Lỗi chung trong tư duy của nhiều dự án khởi nghiệp Việt là khi bắt đầu không nghĩ đến khả năng tạo ra tiền (monetization).

Business meeting concept two men examining documents

Thực tế, nhiều startup mới thành lập bị cuốn đi bởi đam mê, bởi năng lực công nghệ ‘làm để chứng minh rằng mình có thể’ hoặc bởi sự yêu thích sản phẩm của mình và chỉ thật sự nghiêm túc nghĩ đến vấn đề lợi nhuận khi có áp lực từ nhà đầu tư.

Khả năng sinh lời hấp dẫn nhà đầu tư

Trong Webinar ‘Startup & Công nghệ kết nối dữ liệu mới’ diễn ra ngày 28/8, ông Hoàng Minh Trí – nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành Trung tâm ươm tạo khởi nghiệp Ai20x ở thung lũng Silicon, Mỹ, đã đưa ra một so sánh thú vị giữa các startup Việt và Mỹ trong giai đoạn đầu (early stage) mà ông có dịp được tiếp xúc.

Theo đó, các startup Mỹ “mở mắt ra là phải tìm nguồn tài chính, tìm nhà đầu tư”. Họ phải lo trang trải các chi phí tốn kém đắt đỏ, đặc biệt nếu thuê các kỹ sư phần cứng giỏi. Áp lực lớn khiến bất kì startup nào cũng phải gồng mình lên tính toán làm sao để tìm được dòng tiền nhanh nhất có thể. Trong khi ở Việt Nam, đa số các doanh nghiệp khởi nghiệp giai đoạn đầu thường là startup dựa trên nền tảng công nghệ thông tin không cần sử dụng quá nhiều tiền, có thể dùng trợ giúp từ gia đình, và bản thân nhiều người có thể sẵn sàng chấp nhận bỏ công sức ra mà không cần lương. Các bạn trẻ khởi nghiệp ở Mỹ cũng thường hướng đến giải quyết một bài toán cụ thể, trong khi không ít lần ông gặp các dự án của Việt Nam “tư duy quá lớn, không đi vào thực tế công việc”.

Do sự khác biệt đến mức thực dụng mà nhiều người Việt khởi nghiệp ngay từ đầu không xác định luôn bài toán làm thế nào để sản phẩm của mình tạo được tiền. “Các startup Việt giai đoạn đầu có điểm dễ dàng hơn ở nước ngoài là các chi phí thấp hơn. Đây là cái lợi nhưng cũng là cái hại, tức startup của chúng ta có thể sống lâu hơn nhưng lay lắt,” anh Bùi Thành Đô, nhà sáng lập và CEO của quỹ đầu tư ThinkZone Ventures cùng quan điểm. Từ thực tế tự mình mở các công ty khởi nghiệp và sau đó tham gia hỗ trợ khởi nghiệp, anh đã thấy có những ý tưởng khởi nghiệp trải qua 6-7 năm vẫn đang ở giai đoạn thử nghiệm làm đi làm lại mô hình, công ty vẫn chỉ có dăm ba người trong khi khách hàng thì không thấy đâu.

Thời gian qua, không ít nhà đầu tư trong và ngoài nước vẫn phàn nàn rằng “startup vẫn còn khá mơ mộng và không thực tế”. Mặc dù Việt Nam đã bắt đầu trở thành thị trường tiềm năng được các quỹ mạo hiểm xem trọng, nhưng nhiều người thừa nhận rằng họ vẫn gặp khó khăn trong việc tìm kiếm startup đáng để đầu tư.

Với những người bỏ vốn mạo hiểm, tìm được dự án có khả năng tạo ra tiền luôn là cái đích cuối cùng. Ở Techfest Việt Nam diễn ra vào tháng 12 năm ngoái, các nhà đầu tư nội địa như Shark Nguyễn Hòa Bình (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn NextTech) và Shark Trương Lý Hoàng Phi (Tổng giám đốc Vintech City) đã chỉ ra một xu hướng đầu tư mới cho startup. Theo đó, những mô hình kinh doanh đốt tiền đổi lấy tăng trưởng (‘Burn through cash’) đã gây ra nhiều thất vọng và mất đi sức hấp dẫn. Giờ đây nhà đầu tư quan tâm nhiều đến những mô hình kiếm được tiền (‘Make money’) – tức startup phải chứng minh được mô hình kinh doanh của mình mặc dù có thể chưa hoàn hảo nhưng có khả năng tạo ra tiền và thực sự đã kiếm được tiền, dù chỉ là khoản tiền nhỏ.

