Startup ứng dụng công nghệ bán bảo hiểm tăng trưởng mạnh nhờ đại dịch Covid-19
COVID-19 đã tiêu diệt nhiều ngành công nghiệp, nhưng lĩnh vực bảo hiểm có thể là một trong số ít các lĩnh vực được hưởng lợi từ đại dịch. PasarPolis là một startup công nghệ bảo hiểm có trụ sở Jakarta đã chứng kiến sự tăng trưởng doanh số trong đại dịch và gọi vốn thành công series B trị giá 54 triệu USD.
Trụ sở của PasarPolis tại Jakarta, Indonesia
“Nhận thức về bảo hiểm đã thay đổi tốt hơn”, Cleosent Randing, người sáng lập và CEO của PasarPolis cho biết. Thông qua các nền tảng như Gojek, startup 5 năm tuổi này cung cấp các sản phẩm bảo hiểm giá rẻ, các gói bảo hiểm nhỏ, được bảo lãnh bởi các công ty bảo hiểm lớn.
Một ví dụ về sản phẩm PasarPolis là bảo hiểm cho bưu kiện gửi qua GoSend, dịch vụ hậu cần của Gojek. Cùng với sự tăng trưởng của các giao dịch trực tuyến hoạt động kinh doanh của công ty cũng tăng trưởng theo khi số lượng người sử dụng GoSend ngày càng tăng để giao hàng.
Vị CEO này kỳ vọng rằng đại dịch sẽ giúp thúc đẩy doanh số bán các loại bảo hiểm khác, chẳng hạn như bảo hiểm sức khỏe hoặc nhân thọ, ở một quốc gia có tỷ lệ người mua bảo hiểm thấp nhất trong khu vực.
Tỷ lệ người mua bảo hiểm thường có xu hướng tăng cùng với sự phát triển kinh tế của một quốc gia, thế nhưng mặc dù Indonesia gần đây đã được Ngân hàng Thế giới xếp vào quốc gia có thu nhập trung bình cao, tỷ lệ mua bảo hiểm của người dân vẫn chỉ là 1,99% vào năm 2019, thấp hơn nhiều so với 4,99% của Thái Lan và 4,72% của Malaysia (theo dữ liệu từ SwissRe Group).
Tỉ lệ tham gia bảo hiểm ở một số nước
Nhưng Randing tin rằng Indonesia sẽ giống như ở Trung Quốc, quốc gia mà số người mua bảo hiểm đang tăng cao kể từ sau đại dịch. Một cuộc khảo sát vào tháng 5 của Morgan Stanley cho thấy 16% số người được hỏi đã tăng số tiền bảo hiểm y tế của họ trong ba tháng trước đó và một phần ba đang cân nhắc tham gia thêm bảo hiểm.
Tuy nhiên, để làm được điều đó thì các hợp đồng bảo hiểm cần phải có giá cả phải chăng và dễ đăng ký. Hiện tại, ở Indonesia, bảo hiểm vẫn chủ yếu được bán thông qua các kênh truyền thống như đại lý hoặc ngân hàng và người mua yêu cầu phải điền đầy đủ giấy tờ. Chi phí liên quan của việc này được cộng vào phí bảo hiểm, dẫn đến giá cao hơn. Trong khi đó, PasarPolis triển khai các đại lý, kênh phân phối chính của họ là thông qua các nền tảng kỹ thuật số như Gojek, Tokopedia và Traveloka – tất cả đều là các nhà đầu tư vào công ty – cho phép họ giảm chi phí và giảm phí bảo hiểm. Việc mua bảo hiểm cũng được thực hiện trực tuyến.
“Giảm chi phí điều cần thiết để mọi người dân có thể tiếp cận bảo hiểm ở Indonesia, điều này cũng giúp giảm gánh nặng tài chính cho người dân và giúp nền kinh tế Indonesia phát triển. PasarPolis đảm bảo cung cấp bảo hiểm với chi phí hợp lý, liền mạch và dễ dàng”, Randing cho biết.
PasarPolis đã ban hành hơn 650 triệu chính sách cho người tiêu dùng mua bảo hiểm lần đầu, bao gồm tài xế gọi xe, người giao hàng và người bán của các doanh nghiệp trực tuyến vừa và nhỏ vào năm ngoái.
Công ty cũng đang nỗ lực triển khai mô hình “định giá năng động”, theo đó phí bảo hiểm thay đổi dựa trên thói quen và xu hướng của một người – ví dụ: phí bảo hiểm y tế sẽ giảm đối với những người tập thể dục hàng ngày.
Randing cho biết nhà sản xuất điện thoại thông minh Trung Quốc Xiaomi là đối tác quan trọng của mô hình này. Xiaomi là một trong những nhà đầu tư đã tham gia vào vòng tài trợ Series B gần đây của công ty trị giá 54 triệu USD.
Randing cũng cho biết: “Xiaomi có tất cả năng lực IoT (Internet of Things) và bảo hiểm của tương lai được kết nối với IoT. Mua bảo hiểm sẽ trở nên dễ dàng, giống như mua ứng dụng khi điện thoại cho thấy bạn đã đi bộ nhiều trong tháng vì vậy bạn sẽ được giảm giá bảo hiểm của mình. Chúng tôi muốn tạo ra bảo hiểm có kết nối internet trên thiết bị di động”.
Tú Oanh
Theo Nikkei