực từ các ứng dụng gọi xe như Uber, các hãng này đang dần phải thay đổi. Trong năm nay các hãng đã giảm giá cước taxi cho các quãng ngắn, đồng thời tăng giá cước cho các quãng dài – vốn ít khách chạy hơn.
“Chúng tôi sẽ nâng cấp toàn bộ thị trường taxi”, Chủ tịch Hiệp hội cho thuê taxi tại Tokyo nói tại buổi giới thiệu ứng dụng. “Chúng ta phải học hỏi và thích ứng với các dịch vụ từ nước ngoài, bao gồm các việc vận hành dựa trên ứng dụng”, ông nói tiếp, ám chỉ sự gia tăng ảnh hưởng của các ứng dụng gọi xe như Uber, Didi Chuxing đang thành công ở các thị trường nước ngoài.
Tại Việt Nam, các hãng taxi truyền thống đang bị cạnh tranh, và dần trong thế yếu so với các ứng dụng gọi xe như Uber, Grab. Mới đây, nhiều xe taxi Vinasun xuất hiện trên đường phố với khẩu hiệu nhắm vào Grab và Uber, cho thấy các hãng taxi truyền thống đang chịu sức ép lớn từ các ứng dụng từ nước ngoài.
Vivu hiện có mặt tại TP.HCM, Cần Thơ, Cà Mau, Vĩnh Long, Vũng Tàu, Hà Tĩnh. Tiền thân của Vivu là ứng dụng FaceCar đươc nhiều người biết đến, do ông Nam Trần phát triển.
Hải Đăng – ICTNews