Xu hướng này càng được củng cố hơn trong cuộc khủng hoảng Covid-19 khi chính các quỹ và nhà đầu tư nhỏ cũng dần cạn vốn. Giờ đây, nhà đầu tư lựa chọn bỏ tiền một cách khôn ngoan hơn. Trong khu vực Đông Nam Á, cuộc cạnh tranh để kiếm được một khoản tiền runway nhằm chi trả cho những hoạt động thường ngày và tiếp tục R&D trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết. Doanh nghiệp có khả năng sinh lời và ổn định dài hạn sẽ là mục tiêu mà các quỹ mạo hiểm nhắm tới.

Đi sâu hơn vào công nghệ

Ngoài vấn đề tạo lợi nhuận, mô hình kinh doanh độc đáo cũng là điều mà các nhà đầu tư quan tâm. Họ nhắm tới những startup đang tập trung phát triển công nghệ đột phá (deep tech) – tức các công ty tiên phong trong bất cứ loại hình công nghệ cao nào, từ máy tính lượng tử, tên lửa tái tạo, đến trí tuệ nhân tạo, blockchain, công nghệ y sinh hay vật liệu mới.

Nếu như trên thị trường đã có những sản phẩm nhất định, người khởi nghiệp làm ra thêm một mẫu tương tự, thậm chí có khác biệt đôi chút thì cũng không mấy thu hút dưới mắt nhà đầu tư. Nếu có tiềm năng tạo ra doanh thu ổn định, những khoản đầu tư đó cũng chỉ được xếp vào dạng tài sản an toàn duy trì trong các danh mục đầu tư. Điều mà các quỹ mạo hiểm nhắm tới là những dự án rủi ro cao nhưng hứa hẹn lợi nhuận cao (high risk, high return)

Chẳng hạn, ThinkZone là một hệ sinh thái hỗ trợ khởi nghiệp của Việt Nam bao gồm cả thúc đẩy kinh doanh và đầu tư mạo hiểm, chú trọng đến các startup công nghệ trong giai đoạn từ Seed đến Series A. Đại diện tổ chức này cho biết thông thường, họ sẽ cần những con số khảo nghiệm sản phẩm của startup trên thị trường trước khi có thể đưa ra quyết định hỗ trợ giai đoạn đầu hay không, tuy nhiên cũng có những trường hợp rất đặc biệt họ sẵn sàng bỏ vốn đầu tư dù sản phẩm chưa bao giờ ra thị trường. Đó là với những startup đã bỏ công sức nghiên cứu phát triển rất sâu về công nghệ.

“ThinkZone đang có một startup về vật liệu graphine – thứ được coi là vật liệu “kỳ diệu” của thế giới trong tương lai. Họ sẽ phải mất nhiêu năm nữa mới có thể xây dựng công thức hoàn chỉnh, nhưng chúng tôi thấy rằng nếu điều này thành công thì nó sẽ là một cuộc cách mạng quá lớn, do vậy chúng tôi chấp nhận đổ nhiều tiền vào đó”, anh Bùi Thành Đô chia sẻ.

Tuy nhiên, số startup dạng này ở Việt Nam đang rất hiếm. Nhà sáng lập Vietnam Angel Network bà Nguyễn Phi Vân cho biết ngay cả trong khu vực Đông Nam Á, để tìm được các startup nghiên cứu sâu về công nghệ lõi cũng thực sự khó khăn. Khoảng trống này có thể là cơ hội cho lứa startup Việt sắp tới phát triển và bắt kịp được với những cường quốc ở phương Tây hay Hàn Quốc, Đài Loan. Suy cho cùng, giờ đây không chỉ các quỹ đầu tư mà cả những tập đoàn công nghệ lớn như Qualcomm, Viettel, Vingroup cũng đang bước chân vào cuộc chơi rót tiền cho những startup công nghệ.

Theo Khoa học & Phát triển