Startup Việt chớp thời cơ tung dịch vụ đưa người say về nhà
Mặc dù chưa có khung giá chung, nhưng phần đông người sử dụng dịch vụ chấp nhận mức giá từ 300.000 đồng/lượt với xe máy, và 500.000 đồng/lượt với xe hơi, bao gồm việc đưa cả người và phương tiện về nhà an toàn.
Từ 1/1/2020, luật Phòng, chống tác tại của rượu, bia chính thức có hiệu lực, siết chặt hơn các quy định về sử dụng, buôn bán, kinh doanh các loại đồ uống có cồn.
Theo đó, bất kể người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ (ô tô, máy kéo, xe máy, xe máy điện, xe mô tô) và phương tiện giao thông thô sơ đường bộ (xe đạp, xích lô, xe lăn, xe súc vật kéo…) đều không được phép uống rượu bia khi lưu thông trên đường.
Trước thực tế này, các dịch vụ đưa người say về nhà bắt đầu nhen nhóm phát triển ở Hà Nội, TP. HCM… Trên mạng xã hội, nhiều cộng đồng, hội nhóm được lập ra với mục đích cung cấp dịch vụ đưa đón, kết nối giữa người vừa uống rượu bia và tài xế.
Một số tài xế cho biết, mặc dù chưa có khung giá chung, nhưng phần đông người sử dụng dịch vụ chấp nhận mức giá từ 300.000 đồng/lượt với xe máy, và 500.000 đồng/lượt với xe hơi, bao gồm việc đưa cả người và phương tiện về nhà an toàn.
Trong số này, nổi bật là dịch vụ “Đưa tôi về nhà – tôi say rồi” của ứng dụng Rada – một startup của Việt Nam từng nhận được gói tài trợ 1 tỷ đồng từ Facebook. “Đưa tôi về nhà – tôi say rồi” là dịch vụ được Rada tung ra cách đây không lâu, nằm trong danh mục Cứu hộ giao thông.
Ứng dụng Rada tung dịch vụ đưa người say về nhà
Theo đó, người dùng chỉ cần click và truy cập vào ứng dụng sau khi vừa sử dụng chất cồn. Sau đó nhập số điện thoại cá nhân, cũng như địa chỉ điểm đón. Từ đây, ứng dụng Rada sẽ tìm kiếm, kết nối tài xế đưa người về nhà và đưa phương tiện về bãi đỗ mà vẫn đảm bảo an toàn cho phương tiện và tài sản của khách.
Theo tìm hiểu, mức giá dịch vụ Rada hiện tương đương với các dịch vụ đưa đón người say tự phát. Điểm khác biệt của ứng dụng này là có lượng tài xế đông đảo, nhân viên có bằng lái xe và kỹ năng điều khiển phương tiện, cam kết sẽ có mặt tối thiểu 2 người để đưa khách và xe về nhà.
Trước khi tung dịch vụ “Đưa tôi về nhà – tôi say rồi”, Rada được giới thiệu lần đầu vào tháng 12/2015, khi đó chỉ tập trung hỗ trợ kết nối nhu cầu về dịch vụ cứu hộ, sửa xe máy.
Thời gian sau này, Rada mở rộng thành ứng dụng tìm kiếm dịch vụ theo địa điểm, bao gồm nhiều lĩnh vực như sửa thiết bị gia đình, chăm sóc sức khỏe, thực phẩm, xây dựng, điện nước, giúp việc, cứu hộ, làm đẹp…
Trước Rada, từng xuất hiện ứng dụng có tên Bạn uống tôi lái cũng được triển khai. Ứng dụng này cho phép người uống rượu đặt trước người lái xe về, với phí từ 200.000 đồng/30 phút. Tuy nhiên, tới năm 2019 thì dịch vụ này đã ngừng hoạt động.
Trong quá khứ, Uber Việt Nam cũng từng thử nghiệm giải pháp gọi xe cho người say vào năm 2015 tại Hà Nội, nhưng kết quả vẫn thất bại.
Nhiều người kì vọng, ngoài các dịch vụ hiện hành, các ứng dụng gọi xe như Grab, Go-Viet, Be, FastGo sẽ sớm nhập cuộc và tung ra các tính năng đưa đón người sử dụng rượu bia.
Việt Hưng
Theo TheLeader